1. Nấu bánh chưng ngày Tết
45238708_1122018.jpgTục gói bánh chưng vẫn là nét đẹp từ bao đời nay của người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về. Vào những ngày cận Tết, cả gia đình từ già, trẻ, trai gái cùng nhau ngồi trông nồi bánh chưng. Quanh nồi bánh với ánh lửa bập bùng mọi người cùng trò chuyện những câu chuyện năm cũ đã qua. Đây cũng là dịp hiếm hoi trong năm để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần và đoàn tụ sau một năm lao động vất vả.
  2. Xin chữ ngày Xuân
Tết xưa gắn liền với hình ảnh của các ông đồ "mực Tàu, giấy đỏ" trên các con phố. Đây là một truyền thống văn hóa lâu đời thể hiện sự hiếu học và coi trọng lịch sử của dân tộc. Những chữ được xin về thờ thường là chữ Tâm - Phúc - Đức với mong muốn con cháu học hành tiến tới và gia đình làm ăn phát đạt.
 3. Tục mừng tuổi năm mới
Tục lệ mừng tuổi có từ xa xưa, có ý nghĩa mang lại điều lành và cầu phúc cho đứa trẻ, vừa để cầu may cho năm mới. Hiện nay tục lệ này vẫn còn giữ nguyên, nhưng đã có phần nào "biến tướng" nặng về vật chất hơn là cầu may.
 4. Mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết trong mỗi gia đình để thờ cúng tổ tiên. Tuy mỗi vùng, miền có cách sắp xếp các loại trái cây khác nhau, nhưng đều chung một ý nghĩa mong muốn có nhiều tài lộc, cuộc sống đủ đầy trong năm mới.
 5. Dựng cây nêu ngày Tết
Cây nêu ngày Tết có ý nghĩa trừ tà và xua đi những điều xấu trong năm cũ. Cây nêu thường được dựng lên từ ngày 23 tháng Chạp - ngày Tết ông Táo và được hạ xuống vào ngày 7 tháng Giêng. Ngày nay rất ít gia đình dựng cây nêu. Cây nêu ngày xưa gắn liền với thành ngữ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, trang pháo, bánh chưng xanh".
 6. Khai bút đầu Xuân
Tục khai bút đầu năm trước đây do các bậc học giả như ông đồ, thầy đồ, học sĩ... mới thực hiện. Sau lễ cúng Giao thừa họ sẽ cầm bút viết lên những câu đối, hay chữ có ý nghĩa lên tờ giấy đỏ. Những chữ "khai bút đầu Xuân" phải do mình nghĩ ra chứ không sao chép của người khác. Đó là những chữ về họ tên, quê quán, hoặc những cảm xúc mong ước tốt đẹp về gia đình, tình cảm bạn bè, công việc, học hành.
 7. Hái lộc đầu Xuân
Hái lộc đầu Xuân là một truyền thống để mang lại hạnh phúc cho gia đình. Trước kia người ta chỉ hái những cành nhỏ của loài cây có sức mạnh như sung, si, đa... Ngày nay việc hái lộc đã đi sai lệch, hái bừa bãi gây thiệt hại về cây cối. Vì vậy, thay vì hái lộc thì nên chọn một cây hoa, cành đào, chậu quất có nhiều lộc để mang lại phước lành và may mắn trong dịp Tết đến, Xuân về.