(Baonghean) Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942) là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng. Là “linh hồn” của Đảng trong khoảng thời gian xây dựng lại lực lượng sau Khủng bố trắng (1932-1935); là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào dân tộc dân chủ (1936-1939). Cho đến trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn kiên định một niềm tin, một tấm lòng hướng về Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự cho sự phát triển lớn mạnh của Đảng. Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ - Tĩnh đã được đồng chí nghiên cứu, tổng kết thành những bài học kinh nghiệm, góp phần củng cố vai trò và hoàn thiện hơn đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời gian hoạt động cách mạng kế tiếp.

Sau cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, kẻ địch ra sức đàn áp những người cách mạng. Trong 2 năm 1930-1931, nhiều đồng chí ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy lần lượt bị bắt bớ, tù đày, giết hại; phần nhiều tổ chức cơ sở đảng ở các tỉnh, thành bị phá vỡ. Mối liên hệ giữa cơ quan Trung ương Đảng và Đảng bộ địa phương bị chia cắt; mối liên hệ giữa trong nước với ngoài nước, giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản bị đứt đoạn trong nhiều tháng.

Nhận nhiệm vụ về nước lãnh đạo phong trào, trọng trách đặt lên vai Lê Hồng Phong là phải tiến hành khôi phục tổ chức Đảng, chắp nối lại liên lạc với nước ngoài, đồng thời định hướng hoạt động của Đảng trong thời gian tới.

Những tổng kết của đồng chí Lê Hồng Phong về phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh được thể hiện trong các văn kiện quan trọng. Ngay khi mới về nước, đồng chí đã tham gia soạn thảo và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1932). Tiếp đó, vào năm 1935, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản tại Moscow, đồng chí đã trình bày bản tham luận với những tổng kết quan trọng về phong trào. Lần tổng kết thứ ba và cũng là lần tổng kết sâu sắc nhất của đồng chí được thực hiện vào năm 1939, giai đoạn cuối thời kỳ Mặt trận dân chủ.

Bài học đầu tiên mà đồng chí Lê Hồng Phong chỉ ra là cần phải khẳng định rõ vai trò của Đảng và giai cấp công nhân trong việc tiên phong đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh giành độc lập; tăng cường mối liên hệ mật thiết với quần chúng, nhằm phát triển và bảo vệ Đảng trong điều kiện hoạt động bí mật.

Bài học thứ hai được đồng chí Lê Hồng Phong rút ra từ thực tiễn đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) là cần phải xây dựng được liên minh công – nông đoàn kết dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Bài học thứ ba là cần phải đoàn kết đông đảo, rộng rãi quần chúng nhân dân, hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh chống kẻ thù chung, tiến tới giành độc lập cho dân tộc, dân chủ cho nhân dân.

Bài học thứ tư, cần thẳng thắn nhận định những sai lầm, khuyết điểm; thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống những tư tưởng “tả khuynh” “hữu khuynh” để xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức đảm đương sứ mệnh lãnh đạo quần chúng. Tinh thần tự phê bình sâu sắc, nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật đã đem lại bước phát triển mới cho phong trào cách mạng trong thời kỳ mới.

Những tổng kết kinh nghiệm rút ra từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) được áp dụng trong thời kỳ cách mạng kế tiếp đã tạo nên sự phục hồi của Đảng sau Khủng bố trắng của thực dân Pháp (1932-1935), đưa cách mạng nước ta bước sang thời kỳ đấu tranh mới – thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân chủ trong những năm 1936-1939. Vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước những năm 30 của thế kỷ XX đã khiến cho thực dân Pháp tìm mọi cách bắt giam đồng chí. Ngày 22/6/1938, Lê Hồng Phong bị bắt tại Sài Gòn. Dù bị bắt giam, bị tra tấn, hành hạ nhưng đồng chí vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời nhìn nhận đánh giá phong trào cách mạng, đưa ra những bài học kinh nghiệm có tính định hướng cho phong trào cách mạng đất nước.


Hoàng Xuân Lợi