qdngadacnhiem4_plri8549990_2722021.jpgĐặc nhiệm Nga đổ bộ đường không.

Lực lượng tác chiến đặc biệt là một trong những đơn vị cơ cấu trẻ nhất và bí mật nhất của quân đội Nga.

Trong quân đội Nga đã từ lâu có các đơn vị lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, có trách nhiệm cao, đôi khi rất tế nhị tại khu vực ở phía sau tiền tuyến của đối phương. Các đơn vị này đã có những tên gọi khác nhau, nhưng họ luôn thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất không thể được giao cho các đơn vị quân đội bình thường vì lính đặc nhiệm phải "làm việc" mà không gây tiếng ồn, để không có tổn thất lớn.

Một trong những người đầu tiên nghĩ đến nhu cầu xây dựng Lực lượng Tác chiến Đặc biệt là Đại tướng Anatoly Kvashnin - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga vào những năm 1997-2004. Khi đó thực  tiễn đòi hỏi phải hiện đại hóa quân đội để giải quyết các cuộc xung đột cục bộ.

Trung tâm đầu tiên để huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Nga đã được thành lập vào cuối những năm 1990 tại khu vực Matxcơva. Vào giữa những năm 2000, trung tâm được đặt tên là Senezh. Theo một số báo cáo, các chiến binh Senezh đã tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kavkaz, cuộc chiến chống cướp biển ở Vịnh Aden, chiến dịch buộc Gruzia phải đi đến hòa bình vào tháng 8 năm 2008. 

Vào tháng 3 năm 2013, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov chính thức tuyên bố thành lập Lực lượng tác chiến đặc biệt trong cơ cấu của Bộ Quốc phòng Nga. Sau đó đã có thông tin rằng, lực lượng SSO chuẩn bị để hoạt động "không chỉ trên lãnh thổ Nga mà còn ở nước ngoài", các đơn vị này được trang bị không chỉ các phưương tiện để hoạt động trên bộ mà còn cả các phương tiện không quân và hải quân.

Lính đặc nhiệm Nga tại Dagestan. Ảnh: Special Operation

Vào ngày 27 tháng 2 năm 2014, những người lính trong trang phục rằn ri, tay cầm súng trường hoặc súng máy, đã thiết lập quyền kiểm soát các tòa nhà của Hội đồng tối cao và Chính phủ của Cộng hòa tự trị Crưm (vào thời điểm đó là một phần của Ukraina), và trong những ngày tiếp theo kiểm soát sân bay Simferopol và các cơ sở chiến lược khác trên bán đảo. Họ cũng giúp đảm bảo an ninh trật tự khi người dân bán đảo Crưm đi bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Họ đã hành động rất đúng mực, cư xử hòa nhã với cư dân trên bán đảo (và không chỉ với họ), do đó đã xuất hiện cụm từ "những người lịch sự" đồng nghĩa với các lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga.

Tuy nhiên, sự tham gia của các chiến binh SSO vào các sự kiện ở Crưm chỉ là một biện pháp bắt buộc nhằm phô trương sức mạnh và ngăn chặn cảnh đổ máu. Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch đặc nhiệm là "hành động phối hợp của các đơn vị được huấn luyện đặc biệt sử dụng các phương pháp và cách thức tác chiến không đặc trưng của các đơn vị quân đội thông thường". Đương nhiên, các hoạt động như vậy hầu như không bao giờ được công khai rộng rãi.

Lực lượng SSO của Nga được thành lập trên cơ sở hợp đồng, bao gồm các quân nhân thuộc các loại quân khác nhau. Trên thực tế, chỉ có các sĩ quan phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm. Lính SSO luôn sẵn sàng để giải quyết các nhiệm vụ cả trong thành phần các lực lượng khác và độc lập. Để làm như vậy, họ trải qua quá trình huấn luyện toàn diện (từ nhảy dù, lặn và sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt đến học ngoại ngữ và dân tộc học), họ làm chủ các loại vũ khí của Nga và nước ngoài, và được trang bị mọi thứ cần thiết.  

Theo ghi nhận của Tổng thống Nga, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin, nhờ việc xây dựng lực lượng SSO, Nga có thêm một phương tiện mới để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mạnh mẽ và hiệu quả.