(Baonghean) - Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tính đồng thuận, thống nhất trong Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Đó là thành quả sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên quê hương Xô Viết Hưng Nguyên.
Thay đổi diện mạo nông thôn...
Cùng với các tuyến giao thông lớn như Quốc lộ 46 mở rộng, đường tránh Vinh, đường ven sông Lam, đường tránh Quốc lộ 46 và các tuyến tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng, thì hệ thống GTNT, kênh mương tưới tiêu, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc... được đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng góp phần tạo cho diện mạo nông thôn Hưng Nguyên khang trang và hiện đại hơn.
Về Hưng Thông, chúng tôi nhận thấy sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong xây dựng NTM thông qua xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức ở đâu và người dân ở chỗ nào, đồng thời phát huy dân chủ, sáng tạo của từng tổ chức, cá nhân chung tay xây dựng NTM.
Ông Võ Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Điều quan trọng trong quá trình xây dựng NTM là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; từ nhận thức chương trình NTM là Nhà nước sẽ đầu tư đưa các công trình, dự án về nông thôn thì nay người dân đã hiểu Nhà nước chỉ đưa ra chủ trương và có hỗ trợ, điều cốt lõi và quan trọng là ở sức dân, dân đóng góp, dân làm và dân hưởng thụ”. Bằng sự đồng thuận đó, gần 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hưng Thông đã huy động nhân dân góp tiền, ngày công và hiến đất với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng để hoàn thành 23 km đường xã, đường xóm bằng nhựa và bê tông; mở rộng, cấp phối hệ thống giao thông nội đồng; bê tông 23 km kênh mương cấp 1,2,3. Các công trình trường học, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà làm việc, nhà văn hóa 11/11 xóm, sân vận động xã..., được tập trung đầu tư xây dựng đạt chuẩn, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê Hưng Thông. Đến thời điểm giữa tháng 6/2015, Hưng Thông đã hoàn thành 17/19 tiêu chí. Trong 2 tiêu chí còn lại, chỉ thiếu 1 xóm đạt danh hiệu văn hóa và một số ki lô mét đường GTNT đang được xã tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh để tập trung làm, phấn đấu về đích vào quý III/2015 này.
Không chỉ ở Hưng Thông, việc xây dựng NTM đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm ở 22/23 xã, thị trấn trong toàn huyện. Kết quả, qua gần 5 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã cứng hoá hàng trăm ki lô mét đường giao thông nông thôn các loại; kiên cố hoá hàng chục ki lô mét kênh mương; cải tạo và xây dựng 17 trụ sở UBND xã; 34/56 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 151/223 nhà văn hóa xóm đạt chuẩn; xây mới và nâng cấp 11/22 trạm y tế; hệ thống đường điện các loại, trạm y tế và nhiều công trình khác. Tổng kinh phí đầu tư trên 715 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 240 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân trong toàn huyện còn hiến hơn 52.217,3m2 đất, đóng góp 170.093 ngày công để mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng NTM.
Bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, ở các địa phương cũng đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải, chú trọng trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Nhiều địa phương đã hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị vận chuyển rác về xử lý tại bãi rác Nghi Yên. Hầu hết các xã gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào xây dựng NTM, tạo bước chuyển về chất lượng văn hóa, chất lượng giáo dục, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như công tác an ninh, trật tự xã hội khu vực nông thôn. Toàn huyện có 15/22 xã đạt tiêu chí giáo dục; 7/22 xã đạt tiêu chí văn hóa; 11/22 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 16/22 xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị vững mạnh; 22/22 xã đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội... Đến nay, Hưng Nguyên đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, gồm Hưng Tân, Hưng Tiến; 6 xã đăng ký về đích trong năm 2015; 8 xã tiếp theo đạt 10 – 14 tiêu chí; 5 xã đạt 5 – 9 tiêu chí; 1 xã đạt 3 tiêu chí.
Nâng cao thu nhập của người dân
Xác định chương trình xây dựng NTM nhằm tạo sự phát triển toàn diện ở từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện, ngày 29/12/2010, Huyện ủy Hưng Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HU về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó mũi tập trung là xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Bởi vậy, quá trình xây dựng NTM, song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở Hưng Nguyên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một xã thuần nông, phụ cận Thành phố Vinh, những năm gần đây, cấp ủy và chính quyền xã Hưng Tiến đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Gắn với đó tập trung dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo điều kiện thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng thu nhập cao, cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Đến nay, toàn xã có 5 cánh đồng thu nhập cao; 137 mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị như gạo, nếp, cá, lợn... Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cùng với sản xuất nông nghiệp, Hưng Tiến cũng chú trọng phát triển các ngành nghề, dịch vụ, thương mại với kết quả có 15 cơ sở xay xát và chế biến thức ăn chăn nuôi; 120 hộ buôn bán nhỏ; 22 tổ nề, 3 xưởng mộc; 5 doanh nghiệp xây dựng và 7 hộ kinh doanh vận tải; đẩy mạnh xuất khẩu lao động với 156 người đang làm việc tại các nước. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 22,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,3%.
Theo ông Hoàng Đức Ân - Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, một trong những tiêu chí quan trọng và là đích đến của NTM là nâng cao đời sống cho người dân, vì vậy, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của huyện, các xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng hàng hóa. Rõ nét nhất, Hưng Nguyên đã tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với khối lượng sản phẩm lớn lên tới 1.700 – 2.000 ha ở các xã vùng giữa, gồm Hưng Tây, Hưng Đạo, Hưng Tân, Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Xá, Hưng Xuân, thị trấn...
Cùng với cây lúa, Hưng Nguyên chuyển đổi, đưa một số cây trồng có giá trị như cà rốt, ớt cay, rau màu các loại trên đất màu vùng ven sông Lam, đồng thời chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thích ứng với thời tiết. Chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ đã chuyển dần sang tập trung theo hướng hóa hóa với nhiều trang trại, gia trại được hình thành và ngày càng nhân rộng. Hiện tại, toàn huyện có trên 400 trang trại, gia trại, trong đó có 235 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp, chiếm 62,3%; có 47 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Gắn với đó là quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề, làng có nghề; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn có 158 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 2.750 lao động, thu nhập bình quân 3,0-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Rõ ràng, hướng đi của Hưng Nguyên là phát triển đa ngành nghề, làng nghề và quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi năng suất, chất lượng; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhân dân vươn lên làm giàu, đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2014 đạt 24,5 triệu đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo đó cũng giảm chỉ còn 6,54% (năm 2014). Chương trình xây dựng NTM ở Hưng Nguyên được xác định bắt đầu từ cái thiết yếu nhất, đó là cải tạo môi trường sống, đảm bảo các điều kiện phục vụ dân sinh, nếp sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời sống... đã, đang thực sự tạo sự phát triển toàn diện và bền vững trên quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Bài, ảnh: MAI HOA