(Baonghean) - Đã bước sang năm thứ 8, những người Thái và Khơ mú từ vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) về nơi định cư mới ở Thanh Chương. Cuộc sống đã có thay đổi nhất định, nhưng bà con ở xã tái định cư Ngọc Lâm vẫn bộn bề khó khăn.
Ngay từ năm 2006, những ngày đầu tiên của bà con vùng lưu vực sông Nậm Nơn về các điểm tái định cứ ở Thanh Chương, trong đó có xã Ngọc Lâm, đã làm tốn nhiều giấy mực của giới báo chí. Ban đầu, người ta nói nhiều về cuộc sống mới khả quan hơn cho bà con khi về nơi ở mới. Tất nhiên, đó là hứa hẹn của nhiều cấp, ngành cốt để an ủi trước sự hy sinh không nhỏ của người dân lòng hồ cho công trình Thủy điện Bản Vẽ. Thế rồi, khi cuộc sống tại nơi ở mới gặp nhiều khó khăn, bà con lũ lượt kéo nhau về quê cũ cũng trở thành mối quan tâm lớn của báo, đài trong và ngoài tỉnh. Vậy ra, vấn đề yên dân ở các khu tái định cư này hãy còn nan giải lắm!
Bẵng đi một thời gian, chuyện về đời sống người dân lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tại các khu tái định cư có phần lắng xuống. Báo chí đã quên mất họ? Hay cuộc sống của bà con đã khởi sắc? Những ý nghĩ cứ nung nấu trong tâm trí thôi thúc tôi ngược núi về thăm những người Thái và Khơ mú...
Nói là ngược núi, nhưng khi về Ngọc Lâm, tôi đã không vất vả như khi tác nghiệp tại các huyện vùng cao Tương Dương, Kỳ Sơn, dẫu rằng 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn tính ra thì có vẻ “rừng rú” nhất huyện Thanh Chương. Những bản tái đinh cư lại cách không xa tuyến huyết mạch đường Hồ Chí Minh. Tôi thong thả vặn nhẹ ga chiếc xe gắn máy, đi qua những luống chè thẳng tắp trên đường vào xã Ngọc Lâm. Một thanh niên cất giọng lơ lớ đúng kiểu người thiểu số phát âm tiếng Kinh khiến tôi biết mình chẳng cần phải hỏi han gì nữa. Ngọc Lâm đây rồi! Vậy chỗ cán bộ xã ở đâu? “Ở bản Mà. Anh đi thêm 2 cây số nữa”, anh thanh niên nhiệt tình chỉ lối. Đây là nơi “đóng đô” mới của những người đến từ mường Lằm vốn lắm cá, nhiều tôm. Họ trở thành cư dân xã cực Nam của người Thái trên lãnh thổ Việt Nam ta rồi.
Bí thư Đảng ủy Lương Quang Cảnh sau khi biết lai lịch vùng cao của tôi, liền tiếp chuyện bằng tiếng Thái như một già bản thực thụ. Ông bảo xã Ngọc Lâm chuyển từ Tương Dương về đây đã 8 năm rồi, nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Lúc mới xuống, toàn xã có hơn 90% hộ nghèo, nay vẫn còn trên 80%. Có tiến bộ, nhưng chậm như con vắt trên rừng vậy. Năm 2012, một số hộ đã bỏ về nơi ở cũ, hộ khẩu vẫn do địa phương dưới này quản lý, nhưng họ không được xét để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, như chế độ hộ nghèo, gạo trợ cấp hay bảo hiểm y tế, trong khi hầu hết những hộ này đều thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 14 bản, với trên 5.800 nhân khẩu đa số là người Thái, hoàn cảnh đều na ná nhau. Nhưng “tệ” hơn, phải nói đến bản Kim Hồng. Họ vốn là cư dân xã Kim Tiến (cũ) của huyện Tương Dương. Bản này chuyển đến sau cùng trong số những bản tái định cư vùng lòng hồ thủy điện, nên khó khăn hơn cả. Hiện tại, có 1/3 số hộ trong bản đã chuyển về quê cũ sống, tự do giữa lòng hồ Bản Vẽ. “Nếu có thời gian, sáng mai anh hãy đến thăm bản Kim Hồng cho biết!”.
Đã chiều muộn. Tiếng loa truyền thông của bản Tả Xiêng vọng đến khiến tôi giật mình. Giọng anh cán bộ Chi đoàn nghe qua chiếc loa phóng thanh cũ kỹ ngân lên đầy vẻ khổ sở, nhưng lại mang một thông tin vui. Tối nay, trẻ em bản Tả Xiêng được ban quản lý tổ chức cho phá cỗ Trung thu. Tôi biết ngày trước, ở chốn miệt rừng lưu vực sông Nậm Nơn, người ta chỉ biết đến Trung thu khi học câu thơ “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng…”, qua radio và những tờ báo thường đến chậm cả nửa tháng trời. Ngày ấy, Tết Trung thu hãy còn xa lạ đối với bà con lòng hồ...
Trời đang chuyển mùa. 18 giờ chiều, đã xẩm tối. Đêm nay tôi xin tá túc nhờ nhà bác Bí thư Đảng ủy. Vị lãnh đạo xã đi dự đám gọi vía cho chàng con rể, bữa tối phải lùi lại chừng nửa tiếng và tôi tranh thủ đến xem các cháu nhỏ bản Tả Xiêng vui Trung thu. Tới nơi thì nhà văn hóa bản đã chật ních người. Những cậu bé, cô bé đều có người lớn đi cùng. Có người muốn hưởng không khí vui của bầy trẻ, lại có người già đi xem cho biết cái Trung Thu nó như thế nào? Thế nên, thật khó phân biệt người lớn hay trẻ em chiếm số đông. Sau khi nghe bác chi ủy viên đọc thư của Chủ tịch tỉnh gửi thiếu niên, nhi đồng, mỗi em nhỏ đều được chia kẹo, chia bim bim cay, bim bim ngọt. Lễ Tết Trung thu chỉ diễn ra vỏn vẹn nửa giờ đồng hồ, quà ở bản biên giới khó khăn chỉ có vậy, mà ai nấy đều vui.
“Xã còn khó khăn, ngày Tết Trung Thu trẻ nhỏ được quan tâm vậy cũng là quý lắm rồi!”, Bí thư Đảng ủy Lương Quang Cảnh chia sẻ ngay khi chúng tôi vừa kết thúc bữa ăn tối.
Đang trong dòng tâm sự, bất giác ông Bí thư Đảng ủy cầm chiếc tăm tre lên rồi tiếp lời: “Những người về rừng cũng còn một căn nguyên, ở đây, từ chiếc tăm nhỏ xíu thế này hay như cái nôi cho cháu ngủ, cũng đều phải mua. Trước khi người Tương Dương về đây, rừng cũng đã bị tàn phá. Đến giờ vào rừng kiếm một cây nứa cũng mất nửa ngày. Tại nơi ở cũ, rừng hãy còn giàu, thức ăn đều sẵn, phù hợp với cuộc sống tự túc, tự cấp. Và còn phải mất một thời gian nữa, những người đến từ lưu vực Nậm Nơn mới quen với cuộc sống mới, dẫu cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm đều đã khá căn bản...”.
Như đã định, sáng hôm sau, tôi ghé qua bản Kim Hồng. Bản có 104 hộ dân cách đường cái một con suối lớn. Chiếc cầu sang bản đã bị cuốn trôi trong cơn bão số 8, năm 2013. Một chiếc cầu tạm gồm những thân cây xoan gác lên những cọc tre để lấy lối cho học trẻ em men sang đến trường.
Thấy bản có khách lạ, ông Chướng Xuân Tình mời vào nhà uống nước, chuyện trò. Cụ ông đã sống qua bảy chục mùa làm rẫy, cái chân không đi nương được nữa mới chịu về nương nhờ đàn cháu con của mình. Chỉ có mỗi mình ông ở căn nhà cuối bản, khóa cửa để đó về ở với cháu trai cho đỡ cô quạnh. Đi một vòng quanh bản, chỉ thấy mỗi người già và trẻ nhỏ ở nhà. Những người khỏe mạnh phần thì đã về quê cũ làm rẫy, phần thì đi kiếm việc làm thuê. Một số khác đang vào phần đất rừng được chia, đào hố trồng chè. Bên bậu cửa ngôi nhà đối diện, có một cái đầu ló ra. Ông Quang Diễn Hoàn cho biết đó là cháu gái của ông, tên gọi Quang Thị Hải. Mới 14 tuổi, Hải đã là lao động chính của gia đình, hơn nửa năm nay, cháu mắc chứng bại liệt, không đi đâu được.
Non trưa, tôi rời bản Kim Hồng lại ngược dốc về xã Thanh Sơn. Ven đường tít tắp những đồi trồng keo đang vào kỳ sinh trưởng. Đâu đó đã thấy bà con thu hoạch vụ keo đầu tiên. Trên một số khoảng đồi, đã xuất hiện những rãnh trồng chè. Tôi nhớ đến cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy Lương Quang Cảnh chiều hôm qua. Cây chè phù hợp với thổ nhưỡng của nơi đây. Mới đây, chính quyền huyện triển khai dự án đưa cây chè về 2 xã tái định cư. Dự kiến đến năm 2017, sẽ phát triển khoảng 550 ha chè trên hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Ông Cảnh hy vọng, sau dăm, bảy năm nữa, khi chè cho thu hoạch ổn định, thì bà con mới có thể an cư, lạc nghiệp, nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ rừng quê cũ?!
Bài, ảnh: Hữu Vi