CHIẾN TRƯỜNG XƯA LÀ MỘT THỜI MÁU LỬA

Những người lính, những "chiến binh" của Sư đoàn 320 A đã từng tham gia trận đánh lịch sử  Điểm cao 1015 (SẠC LY) và 1049 (DELTA) nay là xã Rờ Koi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 24/4/1972 hẳn còn nhớ mãi những trận đánh cam go, khốc liệt, chấp nhận hy sinh, tổn thất lực lượng để đánh trận mở màn chiến dịch, tạo bàn đạp để các lực lượng tấn công giải phóng khu vực Bắc Tây Nguyên. Điểm cao 1015 (Sạc Ly) là địa danh nằm tiếp giáp giữa 3 huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Đây là điểm cao có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng. Kon Tum là một địa bàn chiến lược quan trọng về hệ thống phòng ngự chiến lược ở Tây Nguyên.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thế Tân - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Phó ban Liên lạc Đại đoàn đồng bằng, Sư 320 cho biết: Ngày 19/11/1971, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đến thăm Sư đoàn và nói chuyện với các cán bộ chủ chốt. Tại đây, Tổng Tham mưu trưởng nói: Đợt này Bộ giao cho Sư đoàn các đồng chí vào chiến trường mới thực hiện tiến công chiến lược. Đây là một địa bàn vô cùng quan trọng, một chiến trường cực kỳ gian khổ, khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến mấy các đồng chí cũng phải đánh giỏi, tiêu diệt từng chiến đoàn ngay tại sào huyệt chúng. 

bna_doanhnhan49423005_412021.jpgTrung tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Quốc Thước cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa (doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải đứng ngoài cùng bên phải).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu. Ngày 30/3/1972, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn Bộ binh 52 tiến hành vây ép địch trên điểm cao 1049. Sử dụng Trung đoàn Bộ binh 64 áp sát khu vực điểm cao 1015 sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không  cứu nguy cho tiểu đoàn dù của địch. Ngày 3/4/1972, Trung đoàn Bộ binh 52 tiến công vào điểm cao 1049 nhưng không đánh bật được địch, bộ đội ta thương vong khá cao. Ngày 8/4/1972, Bộ Tư lệnh mặt trận giao cho Sư đoàn 320 dùng Trung đoàn Bộ binh 64 bao vây tiêu diệt tiểu đoàn dù của địch. Pháo binh ta bắn phá mãnh liệt vào các mục tiêu đã chuẩn bị sẵn. Các mũi tiến công đồng loạt tiến vào các mục tiêu. Sau 3 ngày chiến đấu, Trung đoàn Bộ binh 64 và lực lượng tăng cường đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 11, 2. Diệt 260 tên, bắt làm tù binh 166 tên khác, bắn rơi 20 máy bay, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Để có được trận thắng mở màn ở điểm cao 1015 và 1049 đã có hàng trăm chiến sỹ thuộc Sư đoàn 320 A "mãi mãi tuổi hai mươi" nằm lại nơi đây.

LƯNG CÒNG, TÓC BẠC, CÕNG ĐÁ LÊN NÚI, KHẮC BIA TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI

Để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự hy sinh dũng cảm của đồng đội, thể theo tâm nguyện các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn, đặc biệt là những đồng đội còn sống đã tham gia chiến đấu trên hai điểm cao này, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn đồng bằng, Sư 320 được sự nhất trí của chính quyền tỉnh Kon Tum, Ban Liên lạc truyền thống quyết định triển khai xây dựng nhà bia Di tích lịch sử điểm cao 1015 và 1049. Phương châm xây dựng là "Xã hội hóa về kinh phí, tiếp nhận sự ủng hộ của những tấm lòng tự nguyện của mọi người. Ban liên lạc không đi xin tiền, không kêu gọi đầu tư xây dựng. Không xây dựng đề án để xin tiền Nhà nước".

Lý giải về ý tưởng này, Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, Trưởng  ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn đồng bằng, Sư đoàn 320 tại Nghệ An và Hà Tĩnh xúc động nói: "Sư đoàn chúng tôi trưởng thành và trải qua nhiều trận chiến đấu ở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, sau đó được điều vào chiến trường Bắc Tây Nguyên. Chiến trường Tây Nguyên điều kiện chiến đấu vô cùng khó khăn gian khổ,  bát cơm sẻ nửa, điếu thuốc chia đôi, đêm hôm mưa rét hai người chung một tấm chăn... Trong điều kiện khó khăn như vậy, tình cảm anh em đồng đội thương nhau lắm. Đêm nay anh em chung nhau điếu thuốc, miếng lương khô nhưng ngày mai vào trận thì người còn, người mất, nghĩ mà đau xót, cảm động lắm. Nhìn đồng đội mình ngã xuống sao không đau được. Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng các anh em cựu chiến binh Sư 320 chúng tôi luôn đau đáu nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Tất cả cùng một chí hướng đã họp bàn nhau và  thống nhất ý tưởng quay lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì tương lai tươi sáng của dân tộc". 

Các CCB sư đoàn 320 và đồng bào dân tộc trong ngày khánh thành nhà bia tưởng tại Điểm cao 1049 DELTA.

Sau khi khảo sát chọn xong địa điểm, 28 cựu chiến binh Sư đoàn 320 A khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh đã đến dựng lều, cõng đá, thi công nhà bia tại hai điểm cao 1015 và 1049. Trong quá trình xây dựng, theo cựu chiến binh Đặng Đình Quyền - Phó trưởng Ban liên lạc cho biết, đích thân ông đã dẫn đoàn cựu chiến binh ở độ tuổi "Thất thập cổ lai hy" đến vùng rừng núi mở đường đào móng xây dựng và trông coi công trình. Tham gia đoàn có các cựu chiến binh Kiều Đình Minh, Trần Quý Thắng, quê ở Hà Tĩnh; các cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sửu, Đậu Đình Toàn, Nguyễn Hữu Chất... quê ở Nghệ An. Có những trường hợp rất cảm động như cựu chiến binh Hồ Sỹ Tường quê ở huyện Nam Đàn, bị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, mổ xong mới hồi phục cũng giấu bệnh để tham gia cùng đồng đội cõng đá lên núi dựng bia; xây xong nhà bia, khánh thành công trình thì ông qua đời. Còn cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thanh thì đã cùng vợ vào tham gia nấu cơm cho anh em đồng đội của chồng.

Đá làm bia tưởng niệm cũng được các cựu chiến binh kỳ công chuẩn bị. Nguồn đá được mua từ Thanh Hóa cưa thành tấm chuyển ra Ninh Bình tạo hoa văn, sau đó chở về Nghệ An đưa lên đền thờ Vua Quang Trung ở núi Quyết (TP. Vinh) để khắc chữ. Tháng 11/2017 chuyển vào Sa Thầy. Từ  Sa Thầy thuê ô tô chở lên đỉnh núi. Có 5 tấm bia đá, bia nặng nhất có diện tích 3,6m x 2,2m, nặng 11 tấn. Đường lên đỉnh núi cheo leo, xe zin mới lên được. Ngoài phương tiện vận tải vật liệu bằng ô tô, có nhiều phần việc khác như chặt cây, lát đường cho xe khỏi trượt, gùi cát, dựng lán trại... đều do các cựu chiến binh đảm nhiệm. Ngày 2/1/2018, 2 tấm bia trên điểm cao 1049 và 1015 đã được đặt đúng vị trí. Bia sừng sững mặt hướng về dòng sông Pô Ko hùng vĩ, có con đường 14, có đỉnh Đắc Tô - Tân Cảnh những địa danh mang nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng trong những năm chiến tranh ác liệt.

VĨ THANH

Tất cả với tấm lòng tri ân đồng đội cộng với đồng tiền "Mồ hôi nước mắt” của doanh nhân Lê Mạnh Hải, 4 nhà bia tưởng nhớ tri ân đồng đội đã được dựng lên. Tháng 1/2018 hoàn thành nhà bia Chư Bồ, Đức Cơ, Gia Lai trị giá 1,3 tỷ đồng. Tháng 5/2018, khánh thành 2 nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049, trị giá 3,6 tỷ đồng. Tháng 4 năm 2019 hoàn thành nhà bia Đồng Dù, Củ Chi trị giá 3,2 tỷ đồng. Ngoài công sức của các cựu chiến binh, sự tham gia thiết kế thi công, giám sát chỉ đạo kỹ thuật của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, một số cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 320, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, bốn nhà bia đã mọc lên. Một phần nguồn kinh phí xây nhà bia trên do các cựu chiến binh Sư đoàn 320 A đóng góp 450 triệu đồng. Gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến ủng hộ 450 triệu đồng. Còn lại hơn 7 tỷ đồng do doanh nhân - cựu chiến  binh Lê Mạnh Hải đóng góp. 

Hiện nay, điểm cao 1015 - Sạc Ly thuộc địa phận xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy; điểm cao 1049 - Delta thuộc địa phận xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày lễ hội (giỗ trận) để cán bộ và nhân dân trên mọi miền đất nước đến đây dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con đã ngã xuống cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. 

Đến đây, người viết xin được nói thêm về tâm huyết, đóng góp của doanh nhân - cựu chiến binh Lê Mạnh Hải. Xuất thân là con thứ của gia đình thương gia vàng bạc Phú Nguyên nổi tiếng ở Vinh, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải đã tham gia lực lượng tự vệ thành phố Đỏ bảo vệ khu phố.

Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn ác liệt nhất, Lê Mạnh Hải lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, được biên chế vào Sư đoàn 320 A, chiến đấu ở chiến trường B5, Mặt trận Tây Nguyên. Lê Mạnh Hải từng tham gia chiến dịch Xuân Hè 1972 với trận đánh nổi tiếng ở cao điểm 1015, 1049... góp phần cùng toàn mặt trận giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh, giải phóng được một vùng rộng lớn Tây Nguyên.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lê Mạnh Hải cùng đồng đội tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất và cùng các cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất, Lê Mạnh Hải lại cùng cánh quân đánh trả sự lấn chiếm của bọn Pôn Pốt lấn chiếm và tham gia chiến dịch giải phóng đất nước Campuchia khỏi tay bọn diệt chủng. 

CCB, doanh nhân Lê Mạnh Hải cùng đồng đội trong ngày gặp mặt.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trong chiến tranh, ông Lê Mạnh Hải được xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Sở Công nghiệp Nghệ An đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Về với đời thường, ông đã thành lập Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, ngoài tạo việc làm cho con em các cựu chiến binh, thì trụ sở Công ty còn là nơi hội họp của Ban Liên lạc cựu chiến binh, nơi ôn lại truyền thống của đơn vị trong các ngày lễ. Thành quả của Công ty và cá nhân ông Hải thì nhiều; tuy nhiên, điều quý nhất ở ông là tấm lòng luôn tưởng nhớ và tri ân đồng đội...