(Baonghean) - Từ một cậu bé mồ côi ở làng lốc Nam Hải (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu), Trần Văn Sơn lớn lên trong gian khó, nhọc nhằn. lớn lên, anh tiếp tục theo nghề biển của cha ông. Trong cuộc đời bám biển, anh đã trở thành cứu tinh của rất nhiều người dân bị nạn. Cũng chính anh đã thành lập ra chi hội nghề cá đầu tiên, trở thành cầu nối để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.
Con đường nhỏ từ trung tâm xã Diễn Bích đi xuống xóm cửa biển Nam Hải tấp nập người vào ra, bà con chuẩn bị cho một chuyến ra khơi sau những ngày biển động. Vừa rũ lại tấm lưới mới coong trên boong tàu cá đang đậu dưới chân cầu Diễn Kim, anh Trần Văn Sơn tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình bằng giọng nói ồm ồm gió biển, chậm nhưng chắc chắn và thật thà.
Làng Nam Hải nằm sát biển, ngư dân ở đây đã có hàng trăm năm đi biển, thông thuộc hết các vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Hầu hết những người đàn ông trung niên trong làng đều là những người dạn dày sương gió, dùng bè mảng, thuyền nhỏ vươn khơi, đánh bắt hải sản, nuôi sống gia đình. Cuối năm 1971, thời điểm giáp Tết, thời tiết nắng đẹp, tất cả đàn ông, thanh niên trai tráng hăm hở dong thuyền ra khơi với mong muốn sẽ có một cái Tết khấm khá cho vợ con, gia đình. Đang là cuối năm nhưng thời tiết nắng bất thường, ngư trường nhiều cá, hầu hết các thuyền đều đầy ăm ắp sau mấy ngày ra khơi. Tuy nhiên, trên đường về, trời bỗng nổi lốc tố, mây đen vần vũ kéo đến, sóng lút đầu người, giật từng cơn, nhấn chìm hầu hết đội thuyền của làng. Sau nửa ngày vật lộn với lốc tố, chỉ còn một ít người may mắn sống sót, bị sóng dạt vào bờ, còn lại 45 đàn ông của làng phải bỏ mạng cho hải thần.
Ngày đó, bao trùm lên làng biển là một không khí tang tóc, ngày nào cũng có những người mẹ, người vợ đứng trên bờ biển ngóng tin chồng với hi vọng một điều thần kỳ sẽ xảy ra. Cơn lốc bất ngờ đã khiến hơn 100 đứa trẻ trở thành mồ côi, hàng chục người vợ trở thành góa bụa. Từ đó, Nam Hải cũng có thêm tên khác là “làng lốc”… Cũng như những đứa trẻ khác trong làng, cậu bé 10 tuổi Trần Văn Sơn và các chị em trong gia đình phải chịu đựng nỗi đau mất bố, mất người thân và sống những ngày tháng đói rét, cơ cực. Ngày đó, chị em Sơn phải lên các xã trồng lạc ven đường để mót lạc, mót lúa, buổi trưa thì đi mót cá.
Chính những ngày tháng cơ hàn đã thôi thúc Trần Văn Sơn phải sớm được ra biển. Sau đó ít năm, Sơn xin lên làm thuê cho một chủ thuyền đánh cá để được học nghề đi biển và đỡ đần mẹ. 16 tuổi, Sơn đã dong thuyền khắp vùng biển Vịnh Bắc Bộ để đánh cá, lớn hơn chút nữa, Sơn đã có thể làm thuyền trưởng, chỉ huy việc đánh bắt cá trên thuyền vì sự thông thuộc địa hình, lạch nước và cả một chút dũng cảm của những người phải lăn lộn từ nhỏ. Những ngày tháng lênh đênh làm thuê ấy, Trần Văn Sơn đã ao ước sẽ có ngày mình được làm chủ một con tàu để vươn ra khơi, tiếp nối nghề truyền thống của cha ông…. Ước muốn đó trở thành hiện thực khi Sơn bước sang tuổi 35. Lúc đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn để đóng tàu thuyền, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay tiền, đóng cho mình một con tàu hơn 200 mã lực để vươn khơi. Từ ngày có tàu, anh Sơn trực tiếp tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên và người dân khác trong làng “lốc”, từng ngày cố gắng vươn khơi xa hơn đến các ngư trường mới, đạt sản lượng cao hơn.
Những ngày tháng đánh bắt cá trên biển, đã rất nhiều lần anh Sơn trực tiếp cứu sống được nhiều người bị hỏng tàu, bị sóng đánh hoặc gió lốc hất chìm. Mùa đông năm 2006, khi đang đánh cá, anh Sơn nghe tin sẽ có gió mùa Đông Bắc nên quay mũi tàu, chạy thẳng vào bờ. Khi cách bờ khoảng 25 hải lý, trời tối đen như mực, mưa xối xả, tàu cá của anh phát hiện có một tàu bạn đang bị sóng đánh, 4 người bị rơi xuống biển đang chới với. Ngay lập tức, anh Sơn ôm phao, nhảy xuống biển cứu người. Cuộc vật lộn gần 1 giờ đồng hồ kết thúc khi cả 4 người trên tàu gặp nạn được cứu sống.
Ít tháng sau đó, khi đang trên đường vào trú đậu ở vùng biển huyện Nghi Lộc, tàu của anh Sơn cũng cứu được 2 người nữa khi tàu cá của họ bị mắc kẹt giữa dòng nước xoáy. Năm 2007, tàu của anh lại cứu được 5 ngư dân của huyện Quỳnh Lưu, năm 2009, tàu anh cứu sống 4 bố con ở xã Quỳnh Phương (nay thuộc Thị xã Hoàng Mai),… Năm 2013, trong cơn bão số 10, tàu cá của tàu cá của anh Trần Văn Tâm ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích bị gặp nạn ở ngay cửa lạch khi đang trên đường trở về trú ẩn nhưng gặp sóng dữ, tàu bị đánh chìm. Không ngại nguy hiểm, anh Sơn và những tàu bạn khác vội vàng nổ máy, lao ra vùng lốc xoáy để cứu người. Đợt đó, tàu của anh Tâm bị đánh chìm hoàn toàn nhưng những người trên tàu may mắn được các tàu cá bạn cứu sống.
Đến nay, anh Sơn không thể nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn trên biển nữa. Người bị nặng nhất là chìm tàu, người bị nhẹ có thể là hỏng máy, chết máy giữa đường. Năm 2011, cha con anh Sơn đã được những ngư dân ở Thị xã Cửa Lò cứu sống khi tàu bị sóng đánh chìm ngay ở sát chân đảo Ngư. Âu cũng là quy luật, mình giúp người chỗ này, hôm sau sẽ được giúp lại chỗ kia”.
Không chỉ nổi tiếng là người cứu sống nhiều nạn nhân trên biển mà cậu bé mồ côi của làng lốc trước đây cũng là người nhân hậu, rộng lượng, giàu lòng vị tha. Cách đây 8 năm, khi thấy gia cảnh của em Thái Bá Long ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu quá khó khăn, bố bỏ đi, mẹ bệnh tật, một mình em phải đi mót cá, làm thuê trên tàu, anh Sơn bàn với vợ nhận em làm con nuôi, cho em được học hành, bày dạy nghề đi biển. Năm trước, khi tích cóp được một ít tiền, anh Sơn đã mua cho Long một mảnh đất nhỏ trong xã để sau này cậu có ít vốn cắm dùi. “Hiện nay, cháu nó đang đi làm ở miền Nam, gọi điện về thông báo sắp cưới vợ. Chúng tôi mừng lắm, thế là cháu nó trưởng thành rồi. Công sức mình nuôi nấng, chăm bẵm cũng đã được đền đáp. Rứa là tui sắp có thêm con dâu rồi có cháu nội nữa”, anh Sơn cười vui sướng và cho biết, ngoài Thái Bá Long, hiện nay, 2 cậu con trai của mình đang học đại học và đang đi nghĩa vụ ngành công an.
Là một người am hiểu nghề biển, hiểu được sự khắc nghiệt của thời tiết, sóng gió bão bùng nên anh Trần Văn Sơn và những người dân làng Nam Hải rất lo ngại chuyện bị gặp nạn. Mấy năm gần đây lại có thêm mối đe dọa khác khi trên biển xuất hiện thêm những con tàu lạ vào đánh bắt ở vùng biển nước ta. Chính vì vậy, anh Sơn đã đưa ra sáng kiến thành lập Chi hội nghề cá. Ban đầu, anh xung phong nộp quỹ 2 triệu đồng và kêu gọi những người anh em họ hàng cùng tham gia với mục đích dùng nguồn quỹ quay vòng để đồng cam, cộng khổ bên nhau khi hoạn nạn và cùng nhau liên kết để vươn ra các ngư trường xa hơn. Từ một số hội viên tiên phong ban đầu, đến nay, trong thôn Hải Nam đã có thêm 2 chi hội nghề cá. Mỗi chi hội có số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng, được sử dụng quay vòng và có ý nghĩa quan trọng, trở thành điểm tựa về vật chất lẫn tinh thần cho những ngư dân vươn khơi, bám biển. Cuối năm 2013, khi huyện Diễn Châu có chủ trương thành lập thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá ở xã Diễn Bích, anh Sơn là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia và vận động các hội viên trong Chi hội nghề cá của mình cùng tham gia nghiệp đoàn.
Nói về ngư dân Trần Văn Sơn, ông Thạch Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích cho biết, anh Sơn là ngư dân tiêu biểu của xã, không những đã có thành tích cứu nhiều người trên biển mà còn là người tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương lớn, người đưa ra sáng kiến thành lập chi hội nghề cá để đoàn kết ngư dân, cùng nhau vươn ra các ngư trường rộng lớn. Khi nói về mình, người đàn ông có mái tóc dài, khuôn mặt dạn dày sương gió tâm sự: “Từ nhỏ, mẹ tôi đã dạy các chị em trong nhà phải đoàn kết. Lớn lên đi học được nghe lời Bác Hồ dạy phải đoàn kết để thành công. Những ngư dân chúng tôi thấy rằng, muốn làm được việc gì cũng phải đoàn kết thì mới có được hiệu quả. Hiện nay, thời tiết trên biển ngày càng phức tạp, nay nắng, mai gió lốc bất thường, nếu không đoàn kết thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Chỉ có sát cánh cùng nhau thì chúng ta mới có thể vươn ra được các ngư trường xa hơn, đứng vững trước bão lốc và cả sự xâm lấn, đe dọa của những con tàu lạ xuất hiện ngày càng nhiều trên biển. Đây là bài học cho chúng tôi và những thế hệ con cháu sau này nữa”.
Nguyên Khoa