Năm 1996
Ngày 6/10/1996, trận chung kết Giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra trên sân Cao Lãnh giữa đội chủ nhà Đồng Tháp và đội Công an TP. HCM (chủ nhà thắng 3-1). Khi còi tan trận vừa vang lên, một số cầu thủ Công an TP. HCM đã xông đến đuổi đánh trọng tài Tuấn Hùng.
Dẫn đầu là trung vệ Chu Văn Mùi và tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Hôm ấy, cú đấm của Mùi cũng đi chệch mục tiêu nhờ trọng tài Tuấn Hùng chạy dích dắc. Lê Huỳnh Đức chưa ra đòn nhưng lại xông về phía trọng tài Hùng với thái độ phẫn nộ.
Kết quả, Chu Văn Mùi bị treo giò vĩnh viễn. Huỳnh Đức bị cấm thi đấu 6 tháng, dù HLV Weigang rất cần sự có mặt của anh tại Dunhill Cup 1997.
Năm 2004
Mùa bóng 2004, thủ môn Phước Anh của TMN.CSG đã có cú "tung chưởng" khá nặng vào trọng tài Trần Bảo Sơn trong trận đấu với Bưu Điện ở giải hạng Nhất. Với hành vi này, thủ môn đầy triển vọng của TMN.CSG đã phải nhận án treo giò 6 trận đấu, và sau đó là án bổ sung với 2 năm treo giò cộng 1 năm thử thách.
Năm 2012
Năm 2012, “còi vàng” Võ Minh Trí bị gần 20 hooligan Hải Phòng “theo đuôi” và hành hung khi đang trên đường trở về TP.HCM sau trận đấu giữa Đồng Tháp và Hải Phòng trên sân Cao Lãnh.
Dù đã bố trí lực lượng an ninh nhằm đảm bảo sự an toàn cho trọng tài số một Việt Nam khi đó nhưng với sự hung hãn của các “hooligan” bên phía Hải Phòng, trọng tài Võ Minh Trí vẫn bị đánh sưng măt, mẻ răng và được chẩn đoán bị chấn thương phần mềm ở vùng đầu.
Một năm sau, trọng tài Nguyễn Văn Kiên bị các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành lao vào đôi co và rượt đánh vì rút thẻ đỏ với cầu thủ Đoàn Việt Cường. Tuy nhiên, sau trận đấu, VPF đã “mổ xẻ” vấn đề và cho rằng việc các cầu thủ phản ứng với trọng tài Kiên là do những sai lầm của ông. Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn khi đó cũng đã đề cập đến khả năng không tiếp tục sử dụng trọng tài Kiên trong những trận đấu sau đó
Năm 2014
Trên sân Long Xuyên trận An Giang thua Quảng Ninh 1-2 ở vòng 22 V-League 2014, ngay ở phút 38 trọng tài Phùng Đình Dũng đã rút thẻ vàng thứ hai, truất quyền thi đấu của Felix. Sau đó, vị vua sân cỏ này còn có nhiều tình huống bỏ qua, không phạt thẻ vàng khi các cầu thủ Quảng Ninh chơi tiểu xảo, thô bạo, khiến cầu thủ và khán giả An Giang bức xúc.
Khi trọng tài Dũng vào phòng thay đồ, ông bất ngờ bị một nhân viên bảo vệ sân tấn công. Trên khán đài, hàng ngàn CĐV An Giang cũng nán lại, đòi "xử" tổ trọng tài.
Trước sự bao vây quá khích của các CĐV chủ nhà, phải hơn một tiếng sau khi trận đấu kết thúc, trọng tài Phùng Đình Dũng và các cộng sự vẫn chưa thể rời sân Long Xuyên. Để đảm bảo an toàn cho tổ trọng tài điều khiển trận đấu, ban tổ chức đã phải bố trí lực lượng công an hộ tống tới Cần Thơ.
Năm 2018
Năm nay, bóng đá Việt Nam đã xảy ra 2 vụ trọng tài bị đánh. Đầu tiên là trên sân Thiên Trường trong trận đấu Nam Định đón tiếp SLNA. Thua 2-3 đầy tiếc nuối, CĐV Thành Nam cho rằng trọng tài xử ép, một vài cá nhân đã lao xuống sân đuổi đánh trọng tài và các phóng viên. Điều đáng nói, lực lượng an ninh sân Thiên Trường tỏ ra bất lực trước những hành động xấu xí này.
Chưa hết, trong diễn biến trận đấu tranh vé lên hạng nhất giữa Phố Hiến FC và Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), đội bóng Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị trọng tài rút thẻ đỏ đuổi một cầu thủ. Cho rằng trọng tài bắt thiên vị, cầu thủ Trần Quốc Tuấn của đội BRVT đã lao vào đấm đá vị trọng tài chính của trận đấu. Sau đó, một số cầu thủ của BRVT cũng ùa vào tấn công cả trọng tài chính và trọng tài biên.
Trận thua 1-4 không những khiến BRVT không thể thăng hạng mà cầu thủ và cả đội bóng BRVT có thể sẽ phải nhận án phạt nặng từ VFF. Còn cầu thủ Trần Quốc Tuấn đã bị CLB thanh lý hợp đồng.
V.League nói riêng và những giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung đã có nhiều cố gắng để trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, uy tín của các trọng tài và những hành vi nghiệp dư, thiếu văn minh của các cầu thủ, CĐV quá khích thậm chí là HLV, lãnh đạo CLB khiến bóng đá Việt Nam ngày càng tồi tệ./.