Liên quan đến đề thi năm nay, Báo Nghệ An đã ghi lại ý kiến của các giáo viên và học sinh.

giáo Nguyễn Thị Hồng - giáo viên môn Toán - Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam.

Ảnh: Mỹ Hà
Tôi đã nghiên cứu đề thi tham khảo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố. Bản thân tôi và các giáo viên ôn thi thấy rằng đề thi năm nay về mặt chương trình và cấu trúc bám sát với chương trình của sách giáo khoa và có sự phân hóa khá rõ ràng các mức độ cho các đối tượng giỏi, khá và trung bình. Trong đó, phần kiến thức chủ yếu tập trung ở lớp 12 và không khác nhiều so với năm ngoái.

Đối với học sinh trường chúng tôi, với mức độ khá và giỏi thì chỉ có một số em học tốt, còn lại các em ở mức độ giữa. Vì vậy, từ cấu trúc đề thi minh họa, giáo viên phổ thông sẽ cố gắng bám sát đề và chương trình để ôn tập tốt cho các em. Trước mắt chúng tôi phải cố gắng các em làm tốt câu thông hiểu và nhận biết để cố gắng các em có điểm trung bình. Bên cạnh đó, hướng dẫn thêm cho những bạn học khá giỏi làm tốt các câu vận dụng và vận dụng cao. Hiện chúng tôi đã ôn tập cơ bản các chuyên đề và thời gian tới tiếp tục làm đề để các em quen với đề thi và nhuần nhuyễn hơn trong quá trình làm bài.

Cô giáo Bùi Thị Lệ Thu - giáo viên môn Ngữ văn - Trường PT DTNT THPT số 2.

Ảnh: Mỹ Hà
Đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc của các năm trước với 2 phần đọc hiểu (3 điểm) làm văn nghị luận.

Cụ thể, ở phần đọc hiểu có ngữ liệu 16 câu thơ, trong đó có 2 câu hỏi nhận biết, gồm nhận biết về hình thức - tìm thể thơ của đoạn thơ, câu hỏi thứ 2 là nhận biết về nội dung - chỉ ra hai hình ảnh về thiên nhiên khắc nghiệt của miền Trung. Ngoài ra có một câu thông hiểu và câu vận dụng để chỉ ra tình cảm của tác giả đối với mảnh đất miền Trung. Nhìn vào cấu trúc này, tôi thấy được rằng đáp ứng được chương trình giảm tải (Bộ đã tăng số câu nhận biết) và phần này là phần dễ ghi điểm nhất của thí sinh.

Thứ 2, phần làm văn với số điểm 7 điểm cũng không có thay đổi nhiều. Câu 1 là câu nghị luận xã hội từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Câu 2 phần nghị luận làm văn với số điểm nhiều nhất là 5 điểm vẫn giữ cấu trúc truyền thống cho các em một ngữ liệu về một đoạn văn ngắn rất rõ ràng.

Từ đề thi này, tôi nghĩ, thầy cô và học sinh đều yên tâm bởi đề thi quen thuộc và không chỉ từ khi có đề minh họa mới ôn tập mà đã được vận dụng trong cả quá trình dạy học, đặc biệt là lớp 12. Đề này để lấy điểm 5,6 không khó vì các em đã được ôn tập kỹ càng. Thí sinh muốn 7,8 cũng chỉ cần chăm chỉ. Tuy nhiên, muốn có điểm 9,10 thì phải có tư duy phản biện, phải có lý luận sắc sảo.

Clip: Mỹ Hà

Để làm tốt đề này, chúng tôi cũng đã dạy học sinh khá kỹ phần kỹ năng làm bài. trong đó cần phải “khắc” vào các câu lệnh và chỉ rõ cho học sinh biết được từ chìa khóa của các câu lệnh. Vì vậy, với đề này các em sẽ tự tin ôn tập.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo - Giáo viên Trường THPT Cửa Lò 2

Ảnh: Mỹ Hà
So với đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 - 2020 thì cấu trúc đề thi môn Địa lý năm nay không khác nhiều.

Bên cạnh đó, việc phân bố các mức độ trong đề thi cũng sẽ phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, so với năm ngoái, năm nay số lượng câu hỏi sử dụng Atlat địa lý đã tăng lên 1 câu (15 câu). Ngoài ra, có các câu hỏi sử dụng bảng số liệu và biểu đồ. Đề sử dụng tỷ lệ kiến thức của lớp 12 là 95%, 5% còn lại là kỹ năng của lớp 11. Với đề này nếu học sinh chăm và học kỹ trong sách giáo khoa thì đề không khó.

Clip: Mỹ Hà

Đề này, so với năm trước độ phân hóa cũng cao hơn nên để đạt được điểm 9, 10 học sinh phải nỗ lực và phải chăm hơn nữa. Phần kiến thức vận dụng và vận dụng cao học sinh phải nghiên cứu, tham khảo thêm và cập nhật các số liệu mới. Còn lại phổ điểm 6 -8 thì học sinh có  thể đạt được.

Học sinh Lô Tuấn Kiệt - lớp 12 C1 - Trường PT DTNT THPT số 2

Ảnh: Mỹ Hà
Qua đọc và làm đề thi minh họa, đặc biệt là với ba môn Văn, Lịch sử và Toán (khối C3) em thấy đề thi năm nay có cấu trúc rõ ràng, quen thuộc, không quá dễ nhưng cũng không quá khó, phù hợp với 2 mục đích đó là lấy điểm để  công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Cá nhân em, sau khi ôn thi và luyện đề vài tháng vừa qua thì có thể làm được đề này khá tốt, riêng môn Lịch sử em được 9,25 điểm.

So sánh một cách tổng thể, đề năm nay khó hơn năm ngoái nhưng điều này chúng em đã dự báo trước bởi năm nay, dịch Covid-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học của học sinh. Vì thế, chắc chắn những phần tinh giản cũng sẽ ít hơn. Mặc dù vậy, khối lượng đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa khá nhiều. Ở đề Toán, nếu học cơ bản, cũng có thể làm được 60 – 70%. Riêng phần nâng cao em thấy một số câu hỏi về phần nhận dạng hình, một số câu hỏi kiến thức lớp 11 còn lúng túng. Đề môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc và tác phẩm cũng không thay đổi. Đề môn Lịch sử thì chỉ cần thí sinh học thuộc nhiều là có thể làm tốt, không có nhiều câu hỏi phải tư duy.

Nói thêm đề thi môn Toán, Tiến sỹ Lê Xuân Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh khá lo ngại bởi đề thi năm nay số lượng câu dễ (mức độ 1 và mức độ 2 nhận biệt và thông hiểu) quá nhiều. Điều này dẫn đến học sinh chủ quan và khó phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học. Cụ thể, trong 50 câu hỏi môn Toán có 28/50 câu thuộc mức nhận biết, đề dễ và học sinh nắm và phân biệt khái niệm là có thể có điểm dễ dàng. 10 câu ở mức 2, thông hiểu, cũng chỉ cần có kiến thức trong sách giáo khoa cũng có thể làm đúng và học sinh có thể dễ dàng có điểm 6, điểm 7. Đề có 6 vận dụng thấp, dành cho học sinh khá giỏi nhưng không quá khó và học sinh chỉ cần học khá là có 9 điểm. Trong 5 câu vận dụng câu thì chỉ tập trung khó ở 2 câu phần hình học - tọa độ không gian, 1 câu còn lại ở phần hàm số của giải tích.