Khi TP.Vinh chuẩn bị bước sang năm mới, giữa dòng người tấp nập đi dạo phố, ít ai biết rằng lúc này những người công nhân môi trường đô thị mới bắt đầu công việc của mình. Họ làm việc xuyên đêm đến gần sáng mới xong việc. Và tất nhiên, đón giao thừa đối với họ là một khoảnh khắc cực kỳ xa xỉ.
bna_17573356_3112022.jpgĐã 19 năm nay, chị Lan chưa hề biết đến cảm giác đón Giao thừa bên người thân, gia đình. Ảnh: Tiến Đông
Gặp chị Hoàng Thị Lan, trú tại xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) khi chị đang đẩy chiếc xe rác nặng trịch trên con đường Đặng Thái Thân. Chị Lan làm công nhân môi trường đã được 19 năm, và năm nào cũng vậy, chị chưa biết đến cảm giác được đón Giao thừa bên người thân, gia đình là như thế nào. Mãi rồi thành quen, lúc thời khắc Giao thừađến, khi người người, nhà nhà quây quần thì chị lại độc bước, cùng chiếc xe đẩy và chiếc chổi tre đi xuyên qua năm cũ. 
Thu gom rác mang về bãi tập kết. Ảnh: Tiến Đông
Chị Lan phụ trách tuyến khá vất vả của TP.Vinh, đó là khu vực đường Phan Đình Phùng chạy lên chợ Vinh, chợ Đầu mối rồi vòng sang đường Đặng Thái Thân. Dù quãng đường ngắn nhưng rác ở khu vực này thì nhiều vô kể.
Vào những ngày cuối năm, lượng rác thải xả ra tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Ảnh: Tiến Đông
Chị Lan kể, năm nào cũng vậy cứ đến thời khắc Giao thừa là mấy chị em trong tổ lại dừng xe, ngắm pháo hoa, xong lại làm việc. Đến lúc bốc hết rác lên xe chuyên dụng, một mình chạy hơn 15 km về nhà thì cũng đã gần sáng, tắm giặt xong nghỉ ngơi cho lại sức để tối còn làm việc. Thế là hết Tết.
Thông thường cứ vào dịp Tết, lượng rác nhiều gấp 3-4 lần so với ngày thường, chính vì thế mà công việc của những người công nhân môi trường đô thị lại càng nặng nề. Chị Bùi Thị Hào, quê Thanh Chương, công nhân phụ trách thu gom rác trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc còn phải dùng đến xe kéo gắn phía sau xe máy để chở được nhiều rác hơn.
Rác nhiều, thay vì xe đẩy như trước, nhiều chị em công nhân phải dùng đến xe kéo để chở được rác nhiều hơn. Ảnh: Tiến Đông

Chị Hào cho biết, ngoài việc rác những ngày Tết thường nhiều hơn thì do trục đường này không còn có điểm tập kết rác tạm thời nên chị em đều phải dùng xe lôi kéo để chở rác đến khu vực tập kết nằm gần đường ven sông Lam, cách đó khoảng 5 km rồi chờ xe chuyên dụng đến bốc đi.

"Khi thời khắc Giao thừa gần đến, bản thân chị mong mỏi điều gì nhất?" - Tôi hỏi. Chị Hào cười bảo, nếu ước rằng người dân thải rác ra ít đi thì xa vời quá, thôi thì mong sao cho có sức khỏe để mà còn làm việc. Tôi hiểu rằng đó là mong ước đơn giản nhất của những người công nhân môi trường đô thị, bởi với công việc này, nếu không có sức khỏe thì rất khó có thể đảm đương nổi.
Dù năm mới đã gần kề, nhiều người vẫn tranh thủ ngồi bán hàng, họ mong sao nhiều người dân đi chơi Xuân sẽ ghé mua hàng. Ảnh: Tiến Đông
Khi thành Vinh chuẩn bị bước sang thời khắc Giao thừa, dòng người đổ ra đường đi du Xuân ngày càng đông thì vẫn còn đó nhiều người tranh thủ bán hàng. Chị Huyền (quê Nam Định), bán hàng rong tại TP.Vinh đã gần 10 năm nay, năm nào cũng vậy, trước Tết chị Huyền đã tranh thủ về quê thăm gia đình rồi lại vào Vinh.
Năm nay, đường hoa Xuân trên phố Hồ Tùng Mậu mở cửa đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, vì thế những người bán hàng rong cũng vì thế mà bán hàng khuya hơn. Ảnh: Tiến Đông

Năm nay đường hoa Xuân trên phố Hồ Tùng Mậu đã được trang hoàng đẹp đẽ, nhiều người đến tham quan, chụp ảnh nên cũng bán được hàng. Chị Huyền bảo khi nào hết khách mới về, tranh thủ nghỉ ngơi tí rồi sáng Mồng 1 lại mang hàng ra bán, hy vọng người đi chơi nhiều sẽ bán đắt hàng hơn.  

Đêm về khuya, khoảnh khắc giữa năm cũ và năm mới chỉ còn tính bằng phút, dưới ánh đèn trang trí sáng rực hắt xuống phố. Hòa trong dòng người du Xuân là những hình ảnh các anh, các chị công nhân môi trường đô thị, những người bán hàng rong, họ vẫn mải miết ngược xuôi trên con đường mưu sinh. Có lẽ họ là những người đón Tết muộn nhất thành phố Vinh...