Giành giật sự sống từ “miệng hà bá”

Buổi sáng trung tuần tháng 3, chị Đậu Thị Phúc (39 tuổi, khối 15, phường Bến Thủy), đang đi họp khối thì nhận được điện thoại của cảnh sát khu vực báo tin có trường hợp vừa nhảy cầu Bến Thủy 1 tự vẫn, cần sự giúp đỡ của gia đình chị. Chị Phúc lập tức gọi điện cho chồng là Hoàng Văn Mạnh (41 tuổi) và cậu em trai ruột Đậu Văn Toàn (31 tuổi), để xem ai có mặt gần nhà nhất thì chạy nhanh ra sông Lam cứu người.

“Lúc đó tôi đang đi ăn sáng. Nghe chị Phúc điện báo cái là vứt luôn tô bún ăn dở, chạy về nhà lấy thuyền quần thảo khắp sông Lam để cứu người”, anh Toàn kể. Ngày hôm đó, một người đàn ông 37 tuổi, quê ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bị vợ ruồng bỏ nên quyết định lên cầu Bến Thủy 1 để tự vẫn. Nhận được tin báo từ quần chúng, Công an phường Bến Thủy lập tức điện cho gia đình chị Phúc với hy vọng kịp cứu được người này.

bna_a17757983_2442021.jpgNgôi nhà của vợ chồng anh Mạnh nằm ven sông Lam. Ảnh: Tiến Hùng

Sau khoảng 30 phút quần thảo, anh Toàn và anh Mạnh nhìn thấy người đàn ông đang chới với dưới nước, cách cầu Bến Thủy khoảng 500m về phía hạ lưu. Điều khiển thuyền đến nơi thì người này đã kiệt sức, toàn bộ cơ thể đã chìm nghỉm, chỉ còn một bàn tay vẫn vùng vẫy một cách yếu ớt trên mặt nước. Lúc này, anh Toàn lái thuyền, còn anh Mạnh nhoài người xuống lòng sông, nhanh chóng túm lấy tay, rồi kéo áo, giành giật lại sự sống từ miệng hà bá cho người đàn ông không quen biết này.

Hành nghề dưới chân cầu Bến Thủy, anh Mạnh nhiều lần trực tiếp chứng kiến người nhảy cầu tự vẫn. Ảnh: Tiến Hùng

Nạn nhân sau đó được đưa về nhà anh Mạnh, đốt củi sưởi ấm để hồi sức. Một lúc sau thì anh được người nhà đến đón về. Mặc dù được anh em Mạnh cứu sống, nhưng cho đến bây giờ, anh Mạnh nói rằng, anh thậm chí vẫn chưa biết tên của người đàn ông đó! Tuy nhiên, điều đó không hề khiến anh băn khoăn. Bởi đây chỉ là một trong hàng chục vụ cứu người tự vẫn thành công của gia đình anh trong suốt nhiều năm qua.

Trước đó hơn 2 tuần, một cô gái 34 tuổi vì áp lực lấy chồng từ gia đình cũng quyết định lên cầu Bến Thủy 1 để quyên sinh. “Thời điểm đó khoảng 21h, cả nhà chúng tôi đang ăn cơm thì nghe tiếng kêu cứu vọng từ cầu Bến Thủy. Biết chắc lại có vụ nhảy cầu nên cả nhà chẳng ai bảo ai, để lại mâm cơm, chạy ra bờ sông leo lên thuyền đi tìm kiếm”, chị Đậu Thị Phúc kể.

Do trời tối, việc tìm kiếm khá khó khăn. 2 chiếc thuyền máy của gia đình anh Mạnh chia nhau chạy cuốn chiếu khu vực lòng sông phía hạ lưu của cầu. Khoảng nửa tiếng sau, họ nghe thấy tiếng kêu cứu của cô gái đang sắp chìm nghỉm. Sau khi được cứu, cô gái từ chối về nhà, quyết định ngủ lại nhà vợ chồng anh Mạnh một đêm… “Thật may mắn. Chắc hôm đó hà bá... ngủ quên, chứ cô này không biết bơi. Không hiểu sao nhảy xuống sông suốt nửa tiếng trước khi được chúng tôi vớt lên mà vẫn sống sót”, anh Toàn nhớ lại.

Vợ chồng anh Mạnh không thể nhớ chính xác đã cứu sống được bao nhiêu người nhảy cầu tự vẫn, chỉ áng chừng từ 20 đến 30 người. Ảnh: Tiến Hùng

Niềm vui từ cứu người

Anh Mạnh quê gốc ở cồn Sẻ - một doi đất nằm giữa dòng sông Gianh (thuộc xã Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình). Gia đình anh nhiều đời làm nghề chài lưới. Hơn 30 năm trước, Mạnh theo gia đình ra xứ Nghệ, tiếp tục sống đời sông nước. Họ quây quần trong những chiếc thuyền nhỏ, neo giữa dòng Lam để hành nghề đánh cá.

Năm 2000, anh Mạnh kết duyên cùng chị Phúc - cũng là một thiếu nữ dân làng chài. Chị Phúc quê gốc ở Hưng Châu (Hưng Nguyên), tuy nhiên đã chuyển xuống thuyền sống từ nhiều đời trước. Được sinh ra dưới thuyền, long đong theo con nước để tìm cái ăn nên cả chị Phúc lẫn anh Mạnh đều không được đi học. Cả hai vì thế không biết chữ. Bố mẹ mất, chị Phúc đưa cậu em trai út Đậu Văn Toàn về sống luôn với gia đình mình.

Anh Toàn lái thuyền đưa một người nhảy cầu được anh cứu sống lên bờ. Ảnh: TH

Năm 2008, gia đình này được phường Bến Thủy cho mượn một doi đất bên bờ sông Lam, cách chân cầu Bến Thủy chừng 200m về phía hạ lưu để dựng nhà, kết thúc những ngày lênh đênh trên sông nước. 20 năm vợ chồng cùng sinh sống dưới chân cầu Bến Thủy, anh Mạnh, chị Phúc không nhớ nổi đã cứu sống bao nhiêu người tự vẫn. “Tham gia cứu thì nhiều lắm, hầu như tháng nào cũng có. Nhưng không phải ai cũng sống sót. Chúng tôi xem việc đó là bình thường nên cũng không để ý lắm. Tôi chỉ nhớ gia đình tôi cứu sống được khoảng 20 đến 30 người rồi. Năm nào cũng cứu được ít nhất 1 người, có năm cứu được đến 5 người”, chị Đậu Thị Phúc kể.

Có lần đang thả lưới đánh cá dưới sông thì trực tiếp thấy người nhảy cầu nên cứu luôn. Có lần đang ở nhà thì nghe tiếng kêu cứu nên phóng xuống sông để cứu. Nhưng cũng không ít lần, đang có việc bận ra ngoài, nhưng hễ nhận được thông tin có người nhảy cầu, gia đình anh Mạnh, chị Phúc đều tất bật chạy về, với hy vọng có thể cứu được người.

Một người nhảy cầu được cứu sống, đưa về nhà anh Mạnh sưởi ấm trước khi gia đình đến đón về. Ảnh: TH

Mặc dù làm việc thiện, nhưng không ít lần vợ chồng anh chị ngậm ngùi vì cách cư xử của người được cứu. “Không phải ai cũng vui vẻ khi được cứu. Nhiều người còn chửi bới, trách chúng tôi sao không để họ chết. Có trường hợp thì chúng tôi cứu xong, đưa về nhà chăm sóc rồi chờ gia đình đến đón. Khi gia đình đến thì trả công cho chúng tôi 200.000 đồng, mà không một lời cảm ơn. Chúng tôi đâu phải cứu người vì tiền…”, chị Phúc lắc đầu thở dài.

Việc cứu người của vợ chồng anh Mạnh hoàn toàn không vụ lợi, nhưng để cứu được một mạng người, không ít lần gia đình anh thiệt hại rất lớn. “Có khi đang thả lưới thì thấy người nhảy cầu. Lúc đấy thì đành phải chặt luôn lưới để chạy thuyền đến cứu. Lúc sau lại thì lưới mất luôn rồi. Có lần thiệt hại cả chục triệu đồng tiền lưới. Nhưng cứ cứu được một người là vui cái đã”, anh Mạnh cười nói và cho hay, dân chài lưới thường có quan niệm “mạng đổi mạng”. Nếu cứu người thì sẽ phải đền mạng cho hà bá, vì thế thấy người chết đuối sẽ không cứu vớt. Vợ chồng anh Mạnh là trường hợp hiếm hoi vượt qua được quan niệm này.

“Có người gọi chúng tôi là anh hùng, vì cứu được rất nhiều người, nhưng cũng có rất nhiều người gọi là khùng. Còn chúng tôi xem những việc đó là bình thường, làm theo bản năng của con người, thấy chết thì cứu. Chẳng suy nghĩ gì thêm”, ngư dân Hoàng Văn Mạnh nói.

“Việc tình nguyện cứu người nhảy cầu của vợ chồng anh Mạnh, anh Toàn là rất đáng quý. Do ở gần cầu nên họ phản ứng nhanh, kịp thời hơn lực lượng cứu hộ. Công an phường đã nhiều lần báo cáo, chúng tôi rất hoan nghênh và trân trọng việc làm này. Gia đình này không có hộ khẩu ở phường, chỉ tạm trú, chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Bến Thủy nói.