Nhiều người cho rằng hiện chúng ta không có văn hóa đi bộ nên người dân bạ đâu đi đó, thoải mái băng qua đường, bất chấp tín hiệu giao thông.

dpanub_plo_vn.jpegMột trường hợp người dân mang vác đi xuống lòng đường. Ảnh: Hoàng Giang

Theo Luật Giao thông đường bộ: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Về qui định xử phạt cụ thể, Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng đã qui định. Xin theo dõi trong phần infographic dưới đây:

Ngoài ra, nếu việc vi phạm các qui định về giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, người đi bộ còn có thể bị xử lý hình sự.

Như vậy, tính ra, luật giao thông dành cho người đi bộ đã qui định rõ, nhưng hiện nay chúng ta vẫn phải chứng kiến rất nhiều trường hợp tai nạn đau thương do chính người đi bộ đi ẩu gây ra. 

Đi bộ qua đường đúng cách là thể hiện văn hóa đi bộ.

Nhiều người cho rằng, hiện chúng ta không có văn hóa đi bộ nên người dân bạ đâu đi đó, thoải mái băng qua đường, bất chấp tín hiệu giao thông. Không có nhiều người lựa chọn việc đi qua cầu dành cho người đi bộ và dường như chúng đang bị rơi vào quên lãng... Như vậy, xây dựng được văn hóa đi bộ thì sẽ góp phần giảm tai nạn, làm cho đời sống đo thị văn minh, hiện đại hơn.

Khi được hỏi, nhiều người dân cho hay việc đưa ra quy định xử phạt hành chính với người đi bộ là cần thiết. Bởi lẽ theo xu thế chung, hiện nay mật độ người đi bộ tham gia giao thông ngày càng nhiều, trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên cũng có ý kiến nhìn nhận muốn phạt người đi bộ trước hết phải làm cho đường thông hè thoáng có chỗ cho người đi bộ. Vạch ngang qua đường dành riêng cho người đi bộ phải được các phương tiện tham gia giao thông tôn trọng. Chứ như hiện nay băng qua đường ngay đúng vạch còn... ú tim hồi hộp, tay chân quơ tùm lum mà không có xe nào nhường!!! Thành ra người dân thấy khúc nào trống xe là chạy vội qua đường, như vậy mà bị phạt thật tình chưa thông lắm. Như nước ngoài khỏi cần phạt vạ gì vì lối đi có sẵn, ngay vạch dành cho người đi bộ mọi xe thấy có người đang sang đường đều chạy chậm hoặc dừng lại. Cứ làm như vậy đi!

Người khác lại nói: Có nhiều đường ở TP.HCM mà bắt người đi bộ phải qua đường đúng luật thì e rằng hơi khó vì đâu có vỉa hè mà đi. Muốn phạt người dân thì trước hết nhà nước phải dọn dẹp lòng lề đường cho thoáng và phân bố biển báo và vạch qua đường cho hợp lý thì người dân bị phạt mới tâm phục khẩu phục.

Nhưng dù sao thì luật cũng đã có, người dân phải chấp hành. Còn việc tạo điều kiện làm sao cho người đi bộ được thuận lợi đi lại thì phải cần có sự can thiệp của địa phương, của cơ quan chức năng...

Có cầu cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn không đi...

Bị khởi tố vì đi bộ gây tai nạn

Năm 2003, Công an quận 1, TP.HCM đã từng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với NTMY, ngụ phường 14, quận 4, TP.HCM về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Theo hồ sơ vụ án, bị can Y. đi bộ trên cầu Ông Lãnh, quận 1, băng qua đường bất ngờ khiến anh PV V, quê Tiền Giang phải thắng gấp để tránh. Nạn nhân bị ngã xe, bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Tòa phạt bị cáo Y. chín tháng cải tạo không giam giữ.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN