(Baonghean) - Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình ách yếu, là mục tiêu đặt ra đối với các cấp, ngành liên quan trong việc hoàn thành kịp thời công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Bởi vậy, cùng với việc tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, các cấp, ngành liên quan đã vận động đơn vị thi công nỗ lực đầu tư thực hiện công trình đúng tiến độ…
Năm 2011, tại tràn Khe Ang – Nghĩa Hồng – Nghĩa Đàn xe ô tô chở 11 người bị nước lũ cuốn trôi nhưng rất may cả 11 người được cứu sống. Tiếp đến năm 2012, cũng tại tràn này, có 30 xe máy và 1 ô tô 4 chỗ cũng bị cuốn trôi làm 2 người chết và ngày 19/9/2013, chiếc xe ô tô 7 chỗ khi qua tràn đã bị nước lũ cuốn trôi làm 5 người chết… Mỗi khi vào mùa mưa lụt, tràn Khe Ang trở thành điểm đen về an toàn giao thông trên Tỉnh lộ 531 và nếu không đầu tư xây dựng cầu, thì tại đây sẽ còn xẩy ra những vụ tai nạn thương tâm. Bởi vậy, thông qua Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, vốn khắc phục lụt bão, ngân sách tỉnh, tháng 3/2014, công trình xây dựng cầu Khe Ang (do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông VINACO) được khởi công xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: “Thời gian thực hiện dự án là 6 tháng kể từ thời điểm khởi công, đây là một trong những dự án được các cấp, ngành và nhất là người dân rất quan tâm, nên Sở Giao thông – Vận tải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu (Liên doanh Công ty CP đầu tư 486 và Công ty CP Hồng An) bảo đảm thi công đúng tiến độ. Với sự quan tâm, hỗ kịp thời về mọi mặt của các cấp, ngành và người dân, dự án hiện đang được đơn vị thi công tập trung thiết bị máy móc, nhân lực thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và quyết tâm hoàn thành vào ngày 30/8 để đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại cho bà con nhân dân các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) và các xã lân cận phát triển sản xuất cũng như an toàn cho hàng vạn người dân mùa mưa lũ”.
Hàng năm đến mùa bão lụt, công tác bảo đảm an toàn các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi ách yếu luôn là áp lực rất lớn đối với các sở, ngành liên quan. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, trước mùa bão lụt năm 2014, Sở Giao thông – Vận tải siết chặt công tác quản lý các đơn vị thuộc ngành từ việc xây dựng phương án ứng phó với các tình huống khi xẩy ra sự cố, đến việc triển khai công tác duy tu, sửa chữa đường bộ. Cùng với đó, Sở ưu tiên nguồn vốn đầu tư duy tu, nâng cấp các đoạn đường thường xẩy ra ngập lụt, sạt lở đất, các điểm đen về giao thông, đồng thời tiến hành cắm thêm các biển báo tại những tuyến đường quan trọng.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ cho biết thêm: “Hệ thống giao thông ở tỉnh ta rất đa dạng và do thời tiết lại diễn biến rất phức tạp, mưa lũ xẩy ra nhiều gây ngập úng, ách tắc giao thông, làm xói lở nền, mặt đường làm cho nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp rất nhanh, nhất là ở các tuyến đường huyện, xã, trong khi đó ngân sách hàng năm cấp cho công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường của tỉnh là rất thấp (năm 2013 là 32 tỷ đồng và năm 2014 là khoảng 22,3 tỷ đồng), tại các tuyến đường huyện, xã hầu như không có nguồn vốn hỗ trợ, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn giao thông”. Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh là rất khó khăn, nên ngành đã chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành Trung ương… Và thông qua các kênh hỗ trợ đó, hiện nay ngành đang tích cực triển khai đợt 1 với số vốn 90 tỷ đồng đầu tư những công trình, dự án cấp bách, ách yếu phục vụ phòng chống thiên tai, bão lũ và đợt 2 là khoảng 76 tỷ đồng. Những tuyến đường giao thông quan trọng sẽ được duy tu, nâng cấp kịp thời trước mùa bão lụt năm nay. Cùng với đó, ngành đang tích cực vận động từ nguồn vốn ODA để đầu tư, nâng cấp cầu Hiếu (TX. Thái Hòa) và cầu Dinh (Quỳ Hợp) là 2 cầu quan trọng trên tuyến Quốc lộ 46.
Để ứng phó tốt trong mùa mưa lụt, ngành NN & PTNT cũng “gánh” rất nhiều công việc và một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ đập. Do đặc thù của tỉnh ta là có rất nhiều hồ đập (hiện có 625 hồ đập, trong đó các công ty thủy lợi quản lý 50 hồ có dung tích trữ từ 1 triệu m3 trở lên, các xã, HTX quản lý 575 hồ) và phần lớn các công trình này có thời gian sử dụng từ 30 – 40 năm, có nhiều hồ xây dựng trên 50 năm nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão nhưng lại thiếu nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, bởi vậy vào mùa mưa lụt những công trình này không chỉ có nguy cơ bị vỡ, mà còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du…
Đập Mộ Dạ (ở xã Giang Sơn Đông – Đô Lương) có diện tích 45 ha (tính vào thời điểm khi nước chảy tràn), đây là một trong những hồ đập lớn ở huyện Đô Lương phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp các vùng thượng huyện Đô Lương, hiện nay đập cần được đầu tư nâng cấp kịp thời. Cũng tại xã Giang Sơn Đông hiện nay công trình hồ Đá Mài cũng đang được đầu tư tu sửa, nâng cấp và mặc dù nguồn vốn khó khăn, nhưng đơn vị thi công vẫn nỗ lực thực hiện đúng tiến độ. Được biết, năm 2013 cùng với nguồn vốn 50 tỷ đồng của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để tu sửa các công trình ách yếu và hầu hết các địa phương đều huy động thêm nguồn vốn từ ngân sách, ngày công lao động của nhân dân để tu sửa các công trình phục vụ sản xuất và PCLB.
Tuy nhiên, nỗ lực đó của các cấp, ngành và của người dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập trong mùa mưa lụt. Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: “Nguồn vốn ODA đầu tư cho việc nâng cấp hệ thống hồ, đập hiện nay đang gặp khó khăn, hiện trên địa bàn tỉnh đang sử dụng nguồn vốn cấp bách để triển khai 6 công trình là hồ Đá Mài ( Đô Lương), hồ bà Tùy, Nhà Trò, Khe Hạt, Bàu Trang (Yên Thành), hồ Khe Vịnh (TX. Thái Hòa). Mỗi công trình chỉ được đầu tư từ 7 - 8 tỷ đồng và hiện nay mới chỉ cấp 30% nguồn vốn, nên ngành phải thường xuyên vận động đơn vị thi công bỏ vốn trước để bảo đảm tiến độ, tại một số công trình chỉ đạo tập trung hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay”.
Trước thực tế đáng báo động về tình trạng mất an toàn của hệ thống hồ đập ở tỉnh ta, Sở NN & PTNT đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan danh mục dự án ưu tiên xây dựng nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có 7 hồ đập cấp bách cần sửa chữa trong năm 2014 là hồ Khe Giang, Khe Dung (Quỳnh Lưu), hồ Khe Dứa (TX. Thái Hòa), hồ Đồng Kho (Tân Kỳ), hồ Đồn Húng, Khe Sặt (Yên Thành), Bàu Nại (Đô Lương). Cùng với đó tùy theo mức độ thực tế xuống cấp của các hồ đập, để đề xuất ưu tiên tu sửa, nâng cấp vào các năm tiếp theo.
Hoàng Vĩnh