(Baonghean) -Tổ hợp tác chế biến nước mắm, mắm tôm Tuất - Thanh, phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai vừa được T.Ư Đoàn tuyên dương là mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên tiêu biểu toàn quốc. Đây là mô hình không chỉ đem lại việc làm, thu nhập cho 5 tổ viên mà còn giải quyết đầu ra cho ngư dân, tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Quỳnh Dị, nghề đánh bắt hải sản vốn có từ lâu đời; nay, nơi đây cũng đang nổi tiếng với nghề chế biến hải sản như cá, mực khô và hấp, mắm tôm, đặc biệt là nước mắm. Nước mắm Quỳnh Dị đã trở thành thương hiệu có tiếng không chỉ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh phía Bắc, vào tận vùng Tây Nguyên. Anh Lê Sỹ Tiến, cán bộ Thị đoàn Hoàng Mai cho biết: Trước đây, ngư dân Quỳnh Dị đi biển đánh cá chỉ có những con thuyền nhỏ, phương tiện đánh bắt cũ kỹ nên chỉ đánh bắt gần bờ; cá chở về bến bán cho các lái buôn đem đến các chợ khác bán.
Bây giờ, địa phương có hàng chục chiếc tàu vươn khơi với mã lực từ 45 CV trở lên, cộng với trang, thiết bị đánh bắt hiện đại, đảm bảo đánh bắt xa bờ dài ngày nên sản lượng đánh bắt lớn với hàng nghìn tấn trong năm. Khi sản lượng đánh bắt lớn, không thể tiêu thụ hải sản tươi cùng một lúc, từ đó người dân ở Quỳnh Dị mở thêm nghề chế biến hải sản bằng cách phơi khô cá, mực, hấp sấy cá, tôm, con khuyết và làm nước mắm, mắm tôm. Và tổ hợp tác chế biến nước mắm, mắm tôm Tuất - Thanh do 5 đoàn viên thanh niên trong xã sáng lập đang tạo ra một hướng đi mới trong làm ăn.
Về thăm cơ sở sản xuất của anh Trần Văn Tuất - Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến nước mắm, mắm tôm Tuất - Thanh, thấy anh đang rất bận rộn: hết đảo các thùng chượp, kiểm tra sản phẩm, rồi rút nước mắm cho khách hàng từ Vinh ra, Hà Nội vào lấy với số lượng hàng trăm lít. Thời điểm này, khi các tàu về, loại cá cơm thứ nhất được các tàu bán cho cơ sở chế biến khô, loại thứ hai bán cho các cơ sở sấy hấp và thứ ba là bán cho các hộ làm nước mắm. Song có lúc “cung” lớn hơn “cầu” dẫn đến, giá bình thường 8 – 9,5 triệu đồng/tấn có khi giảm còn một nửa, thậm chí không thể bán được.
Tháng 4/2012, đoàn viên Trần Văn Tuất hợp tác với 4 người bạn (gồm Trần Văn Nam, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Viết Sỹ) bàn nhau góp vốn cùng với sự hỗ trợ vốn từ Tỉnh đoàn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm. Nói là góp vốn, nhưng ban đầu mỗi người chỉ góp được 30 đến 50 triệu đồng, nhiều nhất là anh Tuất 100 triệu đồng, trong khi đó, để xây dựng được 10 cái am, mất khoảng hơn 200 triệu đồng, chưa nói đến tiền mua nguyên liệu. Tiền vay từ ngân hàng theo mô hình tổ hợp tác chỉ được 50 triệu đồng, 5 tổ viên phải mượn “sổ đỏ” của gia đình để thế chấp vay, bình quân mỗi sổ vay 50 triệu đồng. Lúc đầu, tổ hợp tác Tuất – Thanh chỉ thu mua cá và khuyết (moi) của bà con ngư dân trong xã vào thời điểm tháng 1, 2, 3 và 11 âm lịch, dần dần khi có thêm vốn, họ liên hệ mua thêm cá, khuyết ở xã trong vùng như Quỳnh Lập, Quỳnh Tiến và tận cả Thanh Hóa.
Với 10 cái am, mỗi am chứa 12 tấn cá nên khi được mùa, tổ hợp tác lại mua dự trữ, làm chượp. Thông qua các mối mua ở ngoài xã, có thời điểm tổ hợp tác mua được lượng cá lớn lại trao đổi buôn bán, cung cấp cá, chượp cho các hộ dân trong xã và các cơ sở chế biến nước mắm ở Thành phố Vinh, Diễn Châu như doanh nghiệp nước mắm Vạn Phần để thu chênh lệch.
Hỏi về cách tiêu thụ sản phẩm, anh Trần Văn Tuất, cho biết: Thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị đã có tiếng khắp trong và ngoài tỉnh; cơ sở nào, nhà nào sản xuất nước mắm ngon, chất lượng thì người ta đều biết và tìm đến mua. Cho nên, hiện tại, đầu ra của hợp tác xã chưa phải lo, hầu hết họ tự tìm đến mình, có những mối ở Hà Nội vào mua mỗi lần 1.000 lít, có những đơn vị bộ đội ở Vinh, Nghĩa Đàn đánh cả xe ô tô vào mua. Anh Tuất chia sẻ: Làm nước mắm, mắm tôm muốn ngon, ngoài kinh nghiệm và bí quyết của gia đình truyền lại thì đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu mua nguyên liệu tươi ngon, chịu khó tráo, phơi nắng thường xuyên. Để chăm lo cho sản phẩm của mình, tạo uy tín, thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, quá trình thu mua, chế biến, các tổ viên đều thảo luận, bàn bạc, phân công công việc cụ thể, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thu mua, áp dụng kỹ thuật chế biến.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, chịu khó tìm mối để chủ động nguyên liệu đầu vào, trau dồi kinh nghiệm, kỹ thuật chế biến tạo ra sản phẩm chất lượng, nên tổ hợp tác nước mắm, mắm tôm Tuất – Thanh làm ăn ngày càng khấm khá. Theo tính toán của tổ hợp tác, mỗi năm tổ thu mua khoảng 70 tấn cá cơm làm nước mắm và 40 tấn khuyết làm mắm tôm. Doanh thu mỗi năm của tổ hợp tác đạt 350 triệu đồng, trong đó lãi hơn một nửa. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình, số vốn góp, tiền vay ngân hàng của các tổ viên góp được hoàn trả lại, ngoài ra, các tổ viên còn tích lũy thêm một khoảng tiền vốn cho riêng mình và tiếp tục tái đầu tư mở rộng sản xuất.
Mô hình tổ hợp tác chế biến nước mắm, mắm tôm Tuất - Thanh không chỉ thực hiện mong muốn, ý chí làm giàu của 5 đoàn viên thanh niên mà còn giải quyết việc làm hàng ngày cho một số lao động địa phương, góp phần giải quyết đầu ra cho hải sản đánh bắt. Ông Trần Văn Thạch, khối Phú Lợi I, chủ tàu số hiệu NA 90011, chia sẻ: “Sản phẩm đánh bắt của chúng tôi thuộc nhiều loại, trước đây chỉ bán cho các gia đình làm nước mắm, cơ sở phơi khô, hấp sấy. Vào những tháng trời không nắng thì công việc phơi khô, hấp sấy khó khăn, chủ yếu là làm nước mắm nhưng quy mô nhỏ nên có tình trạng ứ đọng cá khi tàu về. Có tổ hợp tác của thanh niên ra đời với quy mô sản xuất lớn hơn, có biện pháp liên kết của các cơ sở chế biến nước mắm khác để cung cấp cá và chượp nên tàu chúng tôi về lúc nào là được giải phóng hàng lúc đó, đảm bảo ổn định giá cá. Trong điều kiện các thương lái Trung Quốc đang ép giá đối với các sản phẩm hải sản khô và hấp sấy của ngư dân thì mô hình hợp tác xã chế biến nước mắm, mắm tôm Tuất – Thanh được coi là mô hình kinh tế bền vững, phát huy tính tự lực, tự cường của thanh niên.
Mai Hoa