(Baonghean) - Đề án sản xuất vụ hè thu năm 2015 đang được ngành Nông nghiệp và bà con nông dân tích cực triển khai đề ra chỉ tiêu phấn đấu gieo cấy 56.000 ha lúa, 16.000 ha ngô, 1.500 ha lạc, 6000 ha đậu các loại, 4.500 ha vừng, 8500 ha rau màu, trong đó có 1.500 ha dưa hấu. Riêng cây lúa phấn đấu đạt năng suất bình quân 46 - 50 tạ/ha, sản lượng đạt 260.400 tấn.
Sản xuất vụ hè thu 2015 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, khó lường, không theo quy luật. Điều này đã được thể hiện, đó là: Lượng mưa cả năm 2014 chỉ có trên 1.400 mm, bằng 63 - 64% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm trước. Đến vụ xuân 2015 này, suốt từ tháng 1 đến nay, trời rất ít mưa, lượng mưa không đáng kể. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện tại nguồn nước dự trữ trong các hồ đập và các công trình đầu mối đều thấp thua cùng kỳ năm 2014, chỉ bằng 30 - 40% mức thiết kế.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn vùng Bắc Trung bộ thì từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay lượng mưa ở Nghệ An có khả năng sẽ thấp thua rất nhiều so với trung bình nhiều năm do có sự hoạt động mạnh của Elnino gây ra hạn hán và nắng nóng kéo dài. Vì vậy từ cuối tháng 3 đến tháng 8 năm 2015, lưu lượng dòng chảy trên hầu hết các sông suối tiếp tục giảm dần ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ này từ 30 - 60%, có nơi rất thấp. Do vậy nguy cơ xẩy ra hạn hán trên địa bàn toàn tỉnh rất lớn. Sau hạn hán là lụt bão. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì mùa mưa bão năm nay có khả năng xẩy ra sớm hơn, cường độ mạnh hơn, mang tính chất cực đoan hơn với số lượng từ 8 - 10 cơn bão đổ bộ vào Biển Đông. Trong đó khu vực Bắc miền Trung có thể bị ảnh hưởng lớn từ 3 - 4 cơn.
Từ những khó khăn, phức tạp nói trên của vụ hè thu năm nay, việc tổ chức triển khai chỉ đạo phải quán triệt phương châm: Khẩn trương, kịp thời và ăn chắc để không gây thiệt hại lớn do thời tiết gây ra. Muốn vậy cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Chống tư tưởng chủ quan, dựa vào kinh nghiệm của một số vụ hè thu trước đây để áp dụng cho vụ hè thu năm nay, bởi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy phải luôn đề phòng, né tránh các diễn biến phức tạp của thời tiết để chủ động trong sản xuất vụ hè thu là điều cần thiết.
Thứ hai: Kiểm tra, rà soát để phân loại diện tích đất bị hạn để bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống hợp lý. Với diện tích đất khô hạn hoàn toàn không có khả năng tưới nước chỉ nên gieo trồng các loại cây, chịu được khô hạn tốt như vừng, đậu đỗ các loại, lạc… Nhưng cần gieo trồng sớm khi đất còn đủ ẩm để hạt giống sau khi gieo có thể mọc mầm, sinh trưởng.
Với diện tích đất không hoàn toàn chủ động nước tưới liên tục nên mạnh dạn chuyển đổi từ gieo trồng lúa, sang trồng ngô là tốt nhất và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây ngô rất cần đất đủ ẩm và có nước tưới từ 2 - 3 lần thì sẽ cho năng suất rất cao. Trên loại đất này, hiện nay Bộ NN & PTNT và ngành Nông nghiệp Nghệ An đã có chủ trương khuyến khích các cơ sở sản xuất và bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ lúa sang ngô vừa là giải pháp phòng chống hạn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và vừa có sản phẩm phục vụ phát triển chăn nuôi.
Còn diện tích đất hoàn toàn chủ động nước tưới và tiêu bằng hệ thống nước tự chảy của bara Đô Lương, của các hồ đập và cả hệ thống bơm điện, bơm dầu, toàn tỉnh hiện có khoảng 51.000 đến 53.000 ha, chia làm 3 vùng: Vùng vàm cao rất ít bị mưa to gây ngập úng. Vùng này có khoảng 12.000 - 13.000 ha ở cả đồng bằng và vùng lúa bán sơn địa. Ở vùng này nên gieo cấy các giống lúa lai chất lượng khá, năng suất cao, có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày như Khải Phong 1, C.ưu đa hệ số 1, VT 404, BT-E1 và một số giống lúa thuần năng suất cao như: AC5, BC15, TBR 225…
Vùng ít bị ngập lụt hơn khi có mưa vừa đến mưa to. Vùng này toàn tỉnh có khoảng 21.000 - 22.000 ha tập trung ở các huyện đồng bằng, trong vùng này nên gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày để thu hoạch xong trước ngày 10 tháng 9 là tốt nhất. Giống lúa nên được gieo cấy trong vùng này gồm: lúa lai như TH3-3, TH3-4, TH3-5, Kinh sở ưu 1588, Nghi Hương 305, Q.ưu 1, ZZD001. Lúa thuần: Vật tư - NA2, Hương thơm 1, Bắc thơm số 7, Khang dân đột biến, nếp DT52, nếp 87…
Vùng thấp dễ bị ngập lụt khi có mưa từ 120mm trở xuống, toàn tỉnh có khoảng 18.000 - 20.000 ha, tập trung chủ yếu các vùng thấp trũng thuộc các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Trong vùng này chỉ nên cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, thu hoạch xong trước ngày 30/8 là tốt nhất.
Thứ ba: Thời vụ gieo cấy càng sớm càng tốt và chỉ nên gieo mạ để cấy nhằm đáp ứng được cả 2 mục tiêu, đó là vừa tiết kiệm nước (gieo sạ hay còn gọi là gieo thẳng phải đưa nước vào khi làm đất và phải tháo nước ra khi gieo sạ), vừa đẩy thời gian sinh trưởng của cây lúa về trước để rút ngắn thời gian sinh trưởng về sau, làm được như vậy sẽ cho thu hoạch sớm hơn khi mùa mưa bão lụt chưa về.
Thứ tư: Đầu tư thâm canh để có năng suất cao, chống tư tưởng xem nhẹ đầu tư thâm canh trong vụ hè thu với lý do vụ hè thu bấp bênh, không ăn chắc. Kinh nghiệm cho thấy từ rất nhiều vụ hè thu đã qua, địa phương nào, hộ nào gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, gieo cấy sớm, gieo cấy xong trước 10/6 và có đầu tư thâm canh tốt đều cho thu hoạch xong trước 10/9 hàng năm, phần lớn đều cho năng suất lúa không dưới 60 tạ/ha vụ. Vì vậy, để có năng suất lúa cao phải đầu tư đủ phân bón trước và sau khi gieo cấy. Phân bón trong vụ hè thu nên bón lót đậm, bón thúc sớm để không kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa. Bình quân mỗi sào lúa trước khi cấy cần bón từ 3 - 4 tạ phân chuồng + 12 - 15 kg NPK loại 16 - 16 - 8 hoặc 25 - 30 kg NPK loại 8 - 10 - 3. Sau cấy được 10 - 12 ngày bón thúc sớm, bón từ 8 - 10 kg NPK loại 15 - 5 - 20 hoặc 5 - 6 kg đạm urê + 3 - 4 kg kali.
Thứ năm: Chủ động phòng và chống sâu bệnh kịp thời. Đây là yếu tố quan trọng cùng với việc đầu tư thâm canh, nhất là việc sử dụng phân bón, cần bón đúng, đủ, kịp thời và cân đối. Đồng thời không nên sử dụng nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng dài, ngắn khác nhau được gieo cấy trên cùng một cánh đồng, gây bất lợi trong việc phòng trừ sâu bệnh.
Về chống sâu bệnh: Cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới xuất hiện. Trong đó cần lưu ý rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh bạc lá rất dễ xuất hiện trong điều kiện thời tiết nắng hạn gay gắt và kéo dài. Nếu phát hiện có các loại sâu bệnh phải tiến hành phun thuốc trừ ngay theo hướng dẫn của trạm bảo vệ thực vật địa phương.
Doãn Trí Tuệ