(Baonghean) - Kinh tế biển ngày càng có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, việc duy trì sự ổn định về an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng lãnh hải quốc gia có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bên cạnh thực hiện tốt bảo vệ vùng biển, Bộ đội Biên phòng tuyến biển Nghệ An còn nỗ lực giúp dân bám biển đánh bắt, nuôi trồng hải sản, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã gửi trao, góp phần vào truyền thống vẻ vang 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Bộ đội Biên phòng trên quê hương Bác Hồ.

Chúng tôi đến Lạch Thơi cùng đại úy Hồ Đăng Thảo - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận. Sau những ngày cao điểm của đợt gió mùa đông bắc, con đường dẫn từ cầu Sơn Hải đến vùng bãi ngang xã Quỳnh Thọ đã khô ráo. Trong một buổi chiều có nắng của tiết trời đầu xuân, những con tàu neo dọc theo lạch Thơi trở nên nhiều màu sắc bởi ánh sáng xiên phản chiếu lên từ dòng nước xanh ngắt. Phía ngoài cửa lạch là khu vực bãi ngang rộng lớn. “Tất cả khu vực đó là vùng nuôi ngao của ông Thái Bá Khang đấy. Một người từng là tay trùm buôn lậu của xã Sơn Hải…”. Đại úy Thảo chỉ tay giới thiệu, đồng thời dẫn chúng tôi vào vùng nuôi ngao. 

Với diện tích 20 ha nuôi ngao ở 2 xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), 13 ha ở xã Nghi Thiết và Nghi Quang (Nghi Lộc) cùng một số diện tích ươm ngao giống ở tỉnh Nam Định, anh Khang hiện nay được xem là tỷ phú của nghề này. Nhưng ít ai biết để chuyển đổi từ nghề buôn lậu trên biển sang nghề nuôi trồng thủy sản anh đã bán cả nhà đất để vét những đồng xu cuối cùng, vào tận Bến Tre, ra Nam Định, Thanh Hóa học nghề nuôi ngao. Giờ cuộc sống ổn định nhưng anh Khang không bao giờ quên những năm trước khi còn hành nghề buôn lậu trên biển. Buôn lậu có chuyến trót lọt nhưng cuộc mưu sinh sai trái trên biển vô cùng bấp bênh, nhiều rủi ro, nhiều lần bị cơ quan chức năng Trung Quốc, Việt Nam bắt. Trong những lần gặp gỡ, cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận vận động anh từ bỏ con đường buôn lậu, tập trung sản xuất, chăn nuôi để ổn định lâu dài. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, năm 2003, Thái Bá Khang quyết định đến xã Quỳnh Thọ thuê đất, đào ao nuôi thủy sản. Anh trở thành người nuôi ngao đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu và cũng là người thành công nhất nhờ nghề này.
 
Trường hợp anh Thái Bá Khang chỉ là một trong rất nhiều người được lực lượng BĐBP Quỳnh Thuận vận động, giúp đỡ chuyển đổi nghề nghiệp. Trung tá Hồ Quốc Hải – Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết: “Việc hỗ trợ bà con trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm mà thực tế là tình cảm gắn bó giữa bộ đội biên phòng với nhân dân. Thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và hoạt động nghề nghiệp của người dân vùng ven biển. Năm 2013 ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) xảy ra 12 vụ tai nạn trên biển, làm chết 13 người, chìm 6 phương tiện, thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng.
 
Cũng trong năm 2013, lực lượng BĐBP Quỳnh Thuận đã tổ chức tuần tra trên biển 25 lượt, trong đó đã phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tuần tra 7 lần. Tham gia cứu được 3 phương tiện đánh cá của ngư dân…”. Hiện nay, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đang tham gia quản lý, phụ trách 19,5 km bờ biển với 2 cửa lạch là lạch Quèn, lạch Thơi và 9 xã trên địa bàn. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ đối tượng, sử dụng có hiệu quả mạng lưới cơ sở trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, năm 2013 lực lượng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận thu được 65 nguồn tin có giá trị, trực tiếp phát hiện 26 vụ, 26 đối tượng với 24 phương tiện, xử phạt hành chính gần 70 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Tham gia kiểm soát, đăng ký ra vào lạch được gần 21.000 phương tiện, trên 182.000 lượt người.
 
Nếu như lực lượng BĐBP Quỳnh Thuận phải hoạt động trên diện tích rộng và tính chất địa bàn phức tạp thì Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đóng chân trên địa bàn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa – khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trên biển. Những năm trước, trên khu vực khai thác, đánh bắt thủy sản ở Quỳnh Phương thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, cắt phá ngư cụ, trộm cắp tài sản của ngư dân Thanh Hóa và Nghệ An. Bên cạnh đó, khu vực biển giáp ranh xảy ra nhiều trường hợp phương tiện, đối tượng vi phạm an toàn trong khai thác thủy sản như dùng chất nổ, kích điện để đánh bắt cá, buôn bán, thẩm lậu thuốc nổ đưa vào địa bàn…”.
 
Trước tình hình đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quỳnh Phương đã liên tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền vận động người dân; hiệp đồng với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) tổ chức các đợt phối hợp tuần tra, quản lý chặt chẽ khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh. Theo đó, hằng tháng triển khai các đợt tuần tra chung, hằng quý triển khai gặp gỡ trao đổi và chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm. Nhờ vậy đến nay công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản đã phát huy hiệu quả. Thượng tá Đinh Thế Hiển - Đồn trưởng vui mừng cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi năm xảy ra hằng trăm vụ tranh chấp, trộm cắp ngư cụ thì hiện nay tình hình đã giảm hẳn, tạo sự ổn định trên biển. Trong đợt lũ lụt tháng 10 năm 2013, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quỳnh Phương tổ chức nhiều đợt hỗ trợ nhân dân phòng chống mưa lũ, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua, trên địa bàn Đồn quản lý không còn hiện tượng đốt pháo nổ, nhân dân hết sức tin tưởng vào sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ đồn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giữ gìn vững chắc vùng an ninh biên giới quốc gia trên biển, bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt, nuôi trồng hải sản. 15,5 km đường biên giới biển với 3 phường xã biên phòng gồm Quỳnh Phương, Quỳnh Lập và Quỳnh Liên do Đồn quản lý luôn luôn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cũng trong năm qua, đồn vận động cán bộ chiến sĩ đóng góp xây dựng 1 ngôi nhà tình nghĩa cho bà Hồ Thị Xuyến ở khối Thân Ái – phường Quỳnh Phương”. 
 
Chia tay với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, chúng tôi tìm đến phường Nghi Hải – Thị xã Cửa Lò, nơi đóng chân của Hải đội 2 – Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. Khi chúng tôi đến, đồng chí Hải đội trưởng - Thượng tá Nguyễn Xuân Phương đang đi chân đất, mặc áo ba lỗ cùng các cán bộ chiến sĩ đẩy từng chuyến xe chở đất đổ vào khu vườn trong khuôn viên của đơn vị. Thấy khách đến, anh dừng tay cho biết: “Hải đội đang đẩy mạnh phong trào xây dựng cảnh quan đơn vị xanh – sạch – đẹp để luôn hướng tới mục tiêu vững mạnh toàn diện. Chúng tôi mua, vận chuyển được trên 50m3 đất màu phủ lên khuôn viên của đơn vị nhằm cải tạo diện tích đất phèn, nhiễm mặn. Mục đích là xây dựng vườn rau xanh, mở rộng diện tích sản xuất tăng gia nâng cao đời sống cho cán bộ chiến sĩ. Chỉ trong thời gian ngắn cuối năm 2013, Hải đội 2 đã trồng được 300 cây phi lao chắn sóng và 100 cây ăn quả các loại. Vườn rau an toàn được quy hoạch thành từng ô thửa hợp lý với hệ thống tưới tiêu đảm bảo. Hiện nay, cán bộ chiến sĩ Hải đội đã chủ động được 90% rau xanh, trên 50% thực phẩm cá, thịt. Nhưng điều quan trọng là đã khơi dậy tinh thần chủ động sáng tạo, thực túc binh cường của cán bộ chiến sĩ trong Hải đội”.
 
images938052_l_m_ch__ph__ng_ti_n__v__kh___s_n_s_ng_chi_n___u.jpgBộ đội Biên phòng Nghệ An làm chủ phương tiện, vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.
 
Trong cuộc sống đời thường, mọi người nhìn thấy những việc làm hết sức bình dị của cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2. Nhưng khi hoạt động trên biển, các chiến sĩ Hải đội 2 còn được biết đến là lực lượng chủ lực, tinh nhuệ trong công tác bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển đảo quốc gia và giữ vai trò to lớn trong việc tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân trên biển. Trong năm 2013, ngoài việc chủ động tổ chức các đợt tuần tra, giám sát vùng lãnh hải được giao quản lý, Hải đội 2 còn bố trí 20 đợt cán bộ chiến sĩ với thời gian 120 ngày cùng đi với ngư dân bám biển nắm tình hình. Trên cơ sở đó kịp thời thông báo, tham mưu cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và các cấp chính quyền những phương án giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn vùng biển. Chế độ trực sẵn sàng chiến đấu luôn được duy trì nghiêm, cán bộ, phương tiện trong trạng thái chủ động cao nhất để nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi có lệnh. Năm 2013, Hải đội 2 đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn thành công 2 đợt với 3 lượt tàu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Bên cạnh đó, Hải đội phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cứu được 12 người, 1 phương tiện đưa vào bờ an toàn. Phối hợp với ngư dân tỉnh Quảng Bình cứu sống 1 người trôi dạt trên biển... 
 
Đào Tuấn - Đức Thiện