Mở rộng hình thức, đối tượng truyền thông
Hơn 2 năm trở lại đây, những cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu về kiến thức SKSS vị thành niên, thanh niên đã được ngành Dân số tổ chức đồng loạt ở nhiều địa phương với nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, hội viên các hội nông dân, phụ nữ.
Tại Trường THPT Quế Phong, vào giữa tháng 11, chương trình được Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện và Đoàn trường đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của 100 học sinh. Trải qua 30 câu hỏi xoay quanh kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên và các kiến thức xã hội, các thí sinh tham dự đã có một sân chơi sôi nổi, hấp dẫn và hết sức bổ ích. Cuộc thi cũng đã đem đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị, là diễn đàn để các em chia sẻ những hiểu biết và suy nghĩ của mình với nhiều vấn đề được xem là “tế nhị” với độ tuổi học trò.
“Thông qua cuộc thi chúng em được trang bị những kiến thức về vấn đề SKSS vị thành niên, thanh niên và có thêm nhiều kỹ năng để phòng tránh các vấn đề như xâm hại tình dục, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn”.
Cùng với đối tượng là học sinh, trong năm nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với nhiều trường học tổ chức các buổi nói chuyện tư vấn về chăm sóc SKSS, về các vấn đề giới tính.
Tuy nhiên, khác với cuộc thi Rung chuông vàng, chương trình tư vấn với sự tham gia của những cán bộ truyền thông làm công tác dân số đã kịp thời giải đáp những thắc mắc của học sinh xung quanh các nội dung về vấn đề SKSS hiện nay. Thông qua chương trình, những người thực hiện cũng có một kênh để khảo sát, đánh giá sự hiểu biết của học sinh về vấn đề này, để từ đó xây dựng những giải pháp thích hợp để truyền thông và tuyên truyền hiệu quả.
Việc truyền thông tại trường học rất thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là với những vấn đề liên quan đến giới tính ở lứa tuổi học trò. Đây cũng là khoảng trống nhiều năm nay ở các nhà trường nên không chỉ học sinh mà giáo viên cũng tham gia rất hào hứng.
Nhóm tập hợp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ từ 20 - 45 vào sinh hoạt, qua đó nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, kiến thức về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác DS -KHHGĐ góp phần nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi cho người dân. Việc tham gia sinh hoạt cũng giúp các thành viên nhận thấy vai trò, vị trí trách nhiệm của mình về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản để có hành vi đúng trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc con cái, xây dựng gia đình ấm no – hạnh phúc.
“Để công tác truyền thông dân số hiệu quả, chúng tôi nghiên cứu hình thức phù hợp với từng đối tượng, với đặc thù từng khu vực. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp nhằm huy động sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, các cấp đối với công tác dân số. Đơn cử như phối hợp với Liên đoàn Lao động thị xã đưa các nội dung vào sinh hoạt cho khối nữ công nhân viên chức với chủ đề "Sức khỏe của bạn", phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức thành công Hội thi "Người cao tuổi sống vui, sống khỏe"...”.
Góp phần nâng cao chất lượng dân số
Hoạt động truyền thông giáo dục dân số được xác định là một giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh nhà.
Hiện, hoạt động truyền thông của ngành Dân số trên địa bàn tỉnh được triển khai khá đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, truyền thông cộng đồng, tư vấn nhóm nhỏ, thăm hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề.
Ngành cũng đã phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai tích cực, có hiệu quả các mô hình câu lạc bộ như CLB "Gia đình không sinh con thứ 3", "Nam nông dân với công tác dân số", "5 không, 3 sạch", "Bà nội, bà ngoại"...
Ngoài ra, các cuộc thi, các cuộc giao lưu tìm hiểu về Dân số - KHHGĐ, chăm sóc SKSS diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở; các cuộc gặp mặt biểu dương, tuyên dương về thực hiện tốt chính sách dân số, các nội dung về DS - CSSKSS được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, bản, khối, xóm... cũng đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền về dân số - phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác truyền thông về dân số đang gặp nhiều khó khăn, có những thời điểm chưa thật sự kịp thời. Các sản phẩm, trang thiết bị truyền thông từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều thiếu thốn và bất cập, chưa bắt kịp với công nghệ số, internet.
Khó khăn hiện nay trong công tác truyền thông, đó là ngày càng có nhiều thông tin không chính thống, hiểu nhầm về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số và phát triển được đăng tải, lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách.
Để giải quyết những bất cập trên, hiện ngành Dân số đang xây dựng Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2030" nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số.
“Đến thời điểm này công tác dân số của Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chúng ta vẫn đang phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ đó là vừa giảm sinh, vừa nâng cao chất lượng dân số. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng xác định, để công tác dân số hiệu quả thì truyền thông vẫn phải là nhiệm vụ đi đầu để từng bước tác động vào người dân, làm thay đổi nhận thức về công tác dân số. Đồng thời, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, phân bố dân cư hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.