(Baonghean) - Những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên đang đặt ra cho các cấp ủy Nam Đàn nhiều thách thức. Nhiệm vụ đòi hỏi phải có những giải pháp sáng tạo, linh hoạt để từng bước tháo gỡ khó khăn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường năng lực của tổ chức cơ sở đảng.
Đối diện với nhiều khó khăn từ cơ sở
Nam Đàn có 61 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), trong đó có 24 Đảng bộ xã, thị trấn với 418 chi bộ trực thuộc. Với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, mỗi chi bộ một năm kết nạp 1 đảng viên, tuy nhiên chỉ tiêu này nhiều cơ sở Đảng khó hoàn thành.
Bởi con số kết nạp hàng năm chỉ đạt khoảng 200 đảng viên, nghĩa là có nhiều chi bộ không kết nạp được đảng viên. Đơn cử ở Đảng bộ xã Nam Kim, trong tổng số 26 chi bộ thì có đến 13 chi bộ trong hơn 6 năm (từ năm 2010 đến nay) không kết nạp được đảng viên mới nào; có 8/26 chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên; 3/26 chi bộ kết nạp được 2 đảng viên.
Hay ở Đảng bộ xã Kim Liên, từ năm 2010 đến nay có 12 chi bộ không kết nạp được đảng viên mới. Cùng đó, nhiều xã cũng có những chi bộ không kết nạp được đảng viên trong nhiều năm như Khánh Sơn có 7 chi bộ; Hồng Long 6 chi bộ; Nam Lộc 4 chi bộ; Nam Thanh 4 chi bộ; Nam Anh 4 chi bộ; Xuân Lâm 3 chi bộ; Hùng Tiến 3 chi bộ; Nam Nghĩa 3 chi bộ.
Lý do chung nhất của thực trạng trên là một lực lượng lớn lao động trong độ tuổi ở các địa phương “thoát ly” làm cho nguồn để phát triển đảng viên bị thu hẹp. Bên cạnh đó, số ít lao động ở tại địa phương lại thiếu lý tưởng phấn đấu, không mặn mà vào Đảng.
Đồng chí Phạm Quyết Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim, chia sẻ: “Hàng năm, trên địa bàn có khoảng 100 học sinh tốt nghiệp phổ thông thì cơ bản vào đại học, tham gia xuất khẩu lao động và đi làm ăn xa. Một lực lượng lao động khác cũng kiếm việc thời vụ ra khỏi địa bàn nên ít gắn bó với các phong trào ở địa phương và không có nguyện vọng vào Đảng”.
Còn ở xã Nam Cát, đồng chí Đoàn Thị Oanh - Bí thư Đảng ủy xã cho rằng: Bên cạnh khó tìm nguồn, có một số đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể đã được học đối tượng Đảng lại không thể hiện quyết tâm để được kết nạp.
Cùng với đó, một số chi bộ còn lo lắng về tình trạng đảng viên dự bị bị xóa tên hoặc nguy cơ xóa tên khỏi danh sách đảng viên ngày càng nhiều, do họ đi làm ăn xa, không tham gia đầy đủ các hoạt động của chi bộ. Thực tế này không riêng ở xã Nam Cát mà diễn ra ở nhiều địa phương.
Tăng cường bồi dưỡng nguồn cho Đảng
Với những khó khăn nêu trên, các cấp ủy Đảng ở Nam Đàn trăn trở, thực hiện các giải pháp nhằm bổ sung nguồn cho các chi bộ, tránh nguy cơ khối, xóm không có chi bộ hoặc chi bộ có quá ít đảng viên. Đối với Đảng bộ thị trấn Nam Đàn, trên cơ sở chỉ tiêu Huyện ủy giao, đơn vị phân bổ chỉ tiêu cho các chi bộ, mỗi chi bộ phấn đấu kết nạp 1 đảng viên/năm. Đồng thời định hướng cho các chi bộ; giao trách nhiệm cho các đoàn thể quần chúng và các ngành quân sự, công an..., rà soát trong lực lượng của mình và động viên nhân tố tích cực phấn đấu vào Đảng.
Theo đồng chí Biện Văn Trung - Bí thư Đảng ủy thị trấn, nhiều Chi bộ đã rất năng động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo nguồn để bồi dưỡng kết nạp. Có những nhân tố tốt, nhưng ý thức chính trị và lý tưởng hạn chế, ngoài tuyên truyền, giáo dục cá nhân đó, một số Chi ủy còn trực tiếp đến nhà vận động, thuyết phục cha mẹ để cùng tác động.
Mặt khác, trước đây, nguồn để kết nạp đảng chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, nhưng thời gian gần đây, các chi bộ đã chú trọng đến đối tượng hết tuổi Đoàn trong các tổ chức Cựu chiến binh, Phụ nữ, Công an viên, dân quân tự vệ...
Với cách làm như vậy, những năm qua, Đảng bộ thị trấn luôn là đơn vị có số đảng viên kết nạp khá của huyện Nam Đàn. Riêng năm 2016, Đảng bộ kết nạp được 15 đảng viên (đều ở các chi bộ khối, không có trong chi bộ trường học) và 6 tháng đầu năm 2017 là 5 đảng viên.
Thực trạng chung ở các chi bộ nông thôn hiện nay là tuổi bình quân của đảng viên ngày càng cao, số đảng viên già là chủ yếu, số đảng viên trẻ rất ít; trong khi đó việc phát triển đảng viên mới lại rất khó khăn.
Nhiều Đảng ủy xã ở Nam Đàn đã chú trọng và đề ra nhiều biện pháp để phát triển đảng viên, như giao chỉ tiêu phát triển đảng cho các Chi bộ; đồng thời giao trách nhiệm cho các đoàn thể đi vận động, tạo nguồn để bồi dưỡng.
Trong đó chú trọng đến lực lượng đoàn thanh niên, lực lượng sinh viên ra trường trở về địa phương; gắn với ưu tiên bố trí các vị trí ở xóm, xã, như bí thư các chi đoàn, các chi hội và cán bộ bán chuyên trách ở xã, tạo nguồn cán bộ cho xã.
Bằng sự nỗ lực và quyết liệt từ các chi bộ, Đảng bộ và sự chỉ đạo của Huyện ủy, kết quả kết nạp đảng viên mới hàng năm ở Nam Đàn đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2016, toàn Đảng bộ kết nạp được 203 đảng viên và 7 tháng đầu năm 2017 kết nạp được 129 đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, cho rằng: Nhận thức được những khó khăn mà thực tiễn đang đặt ra đối với công tác phát triển đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Nam Đàn tiếp tục ban hành 2 Nghị quyết, trong đó có giải pháp tăng cường phát triển đảng viên, đồng thời giao trách nhiệm cho Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể xây dựng nhân tố giới thiệu nguồn cho Đảng kết nạp.
Gắn với đó là tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án số 5155 của Tỉnh ủy về Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 01/ĐA-TU/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm, bản nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện ủy cũng thường xuyên rà soát, đôn đốc công tác phát triển đảng viên ở từng đảng bộ, kịp thời biểu dương những đảng bộ tích cực, đồng thời phê bình, nhắc nhở những đảng bộ yếu kém trong phát triển đảng viên...
Nhiệm vụ phát triển đảng viên ở cơ sở luôn là yêu cầu cấp bách để tăng thêm lực lượng, góp phần tăng thêm trí tuệ, sức mạnh cho tổ chức cơ sở đảng, tham gia tích cực trong cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống.
Mai Hoa