Đề cao vai trò cơ sở
Thời điểm năm 2005, ở xóm 2, xã Thanh Phong, số đảng viên tại chỗ ít, Đảng ủy xã phải tăng cường đảng ủy viên về sinh hoạt để vừa đảm bảo đủ số lượng theo quy định, vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, trọng tâm là phát triển đảng viên.
Cùng với tập trung phát triển đảng viên (hiện tại chi bộ có 23 đảng viên), Chi bộ, Chi ủy xóm 2, xã Thanh Phong (Thanh Chương) chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo. Theo chia sẻ của đồng chí Phan Văn Tỵ - Bí thư Chi bộ, từng thời điểm, chi bộ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để ban hành nghị quyết; phân công rõ nhiệm vụ từng chi ủy viên, đảng viên gắn triển khai một số mô hình cụ thể để lan tỏa. Như trong xây dựng NTM nâng cao hiện nay, Chi bộ đảm nhận 2 phần việc: mua sắm, trang trí nội thất, thiết chế bên trong và lát gạch sân nhà văn hóa. Mỗi đảng viên cùng các tổ trưởng các tổ tự quản tuyên truyền, vận động Nhân dân. Vai trò, trách nhiệm ban quản lý và MTTQ, các đoàn thể xóm được cụ thể hóa để cùng chung tay vì phong trào chung.
Ở xã Thanh Phong có 7 xóm. Theo đồng chí Phan Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã, sau sáp nhập, hoạt động của các xóm khó khăn, vất vả hơn do quy mô dân số tăng, địa bàn rộng. Để đảm bảo hệ thống chính trị ở các xóm hoạt động hiệu quả, gắn với kiện toàn, lựa chọn những người nhiệt tình, trách nhiệm cao và có uy tín tham gia công tác ở xóm; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp xã tăng cường cán bộ, công chức về xóm chỉ đạo, hướng dẫn. Chỗ nào vướng mắc thì đích thân lãnh đạo chủ chốt trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ.
Hàng năm, xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ xóm; duy trì hoạt động của 62 tổ tự quản, tổ chức các phong trào theo từng cụm dân cư mang lại hiệu quả cao. Ở cấp xã, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định, nội quy cơ quan; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của các tổ chức, cán bộ, công chức.
"Giải pháp trọng tâm nâng cao năng lực hoạt động hệ thống chính trị cấp xã là tập trung đào tạo, bồi dưỡng, gắn tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ của các tổ chức, cán bộ, công chức".
Với xã Thanh Lâm, theo chia sẻ của đồng chí Đinh Văn Bình - Bí thư Đảng ủy xã, điều quan trọng là đào tạo, quy hoạch, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với trình độ, năng lực sở trường và đúng quy hoạch. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, phát huy trí tuệ của tập thể trong lãnh đạo phong trào chung của địa phương. Tổ chức đảng ở Thanh Lâm luôn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Để làm được điều này, ngay đầu nhiệm kỳ, cấp ủy xây dựng quy chế và thực hiện nghiêm túc quy chế. Hàng năm, hàng tháng, cấp ủy, Chi bộ ban hành nghị quyết sát đúng các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát huy vai trò tham mưu các nội dung mà cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cũng như vai trò tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
Cách làm này góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phong trào ở từng đơn vị xóm, tạo sự phát triển chung của địa phương. Như năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thanh Lâm vẫn tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ hơn 10 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó làm gần 11 km đường bê tông; 6/6 xóm khép kín hệ thống điện chiếu sáng.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Hệ thống chính trị vững mạnh được thể hiện bằng hiệu quả hoạt động thông qua phong trào của địa phương. Thực tiễn ở Thanh Chương, nơi nào quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, nơi đó phong trào phát triển và ngược lại.
Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho rằng: Cấp xóm là “cánh tay nối dài” của cấp xã; là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách và mọi khó khăn, vướng mắc cũng xuất phát từ đây. Bởi vậy, huyện đặc biệt chăm lo cấp xóm bằng nhiều giải pháp. Trọng tâm là chỉ đạo cấp ủy cơ sở đẩy mạnh phát triển đảng viên, bổ sung nguồn cho các chi bộ, trong đó quan tâm phát triển đảng viên là xóm trưởng (hiện có 198/234 xóm trưởng là đảng viên, chiếm 84,6%).
Xây dựng đội ngũ chi ủy, ban quản lý và MTTQ, các đoàn thể xóm có chất lượng; thực hiện bố trí kiêm nhiệm để giảm người làm việc, tăng phụ cấp, tăng trách nhiệm. Huyện chỉ đạo triển khai nghiêm túc Quy định 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó nâng cao năng lực cho từng bí thư chi bộ, trách nhiệm của đảng viên và nghị quyết ban hành của chi bộ hàng tháng bài bản, chất lượng hơn…
Đối với cấp xã, ngoài trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức của cơ sở, huyện luân chuyển, điều động, thay thế cán bộ chủ trì ở những xã phong trào yếu hoặc nội bộ chưa có sự thống nhất cao. Thanh Chương duy trì 9 tổ chỉ đạo cơ sở, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về các phong trào và tồn tại, hạn chế ở địa phương được phân công chỉ đạo. Thường trực Huyện ủy tổ chức làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ các xã có phong trào trì trệ hoặc nội bộ chưa có thống nhất cao để tìm giải pháp khắc phục.
Năm 2021, Thường trực Huyện ủy Thanh Chương tổ chức làm việc với 8 xã, thị trấn và sau đại hội đến nay, huyện cũng đã tiến hành thay thế 5 cán bộ chủ chốt ở xã do năng lực, uy tín thấp và sức khỏe hạn chế.
Ở cấp huyện, đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài trình độ chuyên môn, chính trị được nâng lên thì năng lực, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thực tiễn được đổi mới theo hướng quyết liệt, rõ chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả. Hàng tháng, cấp ủy duy trì chế độ giao ban khối nội chính để rà soát, nắm bắt kịp thời các vấn đề nhạy cảm, bức xúc nổi lên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thanh Chương phát huy tốt vai trò phản biện của MTTQ đối với các chủ trương, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đây là hoạt động quan trọng để các chủ trương, đề án, kế hoạch ban hành, triển khai ít phát sinh khó khăn, vướng mắc, thậm chí là lãng phí, tiêu cực.
Đánh giá nghiêm túc để thay thế cán bộ năng lực yếu
Xét tổng thể, hệ thống chính trị các cấp ở Thanh Chương hiện đã được củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở; một số lúc, thời điểm, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng cán bộ, công chức yếu kém hoặc vi phạm trong lãnh đạo, quản lý buộc phải thay thế, xử lý kỷ luật đang xảy ra.
Thực tế này, đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho hay: Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của đại đa số cán bộ, công chức, thì vẫn còn một số năng lực yếu; ý thức trách nhiệm đối với công việc chưa cao, chưa làm đúng chức trách, thẩm quyền của mình và làm việc theo giờ hành chính.
"Đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức nghiêm túc để thay thế những người có năng lực yếu và ý thức trách nhiệm không cao".
Giải pháp cho vấn đề này được Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh, tiếp tục quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức nghiêm túc để thay thế những người có năng lực yếu và ý thức trách nhiệm không cao; đồng thời tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức, trong đó có luân chuyển ngang giữa các xã trong thời gian tới. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới nhằm đốc thúc việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cấp, các ngành, đồng thời ngăn ngừa vi phạm có thể xảy ra./.