(Baonghean) - Chủ nhật, ngày 1/2, tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram phát động một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Maiduguri. Suốt buổi sáng chủ nhật, nhóm khủng bố đã tiến hành đợt tấn công nhằm giành lấy quyền kiểm soát Maiduguri – một thành phố có vị trí chiến lược nằm ở phía đông bắc Nigeria.
Chủ nhật, một cuộc chiến ác liệt giữa Quân đội và tổ chức Boko Haram đã diễn ra tại Thành phố Maiduguri, nơi sinh sống của hơn 1 triệu người dân Nigeria. Do tình hình hết sức hỗn loạn nên các bên chưa thể thống kê được số người thiệt mạng cũng như số người bị thương. Trước những đợt tấn công dữ dội của Boko Haram, nhiều người dân cho biết họ đang rất sợ hãi. Họ không tưởng tượng nổi điều gì sẽ đến với mình và người thân khi tổ chức Boko Haram đánh bại lực lượng an ninh và chiếm được Thành phố Maiduguri.
Hôm 25/1, Boko Haram từng cố gắng tiến hành các cuộc tấn nhằm kiểm soát thành phố lịch sử Maiduguri. Nhưng rất may, Quân đội Nigeria đã đẩy lùi những cuộc tấn công trên. Tuy nhiên, cũng vào ngày 25, dù phải nếm mùi thất bại ở Maidugiri, nhưng tổ chức Boko Haram lại chiếm được Thành phố Monguno và một khu căn cứ quân sự gần đó. Những địa điểm nói trên chỉ cách Thành phố Maiduguri khoảng 130 km về phía Bắc.
Trong những ngày gần đây, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram còn tiến hành nhiều cuộc tấn công ở biên giới phía Bắc giữa Cameroon và Nigeria. Lo sợ trước những đợt tấn công của Boko Haram, hôm 17/1, Chad – một quốc gia láng giềng khác của Nigeria cũng triển khai thêm binh lính tại những khu vực biên giới phòng trường hợp nhóm Hồi giáo cực đoan này tấn công biên giới của mình.
Trước sự đe dọa và phát triển của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram, hôm thứ Sáu vừa rồi, Liên minh châu Phi (AU) kêu gọi các quốc gia thành lập một lực lượng chiến đấu của khu vực. Theo đó, có khoảng 7.500 binh lính sẽ được điều động đến Nigeria nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn định ở quốc gia này.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không hề tin tưởng vào giải pháp mà AU đưa ra có thể giải quyết được tình trạng bất ổn ở Nigeria. Bởi hồi cuối năm 2014, 5 quốc gia bao gồm Nigeria, Cameroon, Niger, Chad và Benin từng thống nhất thành lập một lực lượng có chức năng tương tự bao gồm 3.000 người. Thế nhưng, cho đến nay, do những bất đồng giữa Nigeria và các nước láng giềng, nên lực lượng này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Chu Thanh
Theo Le Monde 1/2