Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo kế hoạch vẫn được thực hiện cơ bản như năm 2020 nhằm tạo tâm lý ổn định cho thí sinh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà trường tổ chức ôn tập nhằm giúp học sinh có kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Lịch thi năm nay được tổ chức trong hai ngày 7,9/7. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến thêm ngày 9/7 để dự phòng có sự cố bất thường xảy ra.
Học sinh Lô Thị Quỳnh Anh - lớp 12C1, Trường THPT Con Cuông năm nay dự định thi khối C vào Trường Đại học An ninh nên áp lực khá lớn. “Một tuần ngoài buổi học chính ở trường em còn học thêm các buổi chiều và còn học thêm qua mạng. Mặc dù ôn tập khá kỹ càng nhưng em vẫn khá lo vì Trường Đại học An ninh là một trong những trường có điểm đầu vào cao nhất”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Năm học 2020 - 2021, Trường THPT Con Cuông có 400 học sinh lớp 12 và dự kiến có khoảng 50% học sinh sẽ chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp. Tuy vậy, nhà trường vẫn tổ chức ôn thi nghiêm túc.
Thầy giáo Hoàng Như Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, sau khi học sinh đăng ký nguyện vọng, trường sẽ phân hóa học sinh để ôn thi theo khối. Để học sinh ôn thi hiệu quả, chúng tôi cũng thường xuyên động viên khuyến khích. Riêng chi bộ nhà trường ra nghị quyết và yêu cầu mỗi đảng viên đăng ký giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh để các em thi tốt nghiệp hiệu quả nhất”.
Với Trường THPT chuyên Đại học Vinh và Trường PT DTNT THPT số 2, do đa số học sinh đều thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học nên hiện tại các trường đang cố gắng hoàn thành chương trình sách giáo khoa trong tháng 4 và đến đầu tháng 5 sẽ bắt đầu ôn thi theo nguyện vọng đăng ký của học sinh.
Thầy giáo Hoàng Sỹ Luyện - Phó Hiệu trưởng Trường PT DTNT THPT số 2 cho biết: “Thuận lợi nhất của trường chúng tôi là học sinh ăn, ở và học tập trung nên hiện tại tất cả các buổi chiều trong ngày các em sẽ tập trung ôn thi ở trường. Vào buổi tối, chúng tôi cũng cắt cử giáo viên phụ đạo thêm cho học sinh và ưu tiên bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh có năng lực hạn chế. Ngoài ra, trường cũng chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo. Trên cơ sở đó có kế hoạch ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh”.
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tập trung đội ngũ giáo viên cốt cán để nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập gửi tới nhà trường giúp các trường ôn tập hiệu quả và sát với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Kỳ thi năm nay tương đối ổn định so với các năm trước và đây là điều thuận lợi cho thí sinh và cho các nhà trường. Về phía học sinh các em cũng cần bình tĩnh và ôn tập theo hướng dẫn của các thầy, cô giáo, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa bởi chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vẫn giảm tải và nội dung thi nằm trong phạm vi kiến thức các em đã học trong lớp 12”.
Ngoài việc không thay đổi nhiều về quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dành cho các môn thi. Qua tham khảo và nghiên cứu các đề thi, đa phần các giáo viên đều yên tâm bởi đề khá sát với các năm trước.
Cô giáo Bùi Thị Lệ Thu - giáo viên môn Ngữ văn - Trường PT DTNT THPT số 2 chia sẻ, đề Ngữ văn năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc của các năm trước với 2 phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn. Đề thi năm nay đã thực hiện chương trình giảm tải, phù hợp với bối cảnh của nhiều địa phương học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, đó là tăng thêm số câu nhận biết ở phần đọc hiểu giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm tuyệt đối. Phần làm văn cũng không thay đổi nhiều, trong đó câu văn nghị luận xã hội lấy dữ liệu ở phần đọc hiểu, giúp thí sinh có thể hệ thống kiến thức một cách liền mạch. “Đề này để lấy điểm 5, 6 không khó, vì các em đã được ôn tập kỹ càng. Thí sinh muốn 7, 8 điểm cũng chỉ cần chăm chỉ. Tuy nhiên, muốn có điểm 9,10 thì phải có tư duy phản biện, phải có lý luận sắc sảo”.
Với môn Toán, Tiến sỹ Lê Xuân Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh - người có kinh nghiệm nhiều năm ra đề khá lo ngại bởi đề thi năm nay số lượng câu dễ (mức độ 1 và mức độ 2 nhận biết và thông hiểu) quá nhiều. Cụ thể, trong 50 câu hỏi môn Toán có 28/50 câu thuộc mức nhận biết, đề dễ và học sinh nắm và phân biệt khái niệm là có thể có điểm dễ dàng. 10 câu ở mức 2, thông hiểu, cũng chỉ cần có kiến thức trong sách giáo khoa cũng có thể làm đúng và học sinh có thể dễ dàng có điểm 6, điểm 7. Ngoài ra, đề có 6 vận dụng thấp, dành cho học sinh khá, giỏi nhưng không quá khó, vừa phải và học sinh chỉ cần học khá là có 9 điểm. Đặc biệt, 5 câu dùng để phân loại thí sinh (chiếm 1 điểm) nhưng thực chất cũng chỉ có 2 câu khó. Điều này dẫn đến khó phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học.