(Baonghean) - Cứ nghĩ chỉ có giáo viên cắm bản, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa mới vất vả vận động học sinh bỏ học giữa chừng. Nhưng, ngay ở Thị xã biển Cửa Lò, các thầy, các cô Trường THCS Nghi Thủy vẫn ngày đêm bền bỉ, cần mẫn với sự nghiệp trồng người, tạo dựng cho các em một tương lai tươi sáng, giúp các em thoát khỏi vòng luẩn quẩn thất học - đói nghèo...
Ở xã miền biển Nghi Thủy, nhiều học sinh lớp 7, lớp 8 bỏ học giữa chừng với vô vàn lý do. Cô Nguyễn Thị Thu - giáo viên Văn, Chủ tịch công đoàn nhà trường cho biết: "Năm 2006 là thời điểm học sinh bỏ học ồ ạt, nhiều lớp có đến 5 - 7 học sinh bỏ học không có lý do, toàn trường có khoảng vài chục em bỏ học. Có em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn bỏ học theo cha, theo anh đi biển mưu sinh, nhưng cũng có nhiều em ham chơi, chán học nên bỏ học theo bạn bè đi lang thang, có em do học lực kém nên không muốn đến trường...
Trước tình hình đó, nhà trường đã thành lập ban vận động học sinh bỏ học trở lại trường, rà soát số lượng học sinh bỏ học, phân tích nguyên nhân, phân loại đối tượng và phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, khối xóm đến từng nhà vận động". Các thầy, cô phải tranh thủ giờ nghỉ giải lao, sau mỗi buổi dạy tìm đến nhà từng em thuyết phục, ra bến cá, ra chợ gặp phụ huynh giải thích, vận động.
Một tiết học của cô trò Trường THCS Nghi Thủy
Sau một thời gian kiên trì, bền bỉ "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đã có nhiều em đồng ý trở lại trường nhưng với điều kiện "chỉ đi học vào những lúc rảnh". Vậy là những lớp học bổ túc ban đêm ra đời. Đội ngũ giáo viên là đảng viên, cốt cán chuyên môn là những người đi đầu. Ban đêm, những phòng học của trường sáng ánh điện, thầy cô đến sớm hơn học sinh để đón các em vào lớp, vừa giảng bài vừa làm công tác tuyên truyền, vận động. Giáo án của những lớp học này cũng khá "đặc biệt" so với lớp học chính khóa. "Có nhiều em bỏ học đã lâu, việc học đứt quãng nên phải dạy theo kiểu "hổng chỗ nào bù lấp chỗ đó", để các em ổn định tư tưởng, gắn bó với lớp, mỗi giáo viên phải tạo không khí vui vẻ, thoải mái trên lớp, không gây áp lực cho học sinh. Nhiều em ở xa trường, giáo viên còn nhận trách nhiệm đưa đi, đón về..." - thầy giáo Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Khó có thể nói hết những vất vả của đội ngũ giáo viên thời điểm này. Sau các buổi dạy trên lớp, những giáo viên ở gần tất tả về lo cơm nước cho gia đình, vội vàng đến trường cho kịp lên lớp vào buổi tối. Những giáo viên ở xa đành ăn bánh mỳ, mỳ tôm để ở lại trường dạy lớp bổ túc. Vất vả, nhưng các cô, các thầy bằng tinh thần tự nguyện chứ không hề có một khoản phụ cấp nào.
Nhiều người còn ứng tiền lương mua sách vở cho học sinh, phát thưởng cho những em đến lớp chuyên cần. Khó khăn nhất là vào mùa biển lặng, số học sinh nghỉ học đi biển gia tăng, những lúc đó, thầy cô ngậm ngùi chấp nhận, chờ những ngày biển động để tiếp tục chương trình. Dù đứt quãng, dù việc học chắp vá nhưng những lớp học ban đêm vẫn duy trì đều đặn. Nhờ đó, nhiều học sinh từng bỏ học đã tốt nghiệp THCS học lên THPT, nhiều em sau khi hoàn thành chương trình đã đi học nghề và có em đi xuất khẩu lao động.
Từ năm 2006 đến nay, nhà trường đã mở được 5 lớp bổ túc ban đêm cho gần 200 em. Hiện nhà trường đang tiến hành rà soát các đối tượng bỏ học giữa chừng, vận động các em trở lại trường và mở tiếp một lớp bổ túc cho các đối tượng này.