Trang trại vườn đồi rộng 6,2 ha của lão nông 63 tuổi
Được cán bộ xã Xá Lượng làm “hoa tiêu” dẫn đường, chúng tôi vượt cung đường ngoằn nghèo, mấp mô đôi chỗ lầy lội, trơn trượt sình bùn để đến với trang trại của lão nông Dương Văn Dũng, 63 tuổi, ở khe Thặt Lặt thuộc bản Na Bè 2.
Đường vào khe Thặt Lặt. Ảnh: KL Không hẹn trước nên khi chúng tôi ghé thăm, ông Dũng vẫn say sưa với chiếc máy cắt cỏ trên khoảnh đồi phía trên cao. Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng Nguyễn Đình Hiền phải gọi mấy lần, ông Dũng mới nghe thấy và buông máy chạy xuống đón khách. Người đàn ông có khuôn mặt sạm nắng gió nở nụ cười đôn hậu: “Anh chị đi đường chắc vất vả lắm, nhưng thế này là dễ đi rồi đấy, hồi vợ chồng tôi mới lên đây khai hoang cách đây 20 năm, đường vẫn là mòn chỉ lọt bánh xe máy thôi”. Nói rồi, với những bước đi thoăn thoắt, ông Dũng dẫn khách đi một vòng tham quan trang trại.
Lão nông Dương Văn Dũng chia sẻ quá trình hình thành trang trại quy mô 6,2 ha. Ảnh: Đặng Cường Vốn là lính Phòng không Không quân, quê gốc ở Hưng Nguyên, sau khi ra quân, năm 1990, ông Dũng lên Tương Dương lập nghiệp, lấy vợ, sinh con. Cuộc sống vất vả, nên 2002 vợ chồng ông quyết định vào khe Thặt Lặt khai hoang, mở đất. Mới đầu vốn ít hai vợ chồng xuôi Anh Sơn mua gà lỡ tầm 2-3 lạng về nuôi, mỗi đợt khoảng vài trăm con. Nghe ông anh ở dưới Vinh nói có ông bạn ở xã Hưng Hòa chăn nuôi cả vạn con gà, ông Dũng quyết tâm khăn gói đi “tầm sư học đạo”, xin ở trong nhà người ta một tuần để học nuôi gà.
Ông còn tự mày mò chế tạo thuốc chữa bệnh cho gà. Sau khi kinh tế ổn định hơn một chút, vợ chồng ông Dũng chuyển sang nuôi thêm dê, nuôi bò quy mô lớn, rồi mày mò học kinh nghiệm trên mạng và vay vốn ngân hàng để tiến công vào lĩnh vực cây ăn quả.
Đất không phụ công người, hiện trang trại của ông Dũng có 27 con bò, 400 trăm con gà, 200 gốc cam, 500 gốc na. Ngoài ra còn có 300 gốc xoan chuẩn bị cho thu hoạch và các loại cây ăn quả khác như mít, bưởi, xoài mỗi loại vài chục gốc trở lên. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, song song với việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả, vợ chồng ông Dũng trồng rất nhiều loài rau củ (mùa nào thức nấy) quanh trang trại.
Chúng tôi thường dậy từ lúc 4 giờ sáng cắt rau bán cho người dân trong xã. Riêng tiền bán rau mỗi ngày đã cho thu nhập bình quân đều đặn từ 500-700 nghìn/đồng. Còn tổng thu nhập từ trang trại trừ chi phí mỗi năm cũng được khoảng 3-4 trăm triệu đồng. Các sản phẩm từ trang trại giờ cũng đã có thương hiệu, thương lái họ vào lấy tận nơi hoặc gọi điện mình chở ra thôi…”, ông Dũng chia sẻ.
Tổng Biên tập Báo Nghệ An Ngô Đức Kiên trao đổi với lão nông Dương Văn Dũng về đầu ra cho nông sản. Ảnh: KL Bác áp dụng Kiến thức KHKT cho cây trồng như thế nào, giống cây ăn quả lấy ở đâu? Nghe chúng tôi hỏi, ông Dũng cười lớn: “Giờ là thời đại 4.0 mà cô chú, cái gì không biết, không hiểu thì gõ Google. Tôi tra trên mạng sau đó kết nối với Viện Nông nghiệp nhờ họ tư vấn, hướng dẫn cụ thể, chuyển giống cây phù hợp vào tận nơi rồi mình chuyển khoản thôi. Nhưng đã làm trang trại thì phải bám đất, bám cây, không rời ra được. Hai vợ chồng tôi làm không biết mệt, ngoài cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi ra, một năm chúng tôi còn làm hơn 4 tấn lúa rẫy…”.
Niềm vui trong lao động của ông Dương Văn Dũng. Ảnh: Đặng Cường Nguồn thu nhập ổn định giúp vợ chồng ông Dũng nuôi 3 đứa con ăn học, 2 cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, đi làm, con gái út đang học lớp 11 Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Từ hai bàn tay trắng, nay đã thuộc diện có “của ăn, của để” nhưng vợ chồng ông Dương Văn Dũng vẫn hăng say lao động.
“Hiện vợ chồng tôi đang vay Ngân hàng chính sách 100 triệu để mở rộng diện tích cây ăn quả, không có lao động nên cứ làm dần từng ít một, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm thôi”, vùng khe Thặt Lặt có tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, không nên để lãng phí…”, lão nông Dương Văn Dũng đã hào sảng chia sẻ như thế khi tiễn chúng tôi rời trang trại.
Lắp dàn tưới tự động, gắn camera trên đồi để chăm sóc cây ăn quả
Cách trang trại nhà ông Dũng không xa, đi sâu vào phía trong là trang trại trồng cây ăn quả rộng hơn 4ha của gia đình ông Trần Công Chính, bà Vũ Thị Tốt. Ngay từ lối dẫn vào trang trại là những hàng bưởi Diễn trĩu quả hứa hẹn một mùa bội thu. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến giàn tưới nhỏ giọt tự động hiện đại lắp đến tận từng cây có thể điều chỉnh công suất tưới và hệ thống camera bao quát cả một vùng rộng lớn.
Lối vào trang trại của ông Trần Công Chính. Ảnh: KL “Giàn tưới tự động trị giá hơn 100 triệu đồng là do huyện và xã hỗ trợ, còn hệ thống camera là do gia đình tự đầu tư lắp đặt, vừa chống trộm vừa giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường xảy ra với cây trồng" ông Chính, 53 tuổi, mang dáng vẻ rắn rỏi và hoạt bát của người lao động miền núi, vui vẻ cho hay.
Ông Trần Công Chính chia sẻ kinh nghiệm trồng cam, bưởi trên đất đồi. Ảnh: Đặng Cường Cũng theo lời chia sẻ của ông chủ trang trại cây ăn quả lớn nhất ở khe Thặt Lặt, gia đình ông bắt đầu gây dựng mô hình từ 6 năm trước, bắt đầu là trồng keo, xoan. Sau thấy keo, xoan không ăn thua mà hỏng đất, nên gia đình ông quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả, vừa được lâu dài vừa phủ xanh đất trống đồi trọc.
Nguồn vốn gom lại từ 3 đứa con đi xuất khẩu lao động. Hai năm đầu phải thuê lao động, còn sau đó gia đình tự làm lấy, mở rộng ra đến hơn 4ha gồm 1.000 gốc cam Vinh, 1.000 gốc bưởi đủ loại gồm bưởi Diễn, da xanh, tiến Vua, giống lấy từ các tỉnh phía Bắc. Năm vừa rồi, gia đình thu hoạch được khoảng 10 tấn bưởi, cam hơn 6 tấn. Riêng bưởi Diễn bán lẻ 10 nghìn/quả, nhập sỉ 7 nghìn/quả, tổng thu nhập từ cam, bưởi năm qua được khoảng gần 200 triệu đồng.
Ông Chính chăm sóc những cây bưởi đã cho trái. Ảnh: KL-ĐC Bên cạnh việc thường xuyên lên mạng học hỏi, ứng dụng KHTK, ông Chính còn cất công đến tận các nhà vườn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để làm theo. Vợ chồng ông còn đặt mua trên mạng khuôn chữ Phúc, Lộc, Thọ… về làm đẹp cho quả. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội cũng giúp cho việc tiêu thụ thuận lợi hơn, cứ chở xe ô tô ra là có người lấy.
Thấy khách có vẻ ngạc nhiên, tò mò về các khuôn tạo dáng cho quả, bà Vũ Thị Tốt - vợ ông Chính ngó từ sau chiếc chòi tạm dựng giữa vườn cây nói vọng ra “lên mạng tìm đặt là họ ship tận nơi, 50 nghìn/khuôn, thuận tiện lắm, chúng tôi cũng mới thử nghiệm thôi…”.
Vợ chồng ông Trần Công Chính đặt mua khuôn trên mạng về làm đẹp cho quả. Ảnh: KL Ngoài bưởi, cam trang trại của vợ chồng ông Chính còn trồng xoài, mít, dứa, ổi, táo, vải, dừa, chanh, rau rợ, nuôi 40 con lợn, 70-80 con gà, vài con bò thịt... Mang lại tổng thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Bận rộn là thế nhưng theo lời của các vị cán bộ xã Xá Lượng đi cùng chúng tôi thì “ông Chính siêng năng, cần cù lắm, suốt ngày ở trang trại nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là đi xây…”.
Nghe thấy thế, triệu phú nông dân cười xòa “Đúng vậy! Hôm nay tôi cũng mới đi xây cùng con rể về rồi mới lên trang trại đấy. Việc gì làm ra tiền chân chính tôi cũng muốn làm, với tôi lao động là niềm vui…”.
Ông Chính dự định sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trong tương lai. Ảnh: Đặng Cường Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Chính cho hay do mở rộng diện tích cây ăn quả nên hiện nay hệ thống dàn tưới nhỏ giọt tự động chưa phủ kín hết, vẫn còn khoảng hơn 200 cây nữa, nên sắp tới gia đình dự định đầu tư để lắp đặt hết hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho cây để đảm bảo năng suất, chất lượng mà cũng phần nào giải phóng sức lao động…
Chia sẻ về những mô hình kinh tế đã và đang dần tạo được dấu ấn ở Khe Thặt Lặt, ông Nguyễn Đình Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng cho hay: Đây đều là những mô hình dân vận chính quyền của xã, ngoài hỗ trợ về giống, đầu tư cải tạo đường giao thông, đường điện, xã còn kết nối hỗ trợ các gia đình vay các nguồn vốn mỗi khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng. Hiện đã có một số hộ dân trong xã bắt đầu học tập ông Dũng, ông Chính vào vùng khe Thặt Lặt để trồng xoan, mét và một số cây lâm nghiệp ngắn ngày, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.