8 lần truy điệu sống
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Dương Văn Lương (SN 1944) nằm lọt thỏm trong con ngõ sâu giữa khối 2, phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò). Bên ấm chè xanh, ông Lương kể về những năm tháng thời trai trẻ: “Năm 1964, đang là sinh viên Đại học Hàng hải, tôi đăng ký nhập ngũ và được biên chế về Tàu 42, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân. Từ đó, cuộc đời gắn với biển khơi, lênh đênh cùng sóng gió, bao lần đối mặt với hiểm nguy”.
Theo lời ông Lương, Tàu 42 thuộc Đoàn tàu không số, có nhiệm vụ theo đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển hàng hóa, vũ khí hạng nặng chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1964 – 1970, ông Lương có tổng số 8 lần lên tàu làm nhiệm vụ, trong đó 5 chuyến vận chuyển vũ khí vào rừng U Minh tiếp tế, 3 chuyến tham gia trinh sát cùng Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân.
Mỗi chuyến đi kéo dài suốt mấy tháng trời, không ít lần giáp mặt với tàu địch. Nhiệm vụ hết sức gian khổ, ác liệt và hiểm nguy nên những người lính của Đoàn tàu không số luôn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh.
“Trước khi lên đường, cán bộ, chiến sỹ trên tàu được làm lễ truy điệu sống, thể hiện tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì sự thắng lợi của đất nước. 8 lần lên tàu làm nhiệm vụ là 8 lần tôi được truy điệu sống, nhưng rất may tôi vẫn lành lặn để trở về”.
Có những chuyến gặp tàu chiến Mỹ, Ngụy dàn thành đội hình bao vây, Tàu 42 đã mưu trí, dũng cảm lách khỏi vòng vây để ra hải phận quốc tế hoặc sang vùng biển nước ngoài. Tàu và máy bay địch bám đuổi, Tàu 42 một mặt sẵn sàng chiến đấu, mặt khác cố gắng vòng tránh bằng cách đi vòng trên các vùng biển, vào neo đậu tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) hay có khi nép vào một hòn đảo hoang thuộc vùng biển Indonesia.
Cuối cùng, 8 chuyến đi của ông Dương Văn Lương đều “đi đến nơi, về đến chốn”, chở vũ khí vào tận kênh rạch ở rừng U Minh cho bộ đội giải phóng và thăm dò hoạt động của Hải quân Mỹ, Ngụy trên vùng biển phía Nam. Sáu năm làm chiến sỹ Đoàn tàu không số, người con đất biển Cửa Lò đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 10 Huân, Huy chương các loại.
Sóng gió buổi chiều tà
Cuối năm 1970, ông Dương Xuân Lương rời Đoàn tàu không số, chuyển sang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Hải Phòng, về sau vào chi viện cho mặt trận biên giới Tây Nam. Năm 1987 ông Lương nghỉ hưu, trở về với làng quê ven biển Cửa Lò, nơi ông đã sinh ra và lớn lên.
Vợ chồng ông Lương sinh được 5 người con, ông bà đã vượt qua bao khó khăn, chắt chiu, dành dụm để nuôi các con trưởng thành và đều đã xây dựng gia đình riêng. Tưởng chừng sẽ được hưởng an nhàn lúc tuổi già nhưng hoạn nạn đã bất ngờ ập đến khi hơn 3 năm trước con trai thứ tư là Dương Hải Đăng không may bị tai nạn giao thông.
Anh Đăng là kỹ sư cầu đường, vụ tai nạn đã khiến anh bị chấn thương sọ não rất nặng, phải qua nhiều lần phẫu thuật mới cứu được mạng sống. “Số tiền tích góp bao nhiêu năm để dưỡng già và sửa sang nhà cửa đều phải dùng vào việc chữa trị cho thằng Đăng. Hết tiền tích góp lại đi vay mượn khắp nơi để cứu sống nó bằng được, tính đến nay chi phí chữa trị đã hết gần hai tỷ đồng” – bà Trịnh Thị Tùy, vợ ông Lương chia sẻ.
Vậy là gần bốn năm nay, vợ chồng già phải chăm sóc người con không may bị tai nạn dẫn đến tật nguyền. Anh Đăng lúc mê lúc tỉnh, thường ngủ vào ban ngày, thức vào ban đêm, có khi lên cơn đập phá đồ đạc trong nhà. Ban đêm, anh Đăng thường gọi bố mẹ thức dậy để trò chuyện “cho đỡ buồn” khiến ông Lương và vợ vốn đã mệt mỏi càng thêm kiệt sức.
Trước khi bị tai nạn, anh Dương Hải Đăng đã lập gia đình riêng và có hai con. Nhưng rồi vợ chồng không có được tiếng nói chung nên đã ly hôn, hai con đứa theo mẹ, đứa ở với bố. Nay vợ chồng ông Lương còn phải cưu mang cả cháu nội, lo cả từ việc ăn đến việc học. Tiền lương hưu may chăng chỉ đủ trang trải nhu cầu cuộc sống hàng ngày và tích góp trả bớt nợ nần.
Ngôi nhà thấp, bé, xây bằng vôi vữa đã hàng chục năm nay tường bong tróc, rấm nước mưa, mái đã thủng lỗ chỗ, khó chống chọi được khi mưa to, bão lớn. Nền đất thấp hơn mặt đường nên hễ có mưa lớn là nước tràn khắp sân, vườn, tạnh mưa phải lo dọn rác thải dạt vào. Dù rất muốn sửa sang, nâng cấp nhà cửa nhưng ông Lương đành chịu, bởi gia đình không thể có một khoản chi phí lớn.
Chia sẻ khó khăn với CCB Dương Văn Lương, Ban Liên lạc CCB Đoàn tàu không số khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh lập hồ sơ trình Bộ Quốc phòng và Bộ đã có quyết định hỗ trợ gia đình ông Lương 80 triệu đồng để làm nhà tình nghĩa. Nhưng số tiền này không thể đủ chi phí cho việc sửa sang, các cấp chính quyền và đoàn thể thị xã Cửa Lò đang tiếp tục vận động hỗ trợ.
“Ngoài số tiền do Bộ Quốc phòng hỗ trợ, thị xã cũng đã hỗ trợ và huy động được thêm mấy chục triệu đồng. Để sửa sang, nâng cấp nhà, gia đình ông Lương cần thêm khoảng 100 triệu đồng, rất mong nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm. Đây cũng là dịp thể hiện nghĩa cử cao đẹp, góp phần tri ân công lao của người lính từng vào sinh ra tử, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, mang lại cuộc sống hòa bình hôm nay”.
Hoàn cảnh gia đình CCB Dương Văn Lương. Clip: Công Kiên - Đức Anh |