Tự hào là chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320

Ngày 16 tháng 1 năm 1951 tại đình Mống Lá, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) được thành lập và là một trong những Sư đoàn chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn Đồng Bằng phối hợp với các lực lượng khác trên chiến trường, tiến tới trận quyết chiến chiến lược - chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1968 Sư đoàn 320 tham gia trận đánh chia cắt địch trên đường số 9, góp phần vào thắng lợi  chiến dịch đường 9 Khe Sanh - Quảng Trị.

bna_11157386_2772021.jpgCCB thuộc BLL Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh trong buổi lễ xuất phát vào chiến trường xưa tri ân đồng đội. Ảnh: CK

Đầu năm 1971, Sư đoàn 320 phản công chiến dịch Lam Sơn 719 của quân lực VNCH; tham gia Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên mặt trận B3 Tây Nguyên, đánh trận mở màn chiến dịch trên điểm cao 1049 và trận then chốt thứ nhất của chiến dịch trên điểm cao 1015, tiêu diệt Tiểu đoàn 11 (lính dù), đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (dù) của Sư đoàn Dù quân lực VNCH, tạo điều kiện cho lực lượng của chiến dịch giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh…

Năm 1975, Sư đoàn 320 tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, cắt chặn địch ở phía Bắc Ban Mê Thuật trên trục đường 14, tạo sự đột biến lớn trên chiến trường, mở đầu cho sự thất bại và tan rã của quân lực VNCH tại Chiến trường miền Nam Việt Nam.

CCB thuộc BLL Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh tham gia thi công Nhà bia điểm cao 1049, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: CK

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ hướng Tây Bắc, Sư đoàn 320 đánh trận đầu tiên của Quân đoàn 3, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy đóng quân tại căn cứ Đồng Dù - Củ Chi, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để Quân đoàn 3 đưa lực lượng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô... Hai miền thống nhất, Sư đoàn 320  tiếp tục tham gia trong chiến dịch đánh lực lượng Fulro và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, Sư đoàn 320 được Đảng và Nhà nước 02 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CCB thuộc BLL Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh tham gia thi công Nhà bia điểm cao 1015, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: CK

Chiến tranh kết thúc, những người lính Sư đoàn 320 trở về với đời thường, họ lại đoàn kết, tập trung nhau lại và thành lập Ban liên lạc (BLL) ở các tỉnh, thành trong cả nước. BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh thành lập năm 1996, là nơi để các thành viên giao lưu, chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm đã qua và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tổ chức đi tìm và đón hài cốt liệt sỹ, đi thăm chiến trường xưa và xây dựng các công trình tri ân đồng đội.

Tri ân không quản gian nan

Trải qua các cuộc chiến tranh, Sư đoàn 320 có gần 15.000 liệt sỹ, trong đó quê hương Nghệ An có hơn 1.200 liệt sỹ, hàng vạn đồng chí trở về là thương bệnh binh, ảnh hưởng chất độc da cam. Để tỏ lòng tôn vinh sự hy sinh của đồng đội, năm 2016, BLL Sư đoàn 320 Hà Nội (do Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến làm Trưởng ban) chủ trương xây dựng nhà bia tri ân đồng đội. Ông Lê Mạnh Hải - Trưởng BLL truyền thống Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh thông báo cho các thành viên, lập tức mọi người đều hưởng ứng.

Lễ khánh thành Nhà bia Cưa Bồ - Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: CK

Ngày 23/12/2017, BLL truyền thống Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức làm lễ xuất quân cho 28 thành viên lên đường. Trong buổi lễ, đại diện BLL đã cân nhắc 2 trường hợp là ông Hồ Sỹ Tường và Nguyễn Văn Chất đều đang bị bệnh hiểm nghèo. Với nghị lực và quyết tâm của người lính, hai CCB đứng lên đồng thanh: “Đề nghị các đồng chí cho chúng tôi được đi!”.

Sau này, ông Nguyễn Văn Chất tâm sự: “Nghĩa tình đồng đội đã thôi thúc tôi lên đường, mặc cho bệnh tật hành hạ. Mình có may mắn được trở về với gia đình nên không bao giờ được phép quên những người ngã xuống”. 

Dù đang điều bị bệnh hiểm nghèo, CCB Nguyễn Văn Chất, xã Xuân Hòa (Nam Đàn) vẫn xung phong vào chiến trường xưa tham gia xây dựng bia tri ân đồng đội. Ảnh: CK

Trong đoàn còn có vợ chồng ông Trần Văn Quỳ ở xóm Phú Điền, xã Hưng Thành (Hưng Nguyên) đều vượt ngưỡng tuổi 70, là thương binh cũng xung phong đi xây dựng nhà bia. Ông Quỳ nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 320 từ năm 1971, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên và tiến về giải phóng Sài Gòn.

Khi vẫn còn sức lực, ông mong muốn trở lại chiến trường, tự tay mình đặt những viên gạch để xây những tấm bia tưởng nhớ đồng đội. Bà Phan Thị Hồng (vợ ông Quỳ) là cựu TNXP cũng xin được đồng hành để giúp mọi người việc nấu ăn, giặt giũ.

Dù tuổi cao, vợ chồng CCB Trần Văn Quỳ ở xóm Phú Điền, xã Hưng Thành (Hưng Nguyên) vẫn lên đường tham gia xây dựng Nhà bia tri ân đồng đội. Ảnh: CK

Sáng ngày 25/12/2017, các CCB Nghệ An - Hà Tĩnh xuất phát vào chiến trường xưa. Trải qua chặng đường hàng ngàn cây số với bao gian nan, vất vả nhưng vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành công trình nhà bia tri ân đồng đội. Trong quá trình hoạt động, phải kể đến tấm lòng của CBB, thương binh Lê Mạnh Hải - Trưởng ban BLL truyền thống Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ông từng tham gia Chiến dịch Xuân - Hè 1972, trận tiến công căn cứ Đồng Dù - Củ Chi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tham gia trong Chiến dịch đánh lực lượng Fulro ở Tây Nguyên và Chiến dịch biên giới Tây Nam. Dù đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng ông Hải cùng Ban chiến tích chiến trường và các CCB đã đóng góp công sức từ việc khảo sát, thiết kế, chỉ đạo thi công và hỗ trợ kinh phí xây dựng các nhà bia tri ân đồng đội.

BLL truyền thống Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 tổ chức khánh thành Nhà bia Đồng Dù, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CK

Và ông Đặng Văn Quyền - Phó BLL, dù tuổi đã cao nhưng vẫn hăng hái, nhiệt tình, luôn bám sát tiến độ thi công, kịp thời động viên, chia sẻ với các đồng đội.

Còn Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320A, Trưởng BLL Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Hà Nội dù đã bước sang tuổi 90 vẫn thường xuyên chỉ đạo quá trình thi công công trình. Vợ chồng Trung tướng có sổ tiết kiệm mấy trăm triệu đồng được tích cóp qua nhiều năm, ông bà đã rút số tiền này gửi BQL công trình để xây dựng đưa Nhà bia tri ân các anh hùng liệt sỹ

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đứng giữa, hàng trái) tham dự lễ khánh thành Nhà bia Chư Bồ - Đắc Cơ (Gia Lai). Ảnh: CK

Với chủ trương đúng đắn của BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 và sự chỉ đạo Ban chiến tích chiến trường, sự nỗ lực của các CCB Nghệ An - Hà Tĩnh, 04 Nhà bia tri ân đồng đội đã hoàn thành. Bao gồm: Nhà bia Chư Bồ - Đức Cơ (Gia Lai); Nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049 (Kon Tum); Nhà bia ở căn cứ Đồng Dù - Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Đến nay, 3 nhà  tại Tây Nguyên đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; Nhà bia chiến thắng Đồng Dù - Củ Chi được Tổng cục Chính trị xếp hạng là Nhà bia lưu niệm sự kiện. Đặc biệt, 02 nhà bia ở điểm cao 1015 -1049 tại Sa Thầy, Kon Tum đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chủ trương nâng cấp thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cùng với quần thể Di tích chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh.

Các nhà Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hoàn thành, Sư đoàn 320 và BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 30 CCB Nghệ An - Hà Tĩnh và Công ty TNHH Phú Nguyên Hải. Riêng ông Lê Mạnh Hải được UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen.

Niềm vui trong ngày khánh thành Nhà bia Đồng Dù, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CK

Chặng đường hoạt động của BLL truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh chưa dài, nhưng các CCB đã làm được nhiều việc thực sự có ý nghĩa, luôn phát huy truyền thống anh hùng của đơn vị, khẳng định phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, đóng góp vào các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương nơi cư trú.