(Baonghean) - “Đã có những thời điểm tôi thấy cuộc đời mình hoàn toàn bế tắc. Mẹ mất chưa đầy một tháng thì chồng đột quỵ do tai biến mạch não. Chồng lâm bệnh trong khi tôi đang ở Hà Nội chăm chị gái của anh ấy điều trị bệnh hiểm nghèo. Tôi vừa mất mẹ lại phải đối diện với một sự thật đau đớn nữa là nhiều khả năng sẽ mất chồng. Tôi đã nghĩ chỉ có phép màu mới cứu được anh ấy. Và điều đó đã đến nhờ các y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An”
Đó là những lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Lý ở khối 5, phường Hồng Sơn (TP. Vinh) khi nói về trường hợp chồng mình sau những ngày điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Trong câu chuyện chị Lý vẫn không giấu được những giọt nước mắt xúc động sau bao nhiêu biến cố xảy đến với gia đình mình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lý và chồng là anh Trần Văn Tuấn là những người lao động tự do ở TP. Vinh. Cuộc sống đang bình yên thì liên tiếp phải đón nhận những biến cố xảy ra. Mẹ chị ốm rồi đột ngột qua đời. Đã đành cuộc đời ai chẳng trải qua “sinh – lão - bệnh - tử” nhưng mất mẹ là nỗi đau, nỗi trống trải lớn. Mẹ chị mất chưa qua 1 tuần thì chị gái của anh Trần Văn Tuấn lại ngã bệnh nan y cần phải cứu chữa kịp thời. Hai hàng nước mắt khóc mẹ chưa khô chị đã khăn gói ra Hà Nội để thay chồng chăm sóc chị. Vừa chân ướt chân ráo ra đến nơi chị lại điêu đứng nhận được tin: chồng bất ngờ bị một cơn đột quỵ đánh gục. Ai ngờ được, bình thường anh Tuấn khoẻ là thế, to là thế, vui vẻ là thế vậy mà chỉ qua một cơn đau đầu buổi sáng anh chỉ còn là chiếc lá mơ hồ. Chị Lý từ Hà Nội về nhìn thấy chồng mà cõi lòng xé nát. Nhiều tai ương liên tục đổ dồn xuống đôi vai bé nhỏ khiến chị gục ngã, không còn đủ niềm tin vào cuộc sống.
Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An anh Tuấn được chuyển từ phòng cấp cứu lên điều trị tích cực tại Khoa Thần kinh. Các bác sỹ nhận định bệnh nhân Trần Văn Tuấn bị tai biến, xuất huyết bán cầu phải tiểu não. Thấy các bác sỹ liên tục thăm khám, theo dõi và hội chẩn cho anh Tuấn chị Lý và gia đình hiểu rằng người thân mình bị rất nặng. Theo như các bác sỹ thì có nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến xuất huyết não nhưng trường hợp bị xuất huyết, tổn thương tiểu não nguy cơ tử vong là cao hơn cả.
Qua CT Scanner các bác sỹ nhận thấy vùng xuất huyết của anh Trần Văn Tuấn lan rộng khoảng 5 cm2. Nếu không có giải pháp kịp thời, không cầm được máu khả năng cao là vùng xuất huyết sẽ chèn não khiến bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức, phản xạ, rơi vào trạng thái hôn mê sâu và tử vong. Theo dõi diễn biến bệnh của anh Trần Văn Tuấn, ngay đối với các y bác sỹ, chuyên gia đầu ngành về thần kinh cũng không giấu được những căng thẳng, lo lắng. Chị Lý nói rằng lúc ấy dường như mọi áp lực đều dồn lên các bác sỹ. Trong khi đó việc phẫu thuật bằng phương pháp mổ truyền thống trước đây đều không đem lại hiệu quả và không ai biết đích xác điểu gì xảy ra trên bàn mổ. “Nghe các bác sỹ nói rằng 10 phần thì chỉ có 1 phần sống, gia đình chuẩn bị tâm lý” - chị Lý kể lại.
Ngày thứ 3 điều trị tại bệnh viện tỉnh bệnh tình của anh Tuấn không có dấu hiệu thuyên giảm song điều quan trọng hơn cả theo các bác sỹ là nó cũng không nặng thêm. Đó có thể coi là tia hy vọng, là sợi dây mong manh để mọi người còn có thể bám víu. “Còn nước còn tát”, bệnh nhân Trần Văn Tuấn được chuyển từ Khoa Thần kinh sang Khoa Hồi sức tích cực, chống độc. Các bác sỹ lại tập trung theo dõi, hội chẩn. “Có thể can thiệp được. Có thể cứu” – đó là những gì chị Nguyễn Thị Lý nghe được từ bác sỹ Chuyên khoa I, Vũ Ngọc Lân - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc nói với mình.
Vậy là đã có thể hy vọng vào một phép màu. Tuy nhiên với các bác sỹ lại không hề dễ dàng, việc bệnh nhân bất ngờ vỡ lại mạch não đã tổn thương là thực tế cần phải tính đến. Trước khi lên bàn phẫu thuật, bệnh nhân Trần Văn Tuấn được điều trị tích cực để ổn định huyết áp, chống đông máu đồng thời tăng sức đề kháng. Chị Lý được các bác sỹ giải thích và tư vấn: chồng chị không phẫu thuật bằng phương pháp mổ não thông thường mà sẽ được thực hiện bằng việc khoan 1 lỗ nhỏ ở tiểu não tại vị trí xuất huyết, từ đây các bác sỹ sẽ hút máu tụ và “làm sạch” vùng tổn thương. Nhưng mọi tiên lượng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là ý chí, nghị lực của chính bệnh nhân, ngoài ra còn phải chờ đợi vào sự run rủi của số phận. Trước khi anh Trần Văn Tuấn lên bàn mổ chị Nguyễn Thị Lý 2 hàng nước mắt nói với chồng: “Anh còn thương em, còn muốn được nhìn thấy các con trưởng thành thì hãy kiên cương vượt qua, không bao giờ được bỏ cuộc”.
Nhìn thấy tấm thân tiều tuỵ, bước đi xiêu vẹo của chị Nguyễn Thị Lý không ai khỏi xót xa. Nghĩ đến việc chồng không đủ sức để chống chọi, vượt qua định mệnh của số phận chị tưởng chừng trời đất sụp đổ. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật cho anh Tuấn, bác sỹ thông báo ca phẫu thuật đã thành công. Khu hành lang phòng mổ như vỡ oà bởi tiếng reo vui của gần 30 người thân của anh Tuấn. Riêng chị Lý gần như ngất xỉu. Ca phẫu thuật thành công nhưng tiến triển của bệnh tật lại phụ thuộc vào việc điều trị tích cực, chăm sóc hậu phẫu.
Chị Lý nói rằng mình từng khám, điều trị nhiều bệnh viện, nhưng đây là lần đầu tiên cảm nhận được lòng nhiệt tâm, tận tình của đội ngũ y bác sỹ. “Nói thật vì lo lắng cho chồng mà tôi hỏi han cái này, cái nọ, làm phiền bác sỹ liên tục, cả ngày lẫn đêm nhưng chưa bao giờ các bác ấy quở trách hay nặng lời. Những ngày sau phẫu thuật các cán bộ chăm sóc, điều dưỡng còn trực tiếp cho bệnh nhân ăn và cũng chính các anh chị ấy trực tiếp làm vệ sinh cho bệnh nhân, kể cả việc làm sạch răng miệng, thay bỉm. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết nói gì để cảm ơn các anh các chị, những người đã mang đến phép màu cho gia đình tôi” - chị Nguyễn Thị Lý xúc động nói.
Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, anh Trần Văn Tuấn được xuất viện. Giờ đây, mới hơn 1 tháng kể từ ngày gặp trọng bệnh nhưng anh Trần Văn Tuấn đã có thể ngồi dậy, trò chuyện, tự làm vệ sinh cá nhân. Đặc biệt anh không gặp phải các di chứng như nhiều bệnh nhân tai biến mạch não khác. Đó cũng là điều thần kỳ. Về trường hợp của mình anh Tuấn chỉ nói: “Tôi rất biết ơn”.
Quốc Sơn