anh_1_17445305_212019.jpgHội đàm ba bên có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Cuối tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hé lộ trên tài khoản Twitter của mình chủ trương tổ chức cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông chủ Nhà Trắng, cuộc gặp  này nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

Dấu hiệu đầu tiên chứng minh cho thông tin này là thời điểm diễn ra cuộc gặp trên có thể vào tháng 1 này trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giải tỏa tranh cãi leo thang liên quan đến thuế quan. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ và cộng đồng quốc tế lo ngại rằng đây có thể sẽ là "cuộc mặc cả lớn", trong đó ông Trump sẽ nghe theo bản năng biệt lập nhất của mình. 

Các nước châu Âu đã trải qua một năm 2018 nhiều biến động và điều này được dự báo tiếp diễn trong năm 2019 khi nhiều sự kiện tác động đến tình hình chính trị "Lục địa già" này. Theo giới chuyên gia, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người vốn bất đồng với Tổng thống Trump trong nhiều chính sách và chủ trương bảo vệ mối quan hệ với các quốc gia đồng minh mạnh mẽ, từ chức đã khiến các nước châu Âu mất tinh thần; và giờ đây tinh thần của những nước này cũng "đi xuống" trước chỉ trích của ông Trump rằng châu Âu đóng góp quá ít vào ngân sách quốc phòng.

Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là  Brexit,  vào ngày 29/3 tới. Nếu tránh được kịch bản "không thỏa thuận" với EU, London sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong tiến trình này.

Nước Pháp cũng là một trong những thách thức an ninh trên bản đồ châu Âu khi Tổng thống Pháp  Emmanuel Macron đối mặt liên tiếp với những yêu cầu ngày càng tăng của làn sóng biểu tình "Áo vàng", vốn kéo dài nhiều tuần qua tại nước này.

Bên cạnh đó, một số sự kiện khác cũng gây chú ý như: cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới, vốn được xem là sự trở lại mạnh mẽ của các đảng phái dân túy cánh hữu; sự bất ổn của chính trường Đức trước khi Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm; hay Italy hiện bị coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurzone). 

Nơi có nguy cơ cung đột leo thang hơn cả là Ukraine sau khi  Nga bắt giữ 3 tàu hải quân cùng thủy thủ Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 vừa qua, cáo buộc Kiev xâm nhập trái phép lãnh hải của Nga, điều mà Ukraine bác bỏ. Dù thế nào, sự tăng cường hiện diện quân sự của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lực lượng Nga tại khu vực gần Biển Đen là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trước thềm bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 31/3 tới. 

Tình hình Biển Đông trong năm 2019 được dự báo vẫn phức tạp khi Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục có các động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mặt khác, Mỹ và nhiều nước kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải. 

Giới phân tích nhận định năm 2019 sẽ là năm then chốt đối với cuộc xung đột tại Yemen và Syria, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump quyết định rút toàn bộ quân (khoảng 2.000 binh lính) khỏi Syria và ngừng hỗ trợ Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen. Ở Syria, việc Mỹ rút quân có thể kéo theo việc gia tăng hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của quân đội chính phủ, đồng thời dẫn tới một cuộc tranh chấp ở khu vực của người Kurd, cựu đồng minh của Mỹ.

Năm 2019 sẽ là năm then chốt đối với cuộc xung đột tại Syria, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump quyết định rút toàn bộ quân. Ảnh: Reuters
Ở Yemen, Saudi Arabia phải quyết định liệu sẽ tuân thủ một tiến trình hòa bình do phương Tây hậu thuẫn nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh đang đe dọa đẩy hàng triệu người vào tình trạng đói khát, hay tiếp tục chiến dịch quân sự bất chấp phải đối mặt với nhiều chỉ trích của quốc tế.

Hồi kết của hai cuộc xung đột này sẽ định hình phần lớn khu vực Trung Đông, vốn bị cuốn vào sự tranh giành ảnh hưởng của một số quốc gia, trong đó có Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Sau những đột phá ngoại giao chưa từng thấy trong năm 2018 với các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên -Mỹ , năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cho tới nay, cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa thống nhất thời điểm cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi quốc gia Đông Bắc Á này dường như không bằng lòng với yêu cầu giải trừ hạt nhân hoàn toàn của Mỹ.

Tình hình Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm leo thang trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc có thể duy trì sức ép để đảm bảo sự bình yên cho Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nếu ngược lại, việc Triều Tiên quay trở lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân là điều tất yếu và có thể dẫn tới hành động quân sự của Mỹ  và gây ra cuộc chiến tranh trên diện rộng hơn tại khu vực này./.