Thầy giáo bế con cho sinh viên làm bài thi
Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Kết (giảng viên của Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội). Thầy đã bế con cho sinh viên của mình làm bài thi trong suốt 2 giờ đồng hồ.
Cũng vì bất đắc dĩ, không có ai trông con nên nữ sinh viên phải bế con theo lên lớp. Trong khoảng thời gian đó, có một vài lần cháu bé quấy khóc và thầy giáo phải dỗ dành. Nữ sinh cho biết cô cảm thấy may mắn.
Nhiều sinh viên của trường nhận xét thầy là người dễ tính, tốt bụng và rất nhiệt tình. Đặc biệt, ngoài việc luôn động viên học tập, thầy rất quan tâm đến đời sống, hoàn cảnh của sinh viên.
Cô giáo mừng tuổi theo cách đặc biệt
Chỉ với ít tiền, với màn mừng tuổi học trò “có một không hai”, cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên dạy Toán của Trường THCS Chu Văn An (quận 1, TP HCM) khiến không khí lớp học trở nên vui tươi và rộn tiếng cười.
Thay vì phát tiền mừng tuổi cho từng học trò và để mừng hết sẽ mất rất nhiều tiền, cô giáo chọn cách thử thách vận may và khả năng của học trò với trò thả tiền và bắt.
Sau thử thách chỉ 3 em bắt được tiền. Chỉ 60 ngàn đồng thôi mà cả cô và trò được một phen cười đau cả bụng. Có lẽ số tiền bao nhiêu không quan trọng bằng món quà tinh thần là những tiếng cười đùa vui vẻ của học sinh mà cô giáo mang lại.
Cô Hương nghiêm khắc trong các giờ học nhưng ngoài giờ lại vui vẻ hòa mình với học sinh.
Cô luôn có hình thức động viên khi các em học sinh học tốt, đặc biệt là các học sinh yếu kém có những tiến bộ nhất định, theo từng giai đoạn. Đến nay đã 58 tuổi, hơn 33 năm gắn bó với nghề, song cô Lan Hương chia sẻ nhiệt huyết và tình yêu thương học trò trong mình vẫn không hề giảm sút và luôn muốn gần gũi hơn với các em.
Thầy hiệu trưởng viết thư động viên học sinh thi trượt
Biết học sinh buồn vì là người duy nhất đi thi mà bị trượt, thầy Nguyễn Vương Linh, hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã viết thư động viên và khẳng định “em sinh ra để làm những điều lớn lao hơn thế, điểm số một bài thi chẳng nói lên được tất cả”.
Tại kỳ thi kiểm định chất lượng mũi nhọn khối 6-7-8 huyện Nam Đàn, trường có có 63 lượt học sinh dự thi và kết quả có 61 lượt học sinh đậu, duy nhất Thùy Dương "rớt". Cô bé đã rất buồn. Dương có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ lấy chồng nên em ở với bà.
Sau khi đọc được lá thư mà thầy Linh gửi, Dương đã hết sức xúc động và thấy đỡ buồn hơn rất nhiều.
Làm công tác quản lý, thầy Linh cho rằng không nên đặt nặng vấn đề thành tích, để rồi tạo áp lực cho học trò, làm ảnh hưởng đến nhiều yếu tố. Bởi vì trẻ em, ngoài việc học còn phải được vui chơi, được tham gia các hoạt động xã hội để hình thành nên con người toàn diện. Nếu chỉ chú tâm vào việc học cũng không tốt.
“Những học sinh phạm lỗi, tôi sẽ mời lên phòng. Hình phạt là viết 4-5 lần một bài văn văn hay về tình cảm gia đình, tình cảm mẹ con. Từ những câu chữ đó các cháu sẽ thấu hiểu tỉnh cảm của cha mẹ từ đó ngoan ngoãn, chăm học hơn. Có nhiều lần khi đang viết phạt, các cháu đã bật khóc vì xúc động”, thầy Linh chia sẻ.
Thư gửi học sinh gây bão mùa bế giảng
Cô Nguyễn Minh Ngọc (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) cũng có bức thư gửi học trò "gây bão" trong mùa bế giảng năm nay. Từ chính những chắt lọc từ thời trẻ và sự trải nghiệm của bản thân, cô giáo khuyên học sinh hãy sống bình thường, tử tế.
Luôn gần gũi, tâm sự và bày ra nhiều hoạt động tạo hứng khởi, thầy Phạm Thế Mạnh (giáo viên dạy Toán của Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được các học sinh quý mến gọi là “bố”, “mẹ”, thậm chí với cả biệt danh đại ca.
Là một giáo viên dạy Toán, thầy Mạnh lại đóng cả vai “chuyên gia tâm lý” và “đốn tim” các học trò bằng cách luôn khơi gợi một cảm xúc tích cực trong giờ học.
Ngoài việc chủ động tương tác trên lớp, thầy giáo này còn tạo những kênh giao tiếp khác như Facebook hay điện thoại, để gần gũi hơn với học sinh.
“Mình vẫn luôn tâm niệm một điều rằng thành tích lớn nhất của các thầy cô giáo không phải là giấy khen hay giải thưởng, mà là sự ghi nhận từ trong suy nghĩ và trái tim của mỗi học sinh. Mình chỉ mong khi gặp lại học sinh cũ thì nhận được câu chào, và thầy trò có thể ngồi nhắc lại được những kỷ niệm vui. Mình sợ nhất là học sinh gặp thầy mà quay mặt đi” - thầy Mạnh chia sẻ.
Cô giáo tận tâm với từng lời phê
Cô Nguyễn Thị Như Huyền (giáo viên dạy Toán của Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thì “đốn tim” học sinh của mình bằng những lời phê “có hồn” độc đáo bên cạnh điểm số khiến các bài kiểm tra trở nên gần gũi và nhiều ý nghĩa hơn.
Không chỉ có điểm số hay những dòng lời phê cụt lủn, những bài kiểm tra từ cô luôn kèm theo những dòng nhận xét ấn tượng, đầy cảm xúc và pha cả chút hài hước.
Hay với những bài kiểm tra mắc những lỗi nhỏ là lời nhận xét: “Bẩn không bao giờ hoàn hảo. Lần sau nhớ viết chữ đẹp hơn”, “Con đọc kỹ đề là được 10 điểm rồi”, “Tiếc quá, lần sau cẩn thận hơn”
Với những bài kiểm tra điểm kém, cô Huyền dành những lời phê để các học sinh không quá buồn và thấy có sự chia sẻ: “Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật, cố gắng vượt qua nha. Cô tin em làm được”, “Con cần cố gắng thật nhiều nhé”, “Cô rất buồn, con đi học cần chú ý hơn”,…
Cô Huyền dành thêm thời gian cho những lời phê với mong muốn tâm lý đón nhận điểm bài kiểm tra của học sinh không quá căng thẳng. Học sinh đã đón nhận hào hứng và tâm lý thoải mái hơn.
Thầy hiệu trưởng "chẳng giống ai"
Khuyến khích học sinh sử dụng smartphone, tổ chức thi đấu game, cho phép các em một ngày được mặc trang phục tự do thể hiện cá tính, thầy Hoàng Văn Việt (Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng, Lào Cai) khiến học trò phải “phát cuồng” vì những quy định “không giống ai”.
Bước chân vào ngôi trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai), một điều dễ dàng nhận thấy là toàn bộ trường được phủ sóng Wi-Fi ngập tràn.
Thầy Việt mạnh dạn đăng ký chương trình thí điểm cho học sinh thực hành qua các kênh mạng xã hội học tập. Học sinh chỉ với một chiếc smartphone cũng có thể tham gia vào các lớp học trực tuyến. Giáo viên sẽ tự sáng tạo bài giảng của mình, tạo ra ngân hàng câu hỏi, thậm chí tổ chức các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ ngay trên mạng.