ÁM ẢNH VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ BÁN CON

 (Phóng viên Phạm Bằng

 Phòng Thời sự - Chính trị - Báo Nghệ An)

Cuối tháng 11/2018, tôi và phóng viên Tiến Hùng lặn lội từ TP.Vinh lên huyện biên giới Kỳ Sơn để tìm hiểu vấn nạn buôn bán bào thai qua biên giới. Những thông tin ban đầu về một nhóm người phụ nữ đang mang thai từ tháng thứ 5 trở lên bị một nhóm đối tượng dụ dỗ, vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai thúc dục chúng tôi phải tìm hiểu để có thông tin cảnh báo. Trong vai những cán bộ chính sách dân số, được sự giúp đỡ của Công an xã, chúng tôi mới tiếp xúc được với những người phụ nữ này.
bna_phong_vien_pham_bang_tro_chuyen_voi_nguoi_dan_mien_nuianh_pv5187965_1962020.jpgPhóng viên Phạm Bằng (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với người dân miền núi. Ảnh: PV

Ban đầu tiếp xúc, những người phụ nữ này rất dè dặt, cảnh giác và chỉ trả lời những câu hỏi của chúng tôi một cách miễn cưỡng. Nhắc đến đứa con mới bị đem bán, họ cúi gằm mặt, trong đôi mắt dường như đang chất biết bao nỗi buồn đau. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai khóc để chúng tôi cảm nhận được sự hối hận, sự day dứt cho hành động tội lỗi đó. Họ trả lời câu hỏi vì sao lại bán con một cách ngây ngô, hồn nhiên rằng, vì nhà quá khó khăn, không có điều kiện chăm sóc. Số tiền từ 60 đến 80 triệu đồng họ nhận lại, được dùng vào việc sửa nhà, mua lúa, mua xe máy và thậm chí là mua rượu uống.

Điểm chung của những người phụ nữ này là họ quá nghèo, quá khó khăn. Ruộng nương ít, không có việc làm ổn định, nguồn thu nhập của họ chỉ dựa vào cây măng trên rừng, con cá dưới suối. Cuộc sống túng thiếu, cộng với việc sinh nhiều con khiến họ nhắm mắt đưa chân bán đi đứa con mình mang nặng, đẻ đau để đổi lại một khoản tiền. 

Nhiều người bán con xong những tưởng sẽ thoát nghèo, nhưng cái nghèo vẫn mãi bám riết lấy họ. Số tiền bán con chẳng mấy chốc tiêu sạch và họ cũng dần quên đi hình ảnh thấp thoáng đứa con mình nỡ bán đi. Rồi đứa bé ấy khi lớn lên ở một đất nước xa lạ, có thể sẽ chẳng bao giờ biết bố mẹ mình là ai, và vì sao mình lại ra đời. Và nếu như những người phụ nữ này day dứt, hối hận về hành động “tàn nhẫn” mà mình gây ra, có thể chúng tôi đã bớt ám ảnh hơn. Đây là kỷ niệm buồn nhất mà tôi trải qua trong hơn 9 năm làm nghề.


CẢ ĐẠI GIA ĐÌNH CÁCH LY

(Phóng viên Thành Duy 
Phòng Thời sự - Chính trị - Báo Nghệ An)

Nếu như cả nước bắt đầu cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4/2020, thì ngay từ đầu tháng 3 gia đình tôi đã tự cách ly trước đại dịch Covid -19. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào thăm và làm việc tại Nghệ An. Tôi được phân công đưa tin hoạt động đoàn công tác của đồng chí Bộ trưởng. Sau khi đoàn công tác rời Nghệ An, báo chí đưa tin, chuyến bay từ Anh trở về Việt Nam trước đó vài ngày, Bộ trưởng ngồi cùng khoang với ca nhiễm Covid -19 thứ 17.

Lúc đó, vợ chồng tôi được cơ quan cho nghỉ tự cách ly, làm việc ở nhà. Do nhà ông bà, anh chị cũng ở trong một khuôn viên, hàng ngày tiếp xúc với nhau nên khi nghe thông tin, cả đại gia đình tôi đều được cơ quan cho nghỉ và “tự cách ly”. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào shipper.

Phóng viên Thành Duy (trái) tác nghiệp phỏng vấn trên tàu cứu hộ trên biển. Ảnh: PV

Lo lắng là có nhưng không hoang mang, mọi người trong gia đình động viên nhau tự cách ly để “nhỡ ra” sẽ không ảnh hưởng đến cộng đồng. Lũ trẻ con không phải đến trường thì tỏ ra thích thú nhưng người lớn thì bận bịu lo nhiều chuyện. Chưa bao giờ trong nhà tôi thấy nhiều gạo đến vậy, tủ lạnh cũng chất đầy thức ăn. Thậm chí, mọi người đã tính đến khả năng cả đại gia đình đi cách ly tập trung nên bà và chị dâu chuẩn bị rất nhiều thức ăn khô, và đến tận khi tôi viết những dòng này vẫn dùng chưa hết.

Bạn bè, đồng nghiệp xa, gần biết chuyện động viên, chia sẻ. Nhất là khi có thông tin xét nghiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các lần. Cứ mỗi lần nghe kết quả âm tính là cả nhà yên tâm hơn một chút. Tin nhắn điện thoại, facebook cũng ầm ầm đổ về thông tin. Rồi mọi việc cũng qua đi, cuộc sống dần trở lại bình thường. Đi làm được nửa tháng thì từ ngày 1/4, nước ta lại bắt đầu cách ly toàn xã hội. Lúc này, công việc cho tôi có dịp đến với các trung tâm cách ly đón công dân từ nước ngoài về nhưng có lẽ do có kinh nghiệm trước đó nên cả gia đình và bản thân cũng bình tĩnh, và tự có các biện pháp bảo vệ bản thân kỹ càng hơn.

Giờ đây, cả nước đã bước vào trạng thái bình thường mới, cuộc sống thường nhật của xã hội đã trở lại. Ngẫm lại, nghề báo cho tôi cơ hội có những trải nghiệm thú vị song cũng mang đến cả những bất ngờ. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp; cảm ơn đại gia đình ta đã luôn động viên, chia sẻ, sát cánh, kể cả những thời điểm tưởng chừng nguy nan nhất để tôi có thêm tự tin, động thực làm việc, sống với nghề báo.

TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ CỦA CUỘC SỐNG

(Phóng viên Thanh Lê
Phòng Thời sự - Chính trị - Báo Nghệ An)

Có lần tình cờ tôi được nghe người bạn đồng nghiệp nói chuyện về những việc làm thiện nguyện của nhóm “Nồi cháo yêu thương Thành Vinh”. Thông tin đó thôi thúc tôi tìm gặp được người trưởng nhóm để tìm hiểu và có bài viết về những hoạt động thiện nguyện của họ. Ấy vậy khi liên lạc với chị trưởng nhóm và đưa lời đề nghị, chị đã từ chối. Chị cho rằng, việc làm của nhóm là xuất phát từ tâm, là cái duyên gặp gỡ từ những tấm lòng nhân ái, là việc làm hết sức bình thường. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng dò hỏi được địa điểm tập trung của nhóm vào thứ Bảy hàng tuần. Đó là các bệnh viện ở Nghi Lộc, thành phố Vinh. Và tôi cũng coi mình như một thành viên.

Phóng viên Thanh Lê (phải) trao đổi với người dân ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh: P.V

Tham gia với nhóm mới thấu cảm lòng tốt của các thành viên. Họ gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề, hoàn cảnh sống, nhưng cùng tấm lòng thiện lương. Có những thành viên khuyết tật nhưng đến ngày nấu cháo vẫn vượt quãng đường 40 km bằng xe buýt; có người đi về bằng xe máy hơn 100 km; có những em sinh viên đi học về chạy vội lên nấu cháo mà cái bụng rỗng;... Sau mỗi chuyến đi như thế, ai cũng cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Bài viết “Trao yêu thương, lan tỏa yêu thương” của tôi đăng trên Báo Nghệ An cuối tuần cũng mong muốn gửi thông điệp về những việc làm thiện nguyện của nhóm để ngày càng có nhiều mảnh đời số phận, bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn được nhận sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng đồng thời mong muốn lan tỏa để ngày càng có thêm nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng xã hội.