(Baonghean) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang dành nhiều sự quan tâm đến công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở cơ sở, trong đó có cấp thôn xóm. Tại nhiều địa bàn, đã mạnh dạn giao vai  trò bí thư, xóm trưởng ở thôn xóm cho phụ nữ gánh vác. Thực tế, nhiều chị em không chỉ gánh trọn việc nhà, việc xóm mà còn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân.

Gánh trọn hai vai

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân xóm Yên Phú, xã Yên Sơn (huyện Đô Lương) rầm rộ ra quân xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong năm 2015, trên 95% diện tích đường giao thông liên xóm đã được hoàn thành, người dân ai nấy đều vui vẻ, nhiệt tình ủng hộ kinh phí, ngày công và hiến đất làm đường đạt tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Hoàng Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho hay: “Xóm Yên Phú gây ấn tượng với không chỉ lãnh đạo xã mà còn với người dân các xóm khác khi hoàn thành cứng hóa hầu hết các tuyến đường nội xóm. Kết quả này một phần nhờ vào sự nhiệt tình, quyết đoán của nữ xóm trưởng Tăng Thị Tuất”.

Vốn được người dân tín nhiệm, nên vừa về hưu được 1 năm thì đầu năm 2015 bà Tăng Thị Tuất được chi bộ đề cử và người dân bầu làm Xóm trưởng xóm Yên Phú. Vui vẻ, nhiệt tình, miệng nói tay làm là cảm nhận chung của bất cứ ai từng tiếp xúc với nữ đảng viên, xóm trưởng này.

Đơn cử như những ngày khởi công làm đường giao thông, Xóm trưởng Tăng Thị Tuất luôn là người đi trước, về sau, vừa xông xáo tham gia san lấp mặt bằng vừa linh hoạt trong điều hành, kịp thời nắm bắt tư tưởng, thắc mắc của người dân để giải đáp. Trước đó, khi đưa ra chủ trương vận động người dân đóng góp 500.000 đồng/khẩu để làm đường giao thông, nhiều người e ngại vì Yên Phú là xóm thuần nông, thu nhập của người dân chỉ trông chờ vào ruộng đồng và chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô gia đình.

Tuy nhiên, Xóm trưởng Tăng Thị Tuất đã mạnh dạn đề xuất với chi bộ “chớp thời cơ” Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường và bản thân mình thì “nhận” công việc vận động người dân. Với “bí quyết” tuyên truyền mềm mỏng, nhẹ nhàng vừa phân tích vừa khích lệ, chỉ một thời gian ngắn, 100% các hộ dân đồng tình với chủ trương của xóm. Chỉ trong hơn nửa năm, người dân không chỉ đóng góp đủ tiền và ngày công hoàn thành hầu hết các tuyến đường giao thông nội thôn Yên Phú mà còn dư để chuẩn bị xây dựng lại nhà văn hóa xóm.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác, đồng chí Tăng Thị Tuất tâm sự: “Về tuyên truyền, vận động, cán bộ nữ có nhiều ưu thế như dễ gần gũi với người dân và mềm dẻo hơn. Nhưng bên cạnh đó, cán bộ nữ cũng gặp không ít khó khăn,  như quỹ thời gian hạn hẹp vì vừa phải đảm đương công việc nội trợ gia đình, vừa lo công tác xã hội. Trăn trở với công tác xã hội nhiều năm, Xóm trưởng Tăng Thị Tuất cho rằng, các cấp chính quyền cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo và tìm nguồn  cán bộ thôn xóm gắn với việc trẻ hóa đội ngũ.

images1776559_bna_585737d07ff31.jpgBà Tăng Thị Tuất - Bí thư Chi bộ xóm Yên Phú, xã Yên Sơn, Đô Lương.

Nói về việc phái nữ tham gia cấp ủy, làm bí thư, xóm trưởng, đồng chí Lê Minh Phúc – Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 124 người là nữ tham gia cấp ủy, có 25 bí thư, xóm trưởng là nữ, trong đó có 14 người là bí thư kiêm xóm trưởng. Hầu hết các nữ bí thư, xóm trưởng đều phát huy vai trò lãnh đạo, xây dựng phong trào phát triển tốt và có uy tín cao trong cộng đồng dân cư, ví dụ như các chị: Phan Thị Đào – Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ Diên Tiên, xã Lưu Sơn; Nguyễn Thị Phương – Bí thư Chi bộ Hòa Phú, xã Hiến Sơn; Lê Thị Tuyết - Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ Diên Hồng, xã Lưu Sơn…

Thậm chí có nữ bí thư kiêm xóm trưởng mới sinh năm 1993 như chị Nguyễn Thị Phương ở xóm Hoà Phú, xã Hiến Sơn. Chị Phương đã có gần 2 năm làm bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng và là nữ “thủ lĩnh” trẻ tuổi nhất huyện Đô Lương.

Nhận nhiệm vụ thủ lĩnh thôn xóm khi mới chỉ 21 tuổi, thời gian đầu Phương có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, bà con lối xóm, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và  sự quyết tâm, xung kích, dám nghĩ, dám làm của  tuổi trẻ, Phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo để lãnh đạo các hoạt động của xóm thực hiện có hiệu quả các phong trào, nhất là trong xây dựng nông thôn mới như thông qua mạng xã hội facebook, kêu gọi những người con làm ăn xa quê ủng hộ xóm 7 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa xóm với tổng số tiền trên 350 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương, bí thư chi bộ xóm Hoà Phú, xã Hiến Sơn, Đô Lương, ảnh Thúy Hằng

Ngoài ra, Phương còn vận động bố mẹ hiến 1.600 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Từ sự gương mẫu của gia đình nữ bí thư chi bộ, người dân trong xóm cũng đã tự nguyện hiến 1.300m2  đất để mở rộng đường làng…

Trên thực tế đảm nhiệm vị trí  bí  thư, xóm trưởng thôn xóm là công việc khá vất vả và vốn được ví von là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng,  “đối với nhiều chị khi được tổ chức và nhân dân tin tưởng, mạnh dạn giao phó vị trí người đứng đầu thôn xóm đã tỏ ra không thua kém gì nam giới, xốc vác, linh hoạt trong giải quyết vấn đề, không ngại va chạm, dũng cảm đối mặt với khó khăn”, đồng chí Phan Văn Toàn - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành cho hay.

Minh chứng là trên địa bàn huyện Yên Thành hiện có  47 bí thư chi bộ, 35 xóm trưởng là nữ, trong đó có nhiều người luôn phát huy được vai trò lãnh đạo, tạo được mối đoàn kết và phong trào phát triển đồng đều ở địa phương. Như chị Ngô Thị Huyền - Bí thư Chi bộ xóm 5, xã Tăng Thành. Say mê, nhiệt tình với công việc và luôn gần gũi, quan tâm đến đời sống của bà con, chị Huyền được người dân yêu mến, tín nhiệm. Đơn cử như đầu năm 2016, chị đã lãnh đạo chi bộ thực hiện nội dung sinh hoạt chuyên đề về việc chuyển đổi cây ngô vụ đông từ chỗ chỉ trồng phục vụ chăn nuôi sang trồng ngô nếp hàng hóa.

Bí thư chi bộ xóm 5 xã Tăng Thành Ngô thị Huyền (bên trái) hướng dẫn người dân trồng ngô nếp vụ đông

Ngắm ruộng ngô xanh mướt đang kỳ chắc hạt, bà Trần Thị Liên, người dân xóm 5 cho biết: “Xóm chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây ngô vụ đông thành công là nhờ sự vận động của Bí thư Ngô Thị Huyền và chi bộ Đảng. Thấy chị Huyền và các đảng viên làm trước, có hiệu quả nên ai cũng làm theo”. Đồng chí Lê Mạnh Giám - Bí thư Đảng ủy xã Tăng Thành cho hay: “Chị Ngô Thị Huyền cũng như nhiều nữ cán bộ ở các xóm khác trên địa bàn luôn biết dung hòa, sắp xếp công việc gia đình và xã hội để làm tròn hai vai, vì lợi ích của người dân và sự phát triển của địa phương. Hiện, chúng tôi đang làm quy trình bầu bổ sung đồng chí Huyền tham gia Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ xã Tăng Thành”. 

Tại các huyện khác như Nghi Lộc, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn… cũng có rất nhiều nữ “thủ lĩnh” giỏi việc xóm làng, đảm đang việc nhà. Từ những nông dân chân lấm tay bùn, họ đã trưởng thành khi tích cực hòa mình vào hoạt động thôn xóm, phấn đấu trở thành đảng viên rồi được cấp ủy đảng tin tưởng giao phó, nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, xóm trưởng. Nhiều chị còn là điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình văn hóa mới ở cơ sở.

Cần sự tin tưởng và chia sẻ

Theo đồng chí Lương Đình Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Xá (Nghi Lộc), phụ nữ gánh vác vị trí đứng đầu thôn xóm sẽ gặp khó khăn hơn vì công việc gia đình, gánh nặng mưu sinh chi phối, hạn chế về sức khỏe, tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn bám rễ lâu đời các vùng quê. Thế nhưng bù lại, họ kiên trì, nhẹ nhàng, mềm dẻo, tận tâm, tận lực với công việc, cương, nhu kết hợp nên có sức thuyết phục cao trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; thực hiện các phong trào thi đua ở cở sở.

Điển hình như ở xã Nghi Xá có chị Nguyễn Thị Lan -  xóm 3 và Nguyễn Thị Tâm - xóm 6 thuộc thế hệ “7X” đã có “thâm niên” 8 năm làm bí thư chi bộ. Tuy là nữ nhưng các chị không hề lép vế so với những bí thư chi bộ là nam giới. Bằng chứng là 2 nữ thủ lĩnh này nhiều năm liên tục đưa chi bộ xếp loại xuất sắc tiêu biểu trong số 11 chi bộ nông thôn.

Bí thư chi bộ xóm 3 xã Nghi Xá, Nguyễn Thị Lan.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số địa phương, để những nữ thủ lĩnh thôn xóm có thể làm tròn hai vai, họ cần sự tin tưởng, động viên của cấp ủy, chính quyền, sự tín nhiệm ủng hộ của người dân và sự chia sẻ của gia đình, nhất là từ phía chồng con. Bởi thực tế, không ít chị em có năng lực nhưng khó tham gia và hoàn thành tốt việc xã hội nếu không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía gia đình. Bởi vậy, đối với công tác cán bộ nữ thì vấn đề đả thông tư tưởng là rất quan trọng, không chỉ khiến chị em tự tin, mạnh dạn hơn trong khẳng định năng lực bản thân mà còn xóa bỏ định kiến của xã hội đối với phụ nữ nông thôn khi tham gia việc làng, việc nước. 

Nói về công việc “vác tù và” của mình, chị Nguyễn Thị Lan - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận xóm 3, xã Nghi Xá cho biết: Làm người đứng đầu thôn xóm bận như có con mọn. Việc gì cũng đòi hỏi mình phải có mặt từ tang gia, hiếu hỉ, hòa giải đến việc kiểm tra tình hình sâu bệnh, tưới tiêu ngoài đồng ruộng, công tác vệ sinh môi trường, giám sát làm đường giao thông… Nếu không có sức khỏe, sự tận tâm, sự tin tưởng, ủng hộ của cấp trên, đặc biệt là sự chia sẻ và chỗ dựa vững chắc từ gia đình thì khó có thể đảm đương, gánh vác hết việc”.

Chị  Lan còn cho hay, mình kết nạp đảng năm 2005 thì đến 2008 đã được bầu làm bí thư, chi bộ có 28 đảng viên trong đó đa phần là người lớn tuổi hơn nên giai đoạn đầu bản thân chị gặp nhiều áp lực. Thế nhưng được sự tận tình, hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm của các đảng viên đi trước  cộng với  nỗ lực của bản thân, giờ chị đã tự tin với vai trò thủ lĩnh thôn xóm của mình.

Chị tâm sự: “Ông bà, chú bác mình đều là đảng viên chẳng lẽ mình lại không tiếp nối truyền thống gia đình, nghĩ vậy nên bản thân luôn cố gắng chu toàn nhiệm vụ của người vợ, người mẹ trong gia đình và trách nhiệm với việc dân, việc Đảng”. Bận rộn là thế nhưng nữ Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận xóm 3 vẫn làm 8-9 sào ruộng, nuôi 2 con bò,  30 - 40 con gia cầm…

Chị Ngô Thị Huyền - Bí thư Chi bộ xóm 5, xã Tăng Thành (Yên Thành) cũng cho rằng: Đối với phụ nữ thêm vai trò mới, nghĩa là cần thêm thời gian, thêm trách nhiệm phải gánh vác, cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều hơn nữa sự yêu thương, chia sẻ của chồng con, sự  ủng hộ, tin tưởng của bà con lối xóm. Đó là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chị em yên tâm cống hiến, hoàn thành nhiệm vụ. “Kinh nghiệm cho thấy cứ nói đi đôi với làm, chí công vô tư, công khai minh bạch, tạo sự đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới thì mọi việc sẽ thuận xuôi…”- chị Huyền chia sẻ.

Điểm chung của những nữ bí thư, xóm trưởng, trưởng thành từ phong trào ở cơ sở là sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc. Và dù là “thủ lĩnh” thôn xóm nhưng khi trở về nhà, các chị vẫn là mẹ hiền, vợ đảm, dâu thảo. Những việc làm hiệu quả, thiết thực của các chị đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương và khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ nông thôn trong thời kỳ mới.

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN