(Baonghean) - Cuối cùng thì kết cục không mong muốn cũng đã đến với con tin thứ 2 người Nhật Bản bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt giữ - nhà báo Kenji Goto. Mặc dù sự thất bại trong cuộc khủng hoảng con tin lần này có thể đặt ra những thách thức mới cho Chính phủ Nhật Bản trong việc đảm bảo an toàn cho người dân Nhật Bản ở trong và ngoài nước, song có một điều sẽ không thay đổi, đó là Chính phủ Nhật Bản sẽ không lùi bước trước chủ nghĩa khủng bố.
Con tin bị sát hại, người thân... xin lỗi
au nhiều ngày hồi hộp theo dõi, cuối cùng dư luận Nhật Bản và quốc tế đã không thể đón nhận tin vui về số phận của nhà báo Kenji Goto khi cuối ngày 31/1, IS tung lên mạng đoạn băng hình cho thấy con tin người Nhật Bản đã bị hành quyết. Ngay sau khi nhận được thông tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi lời chia buồn tới gia đình Kenji, coi đây là sự việc “đáng tiếc”, đồng thời không quên lên án hành động của IS là phi nhân đạo, và “Nhật Bản sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành động khủng bố”. Cách hành xử của Thủ tướng Shinzo Abe không có gì lạ nếu so với bất kỳ vị nguyên thủ nào khác trong những tình huống tương tự. Điều khác lạ chính là ở phản ứng của người dân Nhật Bản, của những người thân của hai con tin sau khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Người ta có hồi hộp theo dõi và mong muốn hai con tin được giải cứu? Có. Người ta có chờ đợi những bước đi tích cực và hiệu quả từ phía chính phủ? Có. Người ta có mơ về những điều kỳ diệu khi từng thời hạn chót lần lượt qua đi? Có. Vậy nhưng, khi mọi mong muốn đều không trở thành hiện thực, người dân Nhật Bản đã không oán trách chính phủ. Ngược lại, họ bày tỏ sự ủng hộ với cách giải quyết cuộc khủng hoảng của ông Abe. Đã từng có dự đoán rằng, nếu cuộc giải cứu con tin thất bại, Chính phủ Nhật Bản có thể phải hứng chịu sự giận dữ của công chúng, bởi người dân sẽ không chấp nhận việc chính phủ “vì những nạn nhân khủng bố ở nơi khác mà hy sinh tính mạng công dân của mình”. Nhưng thực tế đã cho thấy, dự đoán này không đúng với cách mà người Nhật Bản đối diện với nỗi đau, mất mát.
Theo một cuộc điều tra của hãng tin Kyodo thực hiện một ngày sau khi IS công bố đoạn video cho biết đã hành quyết con tin đầu tiên, 60,6% số người dân Nhật Bản được hỏi ủng hộ cách thức giải quyết vụ việc của chính phủ, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 31,2%. Đáng chú ý, ngay chính gia đình của con tin bị sát hại cũng không bày tỏ thái độ oán trách, cho dù họ vô cùng đau buồn. Ông Shoichi, cha của con tin Haruna Yokawa thậm chí còn nói rằng "Tôi rất xin lỗi vì con trai mình đã gây rắc rối cho chính phủ và mọi người. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ to lớn của họ". Sau khi có thông tin con tin thứ hai là nhà báo Kenji Goto bị hành quyết, một lần nữa người ta lại bắt gặp lời xin lỗi từ mẹ của nạn nhân khi bà đứng trước ống kính truyền hình quốc gia để cảm ơn toàn thể người dân Nhật Bản, đồng thời xin lỗi vì những rắc rối mà con trai bà đã gây ra. Bố của Kenji Goto cũng bày tỏ rằng đây là một kết thúc thật đáng tiếc, nhưng gia đình ông vô cùng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, những nhà báo, cả những người không quen biết đã tham gia hoạt động nhằm giải thoát cho Goto. Có lẽ, sự ủng hộ và thấu hiểu của người dân Nhật Bản đã giúp Thủ tướng Shinzo Abe thêm quyết tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Nhật Bản quyết chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố
Ngay từ thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng con tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ lập trường cứng rắn khi nhiều lần tuyên bố Nhật Bản sẽ không lùi bước trước chủ nghĩa khủng bố. Và lập trường này một lần nữa được ông Abe nhắc lại trong cuộc họp nội các ngay sau khi nhận được thông tin con tin thứ hai bị sát hại, rằng “Nhật Bản sẽ quyết tâm lãnh trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế chiến đấu với khủng bố”. Để chứng minh cho quyết tâm này, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ mở rộng hỗ trợ nhân đạo trong các hoạt động chống khủng bố. Có thể có ý kiến cho rằng hỗ trợ nhân đạo chưa phải là một hành động chống khủng bố tích cực, thế nhưng với Nhật Bản - nước vẫn bị ràng buộc bởi “hiến pháp hòa bình”, ngăn cản Nhật Bản tham gia những hoạt động chiến đấu – đây là “thứ duy nhất để Nhật Bản tích cực hơn nữa trong tương lai”. Tuyên bố của ông Abe còn mang tính biểu trưng mạnh mẽ khi biết rằng, yêu sách 200 triệu USD tiền chuộc mà IS ban đầu đưa ra chính là để “đền bù” cho khoản 200 triệu USD mà ông Abe cam kết cho các nước bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống IS trong chuyến công du Trung Đông mới đây.
Quan điểm từ khi tranh cử của Thủ tướng Shinzo Abe là thúc đẩy vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế, hợp tác trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố. Mặc dù không trực tiếp tham gia các chiến dịch quân sự chống khủng bố, song cuộc khủng hoảng con tin vừa rồi cho thấy, Chính phủ Nhật Bản phải áp dụng những chính sách an ninh cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân Nhật Bản ở trong và ngoài nước. Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc khủng hoảng con tin có thể không ảnh hưởng nhiều đến chính sách đối ngoại tổng thể mà ông Abe đang theo đuổi, trong đó có hoạt động chống khủng bố, song có thể người dân Nhật Bản và một số đảng bảo thủ sẽ xem xét lại vấn đề về quyền phòng vệ tập thể đã được thông qua vào năm ngoái. Hiện nay, tỷ lệ phản đối quyền này tương đối cao với những ý kiến cho rằng việc quân đội Nhật Bản có quyền tham gia vào hoạt động tại nước ngoài sẽ kích thích bạo lực, làm cho chiến tranh có nguy cơ phát triển. Bởi vậy, sau sự kiện này, việc quân đội tham gia thế nào, với mức độ nào và với mục đích gì, đặc biệt trong hoàn cảnh bảo hộ công dân nước mình sẽ nhận được nhiều ý kiến của dư luận.
Thúy Ngọc