(Baonghean) - Trong điều kiện chi phí tăng cao trong mỗi chuyến biển thì việc hiện đại hoá đội tàu khai thác hải sản là hết sức cần thiết. Mô hình hiện đại hóa đội tàu cá với các thiết bị hàng hải hiện đại do Trung tâm Khuyến Nông tỉnh triển khai đang mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân...
 
images1161331__nh_t_u_thuy_n.jpgĐội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu).
Được sự hỗ trợ và đầu tư của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, mức hỗ trợ bằng 50% tổng giá trị thiết bị), cuối năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã triển khai 3 mô hình hiện đại hóa đội tàu. Theo đó, tàu cá NA - 96688 TS, công suất 450CV do ông Vũ Xuân Trọng ở xã Quỳnh Long (chuyên khai thác lưới vây) được đầu tư 1 máy tầm ngư dò ngang KODEN model ESR-180BB, trị giá 130 triệu đồng. Tàu của ông Hồ Bá Sơn - xã Tiến Thủy (chuyên khai thác nghề chụp 4 tăng gông) ký hiệu NA - 92666 TS, công suất 495CV được đầu tư 1 máy ra đa hàng hải KODEN model MDC- 940 trị giá 55 triệu đồng. Tàu của ông Lê Hồng Nhung - ở xã Quỳnh Lập, mang ký hiệu NA - 90256 TS công suất 350CV được đầu tư 1 máy thông tin tầm xa VX - 1700, trị giá 14 triệu đồng. Sau 2 tháng hoạt động, cả 3 tàu đều hoạt động tốt và cho hiệu quả đánh bắt cao hơn.
 
Ông Vũ Xuân Trọng (xã Quỳnh Long) cho biết: “Khi được lựa chọn tham gia mô hình, cán bộ khuyến nông đã lắp đặt hoàn thiện máy móc và hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị. 2 tháng đầu đi biển được 6 chuyến, chuyến ngắn nhất là 5 ngày, chuyến dài cũng chỉ 7 ngày là cá đã đầy khoang, sản lượng thu được 22 tấn/chuyến. Với giá bán bình quân các loại cá tại thời điểm đánh bắt là 12.000 đồng/kg, tàu có tổng thu là 1.580.000.000 đồng; trừ chi phí nguyên vật liệu thu lãi được hơn 500.000.000 đồng. So với tàu chưa lắp máy, thời gian khai thác ngắn hơn từ 1 - 2 ngày/chuyến, sản lượng khai thác tăng hơn khoảng 5 tấn. Sau những chuyến biển trúng đậm mực, cá... anh em trên tàu vẫn thường nói vui từ ngày tàu được trang bị máy dò ngang cứ như có thêm “con mắt” dưới đáy tàu có thể nhìn thấu lòng đại dương. Những đàn cá có số lượng lớn trước đây chúng tôi phải vất vả lắm mới xác định đúng hướng đi thì nay chúng hiện lên sinh động trên màn hình, như vậy, chúng tôi buông lưới có thể đánh bắt hiệu quả…”.
 
Lâu nay, ngư dân Nguyễn Văn Minh (ở thôn Đại Bắc - xã Quỳnh Long) sử dụng máy dò đứng, mức độ phát hiện đàn khá hẹp, chỉ phát hiện được đàn cá dưới đáy khi tàu đi qua. Sau khi dự lớp tập huấn “Ứng dụng máy dò ngang trên tàu đánh bắt hải sản xa bờ” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai anh Minh đã mua ngay một máy dò ngang trị giá gần 300 triệu đồng. Chưa đầy 1 năm khai thác anh đã thu hồi được tiền vốn mua máy… Từ hiệu quả máy dò ngang mang lại cho tàu của các hộ dân đã được hỗ trợ từ năm trước, đến nay, toàn xã Quỳnh Long có thêm 20/43 tàu lưới vây công suất trên 400 CV trang bị máy dò cá hiện đại này; tổng sản lượng đánh bắt hải sản năm 2014 của xã đạt trên 17.000 tấn (tăng hơn khoảng 3.000 tấn so với năm 3013); riêng 4 tháng đầu năm 2015 sản lượng đánh bắt ước đạt 3.388 tấn, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ. Từ đánh bắt đạt sản lượng lớn đã giúp ngư dân có thu nhập cao hơn trước, khuyến khích họ gắn bó với ngư trường.
 
Toàn xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) có 325 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó có 110 tàu có công suất trên 400CV. Hiện đã có 21 tàu làm nghề lưới vây, nghề chụp 4 tăng gông trang bị máy tầm ngư dò ngang và 5 máy ra đa hàng hải; tổng sản lượng khai tháng 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3.388 tấn (tăng 550 tấn so với cùng kỳ năm trước)… Ứng dụng máy ra đa hàng hải KODEN model MDC theo chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, tàu cá của anh Hồ Bá Sơn chỉ tính trong 4 chuyến biển, sản lượng khai thác đạt 21 tấn/chuyến, thu được 462 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi thuần 292 triệu đồng. So với tàu không lắp máy hiệu quả kinh tế tăng 32,2%, sản lượng tăng 14%. “Từ khi được dự án trang bị máy ra đa hàng hải KODEN, chúng tôi không còn phải lo mỗi khi tầm nhìn trên biển bị hạn chế. Nhiều hôm gặp sương mù dày đặc nhưng nhờ thiết bị ra đa nên chúng tôi vẫn phát hiện được các loại tàu thuyền đang đánh bắt trong khu vực và phân biệt được đâu là bãi đá ngầm, vùng nước nông, sâu cũng như các đàn cá trong vùng để đánh bắt hiệu quả...” - anh Hồ Bá Sơn cho biết thêm.
 
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai có 2.346 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, chiếm 80,9% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh. Tàu đánh bắt xa bờ cũng chủ yếu tập trung ở 2 huyện này, với 120 chiếc có công suất trên 400 CV; 240 chiếc từ 150 - 400 CV và 380 chiếc từ 90 - 150 CV... Tính đến 25/4/2015, tổng sản lượng đánh bắt toàn tỉnh đạt 28.369 tấn; riêng tháng 4 là 10.344 tấn. Trên thực tế, các loại máy dò ngang, rada hàng hải tầm xa đã được ứng dụng từ nhiều năm nay, nhưng rất ít hộ tiếp cận được do giá của các loại máy còn cao, từ 250 triệu đến hơn 1 tỷ đồng tùy loại. Với sự hỗ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2008 đến nay, Nghệ An đã có 11 tàu cá đã được hỗ trợ kinh phí để mua thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt. Qua thống kê sơ bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 55 tàu cá lắp máy dò ngang (huyện Quỳnh Lưu 50 máy, Thị xã Hoàng Mai 5 máy); 5 tàu lắp máy rada hàng hải và 12 tàu ứng dụng máy thông tin tầm xa trình độ cao. 
 
Vận chuyển đá lạnh lên thuyền chuẩn bị ra khơi.
Anh Trần Trung Thành, Trưởng Phòng Kỹ thuật Khuyến ngư - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cho biết: Máy dò ngang là một thiết bị định vị mục tiêu dưới nước bằng thuỷ âm, có 8 chế độ quét khác nhau ở tất cả các hướng, các góc xung quanh tàu với bán kính 400m. Khi mục tiêu đã được xác định thì các thông số của mục tiêu như độ sâu, khoảng cách sẽ thể hiện trên màn hình. Bằng kinh nghiệm về ngư trường và mùa vụ, kết hợp tín hiệu từ màn hình, thuyền trưởng có thể ước lượng được mật độ, trữ lượng, hướng di chuyển của đàn cá mà quyết định hướng đánh như thế nào để vây trọn đàn cá. Ngoài ra, máy còn có khả năng phát hiện rạn đá ngầm để người lái tàu né tránh, không thả lưới, hạn chế được thiệt hại về ngư cụ và hư hỏng tàu.
 
Đối với thiết bị Radar hàng hải là thiết bị sử dụng sóng vô tuyến để phát hiện, nhận dạng mục tiêu trong mọi điều kiện đêm tối hoặc thời tiết xấu, giúp ngư dân nhận dạng được hướng di chuyển của các mục tiêu xung quanh tàu mà điều chỉnh hướng đi phù hợp, đảm bảo an toàn cho tàu và người trên biển. Và với tầm quét rộng giúp ngư dân dễ dàng phát hiện tàu lạ, quản lý lưới, hạn chế tình trạng lưới bị mất hoặc bị đứt do va chạm với tàu khác. Với máy thông tin tầm xa hiện đại đã hỗ trợ cho tàu  trong việc liên lạc với đất liền cũng như các bạn tàu một cách nhanh nhất, duy trì tín hiệu tốt nhất trong những ngày thời tiết xấu…
 
Từ hiệu quả 3 mô hình năm 2014, sang năm 2015 Trung tâm Khuyến nông quốc gia vẫn tiếp tục hỗ trợ 3 mô hình ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có công văn gửi Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu để tiến hành lập hồ sơ cho các hộ được hưởng lợi; mục tiêu đề ra các hộ phải đảm bảo phương tiện nghề phù hợp với chương trình hỗ trợ theo Nghị định 02 về công tác khuyến nông của Chính phủ. 
 
Cũng theo anh Trần Trung Thành, việc áp dụng và lắp đặt sử dụng các thiết bị hàng hải hiện đại vào đánh bắt thủy sản xa bờ đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để phổ biến rộng rãi đang còn không ít khó khăn. Một trong những lý do mà ngư dân còn ngần ngại là các loại máy giá quá cao, nhất là máy của Nhật, Mỹ đều từ trên 300 triệu đồng. Các mô hình khuyến ngư lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí quốc gia, để giải quyết khó khăn trước mắt cho ngư dân khi đóng tàu mới theo Nghị định 67/2014/NĐ CP, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngư dân cần nỗ lực để đồng bộ hóa trang thiết bị đánh bắt để vươn khơi xa bám biển dài ngày. Đối với ngư dân, kinh phí mua sắm các thiết bị hàng hải hiện đại nếu so với tỷ lệ đầu tư 6 - 7 tỷ đồng để đóng mới và cải hoán phương tiện đánh bắt xa bờ thì chưa phải là nhiều. Bởi nếu tàu được lắp đặt đồng bộ hóa cả 3 thiết bị trên sẽ dễ thành lập tổ hội khai thác trên biển, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tránh được được rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
 
Ngọc Anh