Lãng phí ngân sách Nhà nước, quyền lợi bệnh nhân không tăng

Theo mục 2, Điều 16 – Thẻ Bảo hiểm y tế của Luật Bảo hiểm Y tế được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2008 thì “Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế”. Song thực tế, ở Nghệ An có khá nhiều người sở hữu đến 2 thẻ hoặc hơn (các thẻ đều có cùng tên họ, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú và chỉ khác mã ngạch). Điều này đã gây lãng phí đáng kể nguồn ngân sách của Nhà nước trong khi đó quyền lợi của người bệnh không tăng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, cán bộ hưu trí ở phường Hà Huy Tập hiện đang sở hữu 2 thẻ bảo hiểm y tế cùng mang tên ông: 1 thẻ là do ông Vinh đã được đóng bảo hiểm y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo Khoản 3, Điều 12, Luật Bảo hiểm Y tế); 1 thẻ khác ông được anh con trai đang là sỹ quan quân đội làm theo chế độ thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân đang tại ngũ; hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân (theo Khoản 16, Điều 12, Luật Bảo hiểm Y tế).

Một trường hợp khác là ông Lô Văn An, 82 tuổi ở huyện Tương Dương cũng có 2 thẻ bảo hiểm y tế: 1 thẻ là do ông được hưởng chế độ người có công với cách mạng (Khoản 9, Điều 12 - Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm Y tế); 1 thẻ khác là do thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (Khoản 14, Điều 12 - Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm Y tế).

Phải nói rằng, số lượng thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng cho cùng một đối tượng là không ít. Ví như ở huyện Tương Dương, năm 2013, tổng nhân khẩu là 68.441 người (số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, hiện là gần 70.000 người), tỷ lệ dân số có thẻ bảo hiểm y tế ở huyện đạt 75% (tương ứng vào khoảng 51.000 - 52.000 người), song số thẻ bảo hiểm thực cấp lại lên đến 67.500 thẻ. Chỉ tính riêng số thẻ bảo hiểm y tế của trẻ em dưới 6 tuổi đã cấp trùng tới trên 600 trường hợp. Các thẻ này trùng lặp nhiều nhất là ở phần ghi: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và địa chỉ của đối tượng. Trên phạm vi cả tỉnh, hiện có hơn 2 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó số đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chiếm tỷ lệ khoảng 60-70%; qua phần mềm trích lọc dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh hiện đang có 80.000 thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng.

797261_small_99000.jpg

Tiếp nhận hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hậu quả của việc cấp trùng thẻ này là rất lớn: Trước hết đó là gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Nếu tính mệnh giá của thẻ bảo hiểm y tế là 448.200 đồng/năm trước ngày 01/5/2012 (thời điểm lương tối thiểu tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng, mức phí tham gia bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương tối thiểu) và sau ngày 01/5/2012 là 567.000 đồng/năm, thì từ năm 2009 – 2012, số tiền ngân sách nhà nước nạp vào quỹ bảo hiểm y tế cho 80.000 thẻ bị trùng là gần 150 tỷ đồng. Với tổng số tiền này, nếu tính lãi suất cơ bản cho vay bằng Việt Nam đồng tương ứng từng năm thì được khoảng trên dưới 18,5 tỷ đồng…

Không những thế, cấp trùng thẻ còn gây thiệt hại đến nhiều quyền lợi chính đáng của người có nhiều thẻ bảo hiểm y tế nếu “đối tượng được phát nhiều thẻ không biết thẻ nào có quyền lợi cao hơn, thẻ nào thấp hơn”. Điều 22, Luật Bảo hiểm Y tế đã quy định rõ: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Đơn cử như trường hợp ông Lô Văn An, huyện Tương Dương, đã nêu ở trên: Theo Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế về “mức hưởng bảo hiểm y tế” thì nếu ông An đi khám chữa bệnh mang theo thẻ bảo hiểm y tế thuộc đối tượng “người có công với cách mạng” thì ông sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh; nhưng nếu ông An mang theo thẻ bảo hiểm thuộc đối tượng hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì ông chỉ được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh… Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Vinh, nếu đi khám chữa bệnh mang theo thẻ bảo hiểm của “người hưởng lương hưu” sẽ được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; song nếu ông đi khám chữa bệnh mang theo thẻ bảo hiểm của đối tượng thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thì chỉ được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh…

Cần sự thống nhất, phối hợp trong việc cấp phát thẻ

Nguyên nhân dẫn tới sai sót cấp trùng thẻ không ngoài các yếu tố là vai trò quản lý nhà nước và nhận thức của người dân. Trước hết đó là, Luật Bảo hiểm Y tế quy định thành 25 nhóm đối tượng và 34 bộ mã Bảo hiểm Y tế. Do đó, trường hợp một người thuộc nhiều nhóm (vừa là thương binh, vừa hưởng chế độ chất độc da cam, hoặc vừa được hưởng chế độ tặng thưởng huân huy chương) thì khả năng sẽ được cấp nhiều thẻ là rất lớn. Bên cạnh đó còn là cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương, bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và một số cơ quan liên quan thiếu sự phối hợp.

Thứ đến, việc phân công, phân cấp, quản lý mua và phát thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm 2009, nhưng bộ máy này vận hành không trơn tru, đồng bộ… Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An cho biết: “Về phía Bảo hiểm xã hội tỉnh là đơn vị cấp thẻ nên chỉ quản lý danh sách từ các cơ quan nhà nước chuyển đến, chứ không quản lý giấy gốc từ đối tượng nên việc rà soát hết sức khó khăn. Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đưa ra cảnh báo khả năng xảy ra trùng chứ không thể xác minh được, khẳng định được đó là trùng hay không trùng”.

Ông Nguyễn Bằng Toàn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: “Việc cấp thẻ thuộc thẩm quyền cấp huyện. Sở Lao động Thương binh và Xã hội không có chức năng thẩm định mà chỉ nhận danh sách từ các huyện báo cáo lên để tổng  hợp toàn tỉnh, trên cơ sở danh sách đó gửi sang Sở Tài chính để lập dự toán kinh phí hàng năm chuyển cho các huyện. Đồng thời chuyển danh sách cho BHXH in thẻ”.

Trao đổi với một số cơ quan chức năng cấp huyện, được biết: Trên cơ sở các xã lập danh sách lên, phòng LĐ-TBXH huyện sẽ soát xét, thẩm định trình UBND huyện phê duyệt và chuyển sang cơ quan BHXH huyện để cấp thẻ cho đối tượng. Sai sót ở đây là do số lượng đối tượng trong tỉnh quá lớn, cộng với sự non kém nghiệp vụ, thiếu điều kiện, phương tiện làm việc, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ xã… Một số lãnh đạo xã cho rằng: Do không có cán bộ khâu nối tham mưu, tổng hợp giữa các tổ chức đoàn thể nên việc tiến hành điều tra phân loại đối tượng theo phiếu điều tra bảo hiểm y tế tại hộ rất khó thực hiện, đặc biệt khó nhất là phần khai thác chính xác phần thông tin về bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, sai sót còn là do trình độ, nhận thức của người dân, có thể vẫn kê khai, không cung cấp thông tin chính xác cho cán bộ điều tra.

Việc cấp trùng thẻ không chỉ có ở Nghệ An mà diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Chính vì vậy, cuối năm  2012, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình trạng này. Ông Lê Trường Giang cho biết: “Từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có Văn bản số 1666 hướng dẫn các bước rà soát dữ liệu cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng thời trực tiếp theo dõi quá trình in thẻ ở các địa phương. Đặc biệt, từ năm 2012, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã đưa vào ứng dụng phần mềm phiên bản 6.0 làm nhiệm vụ sàng lọc dữ liệu, cảnh báo nếu có yếu tố trùng để các bộ phận liên quan có biện pháp thẩm định, từ đó giúp tránh sai sót và chủ động trong công tác phát hành thẻ của năm 2013”…

Tương tự, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các phòng chức năng, xã, phường, thị trấn thu hồi số thẻ cấp trùng; điều tra, rà soát các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội và nhập dữ liệu vào phần mềm mới, loại bỏ trường hợp có thông tin trùng lặp. Sau 6 tháng chấn chỉnh, số thẻ bảo hiểm y tế của huyện Tương Dương giảm hơn 2  ngàn thẻ so với năm 2012; trên bình diện cả tỉnh số thẻ năm 2013 đã giảm so với năm 2012 khoảng 86 ngàn thẻ - một phần trong số giảm này là số thẻ trùng lặp, cấp sai…

Việc khắc phục tình trạng thẻ cấp trùng bước đầu đã có kết quả khả quan, song giải quyết triệt để, trước hết cần có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, tránh tình trạng “mỗi người một phách” như hiện nay; sau nữa là nâng cao trình độ, trách nhiệm, sự liên kết của đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo hiểm y tế để mọi người dân ai ai cũng biết và qua đó cũng tránh quan niệm càng nhiều thẻ càng tốt. Tránh tình trạng, người dân không cung cấp thông tin chính xác cho cán bộ điều tra (đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, trường hợp thất lạc và làm mất các giấy tờ tùy thân, người thay tên đổi họ)… Để làm được việc này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân.


Bài, ảnh: Thanh Sơn