Tổng thống Nga Vladimir Putin kể lại, ông đã tăng thêm 12kg trong quãng thời gian làm việc cho KGB ở Đông Đức nhờ thói quen uống bia cuối ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng làm việc cho cơ quan tình báo Liên Xô KGB trong giai đoạn 1975 – 1991. Mặc dù vậy, ông không phải là người thường xuyên khoe khoang về sự nghiệp tình báo của mình, đặc biệt trong những năm hoạt động ở cơ sở KGB tại Dresden (1985-1989), Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).
 
Gần như không có thông tin về các hoạt động mà ông Putin từng thực hiện nhiệm vụ hoặc tiếp xúc với các điệp viên nước ngoài tại đây. Tuy nhiên, tờ RBTH (một ấn phẩm của hãng truyền thông Rossiyskaya Gazeta thuộc quản lý của Chính phủ Nga) mới đây đã tiết lộ một số chi tiết thú vị về cuộc sống của nhà lãnh đạo Nga trong những năm tháng tình báo thanh niên.
 
nhung-nam-thang-nhoc-nhan-cua-diep-vien-putin-o-dong-duc.jpgTổng thống Putin trong những tháng ngày làm việc ở Đông Đức.

Thời điểm được cấp trên giao nhiệm vụ ở Đông Đức, ông Putin khi đó vẫn còn khá trẻ (33 tuổi). Tại thời điểm đó, ông đã kết hôn với người vợ cũ Lyudmila và họ đã có với nhau người con gái đầu lòng Maria.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại Học viện Tình báo Nước ngoài ở Matxcơva, ông thông thạo tiếng Đức và đứng trước hai lựa chọn.
 
Ông có thể chờ đợi thêm vài năm nữa để được giao nhiệm vụ ở Tây Đức hoặc có thể chọn làm việc ở Đông Đức ngay lập tức. Ông đã quyết định đi theo con đường thứ hai.
 
Trong cuốn sách First Person, Tổng thống Putin kể lại rằng, KGB khi đó quan tâm đến việc thu thập tất cả các thông tin liên quan tới đối thủ chiến lược là NATO.
 
Ông cho biết công việc của mình “khá thú vị” và liệt kê công việc của mình bao gồm: Cung cấp thông tin, thu thập tin tức và chuyển nhận dữ liệu về Matxcơva.
 
Nhà lãnh đạo Nga không kể nhiều về những năm tháng tình báo tuổi trẻ của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nhà nước Rossiya24 năm 2017, Tổng thống Putin nói rằng tất cả các công việc ông làm ở nước ngoài đều có liên quan đến tình báo phi pháp. Trong vai trò điệp viên KGB, ông thường liên lạc với các công dân bất hợp pháp và giúp họ giữ liên lạc với “đầu não”.

Tổng thống Nga hồi tưởng về những năm tháng trìu mến của mình ở Đức và nói rằng ông không quên những người bạn cũ tại đây. Năm 2017, ông đích thân đến thăm và chúc mừng “sếp cũ” ở KGB của mình là Lazar Moiseev nhân dịp sinh nhật lần thứ 90.
 
Thích uống bia Đức
 
Nói trong một cuộc phỏng vấn, vợ cũ của ông Putin - bà Lyudmila cho biết, gia đình của họ rất ấn tượng với sự sạch sẽ và quy củ của người Đức.
 
Đối với Putin, ông thừa nhận mình đã tăng thêm 12 kg, tất cả nhờ vào thói quen uống bia Đức vào cuối ngày như một cách thư giãn trong khoảng thời gian làm việc đầy nhọc nhằn cho KGB.
 
Sau khi về Nga, ông lại trở về trọng lượng cũ mà nhiều người so sánh vui rằng vì bia của Nga trong thập niên 1990 không tốt bằng bia Đức.
 
Tổng thống Nga và người vợ cũ Lyudmila.

Theo bà Lyudmila, gia đình họ thường ăn tối cùng các đồng nghiệp của ông Putin và những người Đức. Có nhiều điệp viên Stasi trong số đó vì CHDC Đức và Liên Xô là đồng minh. Các nhân viên an ninh mật của Đông Đức cũng sống ngay cạnh nhà ông Putin.

Nhà lãnh đạo Nga tiết lộ, gia đình ông khi đó cũng không được tận hưởng một cuộc sống dư dả. Tài sản đáng giá nhất mà họ phải tiết kiệm tiền mới mua được là một chiếc xe hơi, mà ở thời điểm đó nó khá có giá trị ở các nước xã hội chủ nghĩa.
 
Bà Lyudmila cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các điệp viên Stasi có vẻ kiếm tiền nhiều hơn các đồng nghiệp KGB của họ.
 
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức bước vào tiến trình thống nhất.
 
Ngày 5/12/1989, ông Putin chứng kiến đám đông người dân tức giận tràn vào văn phòng địa phương của bộ An ninh Nhà nước nằm gần trụ sở KGB.
 
Hiểu rằng cơ quan của mình cũng sắp sửa bị người dân chiếm đóng, chàng điệp viên Putin khi đó đã cố gắng liên lạc với tổng bộ KGB tại Moscow nhưng không ai trả lời. Vì vậy, ông đã hành động theo quyết định của riêng mình.
 
Siegfrid Dannat, một trong những người có mặt trong đám đông khi đó nhớ lại, một sĩ quan người Nga rời khỏi tòa nhà và tiến tới cánh cổng khép kín.
 
Nhân vật này nói rằng mọi người nên tránh xa khỏi tòa nhà vì đây là lãnh thổ quản lý của Liên Xô và lực lượng bảo vệ vũ trang sẽ nổ súng nếu ai có ý định xông vào.
 
Dannat cho biết, người nhân viên đó rất lịch sự và nói tiếng Đức tốt. Lời nói của ông đã trấn an được đám đông (những người không muốn đổ máu) và rời khỏi trụ sở KGB.
 
Không ai ngờ rằng viên sĩ quan đó sau này trở thành Tổng thống Nga.
 
Chỉ vài ngày sau đó, ông và các đồng nghiệp đã hủy toàn bộ tài liệu liên quan tới hoạt động của KGB ở Đông Đức. Các văn bản có giá trị nhất được chuyển đến Moscow, còn lại đều bị đốt cháy.
 
“Chúng tôi đốt cả ngày lẫn đêm”, Tổng thống Putin kể lại. “Tài liệu bị đốt nhiều đến mức mà lò đốt cũng hỏng”.
 
Ngay sau đó, ông và gia đình rời khỏi Dresden và sứ mệnh của điệp viên Putin tại Đông Đức kết thúc, đồng thời chấm dứt sự hiện diện của KGB tại đây.
 
Theo Kienthuc.net.vn