Kỳ 41: Bệnh goutte

Tăng acid uric sẽ dẫn đến các bệnh Gout, sỏi thận và các bệnh thận cấp. Như vậy ở người, Gout là một bệnh do tăng acid uric trong máu. Acid uric là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa purine, purine có trong các nucleoprotein, có nhiều trong thực phẩm có hàm lượng protein cao. Acid uric được đào thải (thải trừ) qua thận (70%) và qua ruột (phân) khoảng 30%.

Chỉ số bình thường của acid uric trong huyết thanh người ≤ 420 µmol/lít (tức ≤ 7,0 mg/dl) đối với nam và ≤  360 µmol/lít (tức ≤ 6mg/dl) đối với nữ. Trong máu của người bình thường, nồng độ acid uric được giữ cân bằng bởi sự chuyển hóa purin và thải trừ acid uric. Khi có sự thay đổi cân bằng này sẽ dẫn đến tăng acid uric máu.

Về nguyên nhân gây tăng acid uric máu có 3 nhóm nguyên nhân sau:

1. Giảm thải trừ, bao gồm:

- Đa số các trường hợp tăng acid uric máu là do giảm đào thải (thường do hậu quả tổn thương ở cầu thận hay ống thận,.. gây giảm thải); Do tính chất gia đình; Do suy thận: Là nguyên nhân phổ biến,..; Do Hội chứng chuyển hóa; Do một số thuốc lợi tiểu; Do tăng huyết áp (HA); Do nhiễm toan; Do Đái tháo nhạt; Sản giật và tiền sản giật, Suy giáp, cường giáp trạng; Ngộ độc chì mạn tính,...

2. Do tăng sản xuất acid uric, bao gồm:

- Tăng ngoại sinh (chế độ ăn giàu purin) hoặc tăng nội sinh (tăng phá hủy nucleotid purin); Thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần men Hypoxanthin guanin phosphoribosyltransferase (HGPRT); Tăng hoạt tính men làm tăng acid uric; Chế độ ăn giàu purin: Ăn nhiều thịt, phủ tạng động vật; Hội chứng tiêu u: Thường tăng acid uric rất cao; Tăng giáng purin trong acid nucleic,... và một số nguyên nhân khác,..

3. Do nguyên nhân phối hợp, bao gồm:

- Cơ chế phối hợp cả tăng sản xuất và giảm thanh thải acid uric, trong nhóm này phổ biến nhất là do uống rượu; Do luyện tập; Do thiếu hụt aldolase B (fructose-1-phosphat aldolase): là một bệnh di truyền...; Thiếu hụt Glucose - 6- phosphatase: Cũng là một bệnh di truyền,...


Bác sỹ: Nguyễn Văn Hoàn (Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An)