Lũy thép trong trận chiến chống dịch
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, hoành hành khắp thế giới. Việt Nam cũng bị đe dọa với trên 1.400 trường hợp nhiễm, 35 ca đã tử vong. Nghệ An tuy chưa có trường hợp bị nhiễm virus SARCOV-2 nhưng vẫn là địa phương có nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài, giữa tháng 3, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã thành lập 56 chốt cố định và 11 chốt cơ động tại các đường mòn, lối mở ở dọc tuyến biên giới để ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, chặn đứng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.
Tham gia cắm chốt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ không thể về nhà, phải hoãn cưới vợ, nhiều người trong số họ đã phát giấy mời đến họ hàng, bạn bè; hay có trường hợp bố mẹ mất cũng không thể về chịu tang. Tạ lỗi với bố mẹ, khất hẹn với vợ chưa cưới và người thân, những người lính biên phòng “căng” mình để cắm chốt trong những lều bạt nơi rừng thiêng nước độc hàng tháng trời để thực hiện nhiệm vụ.
Để phòng, chống nguy cơ Covid-19 xâm nhập nội địa qua những đối tượng nhập cảnh trái phép, từ đầu năm, đồn đã thực hiện ứng trực 100% quân số; thành lập 5 chốt kiểm soát; thực hiện tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới phụ trách, ngăn chặn các hoạt động vượt biên trái phép. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên chốt, các cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như điều kiện ăn, ở thiếu thốn, thời tiết khắc nhiệt,… Bên cạnh đó, đồi dốc hiểm trở, khiến việc đi lại, tuần tra và vận chuyển lương thực, thực phẩm hết sức vất vả.
Từ đầu năm đến nay, 5 chốt kiểm soát của Đồn Biên Phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Kỳ Sơn (Nghệ An) đã kịp thời ngăn chặn được 51 vụ nhập cảnh trái phép, với 90 đối tượng liên quan; xử phạt theo quy định với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Trên toàn tuyến biên giới, lực lượng biên phòng đã phát hiện 93 vụ, với 177 công dân nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới về Việt Nam; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 87 vụ với tổng số tiền 466 triệu đồng; khởi tố 3 đối tượng về hành vi đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép.
Trên mặt trận chống dịch, không chỉ những người lính biên phòng, mà những lực lượng làm nhiệm vụ trong các khu cách ly cũng cũng đã trọn nghĩa với đồng bào và người nước ngoài đến Việt Nam. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ cũng như quy định của Bộ Y tế, người Việt Nam ở nước ngoài về hay người nước ngoài sang Việt Nam phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Tỉnh Nghệ An đã thiết lập 28 khu cách ly tập trung của tỉnh tại 21 huyện, thành, thị; bắt đầu đón công dân từ nước ngoài trở về thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày 17/3/2020.
Tính đến tháng 12/2020, Nghệ An đã thực hiện cách ly tập trung cho hơn 21.000 người. Cùng với đó, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an vào “cùng ăn, cùng ở” trong các khu cách ly để chăm lo sức khỏe, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công dân.
Tất cả cán bộ, chiến sĩ phục vụ ở các khu cách ly luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo điều kiện ăn, ở tốt nhất cho các công dân. Ai cũng xác định tốt tâm lý 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh) với các công dân. Trong khu cách ly, cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ tận tình, chu đáo các công dân thực hiện nghĩa vụ phòng dịch.
Còn chị Trần Thị Nga (quê ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu; về từ Lào; thực hiện cách ly tại trụ sở cũ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn) chia sẻ: "Khi mới về, bà con cũng rất lo lắng nhưng rồi thấy được sự nhiệt tình phục vụ, sự hướng dẫn đầy đủ của các cán bộ, chiến sĩ thì bà con đã yên tâm. Sự yên tâm này chỉ có được vì đã về đến với quê hương...".
Cứu người trong lũ dữ
Nếu như trong cuộc chiến chống Covid-19, mỗi cán bộ, chiến sĩ chiến đấu với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để hạn chế thấp nhất sự xâm nhập của dịch bệnh; sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” dành những điều kiện tốt nhất cho đồng bào mình trong khu cách ly…, thì trong công cuộc phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, lực lượng vũ trang tỉnh nhà không quản gian khó, không sợ hy sinh, sẵn sàng tới những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn… khắc phục hậu quả thiên tai.
Những ngày cuối tháng 10, Nghệ An oằn mình trong bão lũ. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của người dân đã trôi theo dòng nước dữ. Làng xã bị cô lập, đất đai sạt lở, hàng nghìn người dân rơi vào cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, mệnh lệnh cứu dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai lại được phát đi. Ban CHQS các huyện đã huy động lực lượng cán bộ, chiến sỹ cùng nhiều phương tiện như ô tô, xuồng máy, áo phao,... có mặt kịp thời sơ tán, ứng cứu nhân dân.
Dầm mình trong dòng nước lũ từ 5 giờ sáng, tham gia sơ tán, di dời hàng trăm người dân và tài sản bà con đến nơi an toàn nhưng khi nghe tiếng người kêu cứu, Đại úy Lã Văn Hùng – Ban CHQS huyện Nghi Lộc không ngần ngại lao mình xuống dòng nước lũ, quyết tâm cứu người bị nạn.
Nạn nhân được anh Hùng cứu khỏi lưỡi hái tử thần là em Nguyễn Giáo Chiến (18 tuổi), ở xóm Mỹ Hòa, xã Nghi Mỹ trên đường đưa bò lên núi trở về thì bị nước cuốn trôi. Nghe tin con mình được cứu sống, bà Nguyễn Thị Vinh, mẹ của em Chiến không kìm nổi cảm xúc, bà Vinh ôm chặt anh Hùng và thốt lên: “Chú đã sinh con tôi ra lần thứ hai...”.
Lúc lao ra tiếp cận được Chiến, nhưng do dầm mình trong nước để sơ tán dân từ sáng sớm và sự vùng vẫy của em nên tôi cũng thấm mệt, nhưng sau có sự giúp của anh Nguyễn Văn Sơn nên đã đưa Chiến đến chỗ an toàn. Tôi nghĩ, là quân nhân thì ai ở vào hoàn cảnh đó cũng sẽ lao xuống để cứu người”.
Xác định “phòng chống lụt bão là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, lực lượng vũ trang tỉnh luôn có mặt ở những địa bàn khó khăn nhất giúp nhân dân ứng phó với bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại và đưa cuộc sống của người dân ổn định trở lại.
Ngay sau khi nước rút, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 800 cán bộ, chiến sĩ và gần 2.000 dân quân tự vệ, các lực lượng đóng quân trên địa bàn tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ. Các cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, khắc phục sạt lở đất, khai thông các tuyến đường giao thông, nạo vét kênh mương thủy lợi, hỗ trợ thu hoạch hoa màu, vệ sinh các trường học..., giúp dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Thật khó nói hết những gian lao của những người lính, các anh luôn có mặt ở những điểm nóng để giúp dân khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn. Cùng với cứu hộ, cứu nạn, họ còn tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện các phong trào, công tác chính sách xã hội, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa... Hình ảnh người lính đem con chữ đến những bản làng nghèo xa xôi, thắp lên hy vọng và ước mơ cho những em nhỏ vùng cao, chia sẻ cùng Nhân dân những nhọc nhằn, gian khó đã trở thành quen thuộc.
Xung kích, đi đầu, gần dân, giúp dân vượt qua thiên tai, hoạn nạn, đó chính là mệnh lệnh chiến đấu trong thời bình của cán bộ, chiến sĩ LLVT. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” xông pha vào các khu vực trọng yếu, nguy hiểm để giúp dân chống chọi với thiên tai, dịch bệnh góp phần tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.