Mật ong Việt Nam có lượng thủy phân lớn, dễ lên men do khai thác và nuôi không hợp lý.

Dù mật ong Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong quản lý và giám sát dư lượng hóa chất được phép nhập khẩu vào thị trường EU từ năm 2013. Thế nhưng đến nay, thị trường EU vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong tổng sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Nhiều chuyên gia trong nước và thế giới đã chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục của mật ong Việt Nam tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU”, do Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 1/11 tại TP.HCM với sự hỗ trợ của dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP). 

1509611651917.jpgThu hoạch mật quá sớm khi mật còn non nên lượng thủy phần lớn dễ dẫn đến lên men, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mật.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2017, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 29.000 tấn, trong đó thị trường EU chỉ có 1.469 tấn. Theo phân tích của ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu mật ong của Việt Nam từ các đối tác EU là rất lớn, mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và các nhà xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề mật ong Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường EU là còn tồn tại một số rào cản về quản lý chất lượng. Đặc biệt, đảm bảo các quy định kỹ thuật trong thu hoạch và chế biến, tuân thủ các quy định của thị trường cũng như yêu cầu của nhà nhập khẩu. 

Theo ông Hòa, để xúc tiến và giúp sản phẩm mật ong Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU, điều cần tập trung là cải thiện quy trình chăn nuôi, bảo quản, đóng gói...

Theo đó, doanh nghiệp là nhân tố nòng cốt trong nâng cao kiến thức và nhận thức đối với việc xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm và nâng tầm thương hiệu mật ong Việt Nam. 

Ông Nicolaus Bieger, chuyên gia quốc tế của dự án EU-MUTRAP, cho biết Việt Nam cần giải quyết các thách thức về chất lượng trong sản xuất chế biến mật ong, gồm thủy phần (moisture), nấm men (yeat), dư lượng thức ăn (feed residue), màu mật ong (colour)...

Song song đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà xuất nhập khẩu cần nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết về chất lượng và xu hướng thị trường như ưa chuộng các dòng sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ... để đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng tại thị trường EU.

Ông Nicolaus cho biết các doanh nghiệp Việt Nam phạm “sai lầm” thu hoạch mật quá sớm khi mật còn non nên lượng thủy phần lớn dễ dẫn đến lên men, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mật.

Ngoài ra các hộp nuôi ong quá nhỏ, cần tạo không gian lớn hơn cho đàn ong, khi đó lượng đàn ong sẽ tăng, con ong thoải mái sẽ có mật nhiều và chất lượng hơn. Đồng thời hộp nuôi rộng sẽ thông thoáng, giúp mật khô ráo hơn, giảm thủy phần trong mật.

Theo Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh

TIN LIÊN QUAN