Lịch sử ra đời ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bắt đầu từ sau năm 1955, gắn với sự kiện bác Hồ viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với lời căn dặn "lương y như từ mẫu".
Ngày 27/2/1955 lịch sử, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành y tế căn dặn ba điều: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.' Lương y phải như từ mẫu', câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây.". Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ. Chào thân ái và thành công."
Do đó ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1955, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Lương y phải như từ mẫu'.
Người thầy thuốc “giỏi”, ngoài cái giỏi về chuyên môn kỹ thuật- một thầy thuốc “mát tay”- hẳn còn phải giỏi về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán không chỉ bệnh tật mà còn hiểu được những “đáp ứng con người” (human response) của bệnh nhân trong bối cảnh văn hóa xã hội mà họ đang sống.
Có môt câu châm ngôn trong ngành y: “Không có bệnh, chỉ có người bệnh”. Nghĩa là cùng một thứ bệnh mà mỗi người sẽ “bệnh” một cách khác nhau, do cơ địa cũng như do môi trường sống (môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội) của họ, cho nên bệnh của họ sẽ “thị hiện” khác nhau, diễn biến khác nhau và phương thức trị liệu do đó cũng sẽ phải khác nhau.
Chữa bệnh theo một “phác đồ điều trị” máy móc thì không cần sự hiện diện của người thầy thuốc. “Lương y” không chỉ thấy cái bệnh mà còn thấy cái hoạn, không chỉ thấy cái đau mà còn thấy cái khổ của bệnh nhân.
Người thầy thuốc chỉ đứng trước lương tâm mình. Có thể mọi người không ai hay biết nhưng với lương tâm, họ biết rõ. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Họ cần phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới làm tròn sứ mệnh mà xã hội đã giao phó qua sự đào tạo huấn luyện và kiểm soát xã hội.
Theo doanhnghiepvn.vn