(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh có phong trào chăn nuôi đứng đầu cả nước, hiện có trên 730.000 con bò, 1,2 triệu con lợn, 15 triệu con gia cầm, có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Đây là điều kiện thuận  lợi để phát triển chương trình khí sinh học và  phong trào xây dựng hầm khí bioga đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón cho sản xuất, năng lượng dùng trong sinh hoạt và thắp sáng.
 
Tại trang trại lợn giống siêu nạc của anh Nguyễn Văn Thành ở xã Mã Thành được đầu tư quy mô lớn trên 7 tỷ đồng với trên 600 lợn mẹ siêu nạc, mỗi tháng xuất bán gần 1000 lợn con. Trong năm 2011 hệ thống xử lý môi trường của trang trại cũng chưa đạt hiệu quả nên nhiều bà con ở xã Mã Thành đã có ý kiến. Anh Thành đã quyết tâm tự bỏ tiền vốn xây dựng hầm chứa bioga dung tích trên 5000 m3, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Hầm bioga đã đáp ứng được nhu cầu sưởi ấm lợn trong mùa đông, (giảm chi phí khoảng 14 triệu đồng tiền sưởi ấm bằng điện).

Gia đình chị Phan Thị Thương ở xóm 3 Thị trấn Yên Thành trước đây nuôi lợn nguồn phân chủ yếu xả thải ra mương nước gây ô nhiễm môi trường, khu dân cư có ý kiến nhưng chị Thương vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Trong năm 2011 được cán bộ khuyến nông của huyện, Thị trấn tuyên truyền về dự án khí sinh học, gia đình chị đã xây dựng bể khí biogas trị giá trên 10 triệu đồng, với dung tích hơn 11 m3. Chị Thương cho biết: Từ khi đưa vào sử dụng bể biogas toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom để làm chất đốt và thắp sáng. Nhờ từ khí sinh học mà  hàng tháng đỡ được khoản chi phí chất đốt từ 600.000 - 800.000đồng/tháng. Ông Phan Doãn Hữu- Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Thành nói: Đến thời điểm này Thị trấn Yên Thành có gần 40 bể biogas (chủ yếu là các hộ nuôi lợn có quy mô từ 10-20 con lợn), đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không còn nạn xả phân lợn ra khu dân cư như trước đây.

774560_small_73056.jpg

Hầm biogas của gia đình chị Phan Thị Thương ở xóm 3, TT. Yên Thành

Anh Nguyễn Văn Huệ cán bộ khuyến nông Yên Thành cho biết: Tại nhiều làng quê trước đây bà con thường ủ phân chăn nuôi để bón ruộng, nhiều hộ không sử dụng phân bón ruộng thì đổ ra đường hoặc mương máng gây ô nhiễm môi trường. Chương trình xây dựng hầm biogas được triển khai đã giảm thiểu được vấn nạn này. Hiện Yên Thành có gần 900 bể biogas, nhiều năm xây dựng vượt chỉ tiêu, như các năm 2006, 2007 đều xây dựng được trên 120 bể, nhiều xã trọng điểm về chăn nuôi triển khai khá tốt như xã Nam Thành, Liên Thành, Xuân Thành, Phú Thành, Đồng Thành. Riêng trong năm 2012 đang phấn đấu đạt chỉ tiêu tỉnh giao là 100 bể.
 
Được biết, chương trình khí sinh học (KSH) được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I là từ năm 2003-2006, giai đoạn kế tiếp 2007-2012. Tính từ năm 2003 đến thời điểm này toàn tỉnh đã xây dựng được 7.791 công trình KSH đạt tiêu chuẩn, huyện có tiềm năng phát triển công nghệ KSH như Diễn Châu có hơn 1.300 bể KSH, Quỳnh Lưu 901 bể,   Nghi Lộc 573 bể, Nam Đàn 602 bể, Thanh Chương 709 bể ...
 
Đây là dự án được đánh giá cao về hiệu quả và lợi ích thiết thực mà từ công nghệ KSH đem lại; Từng bước xây dựng các mô hình chăn nuôi sạch, nông thôn sạch giảm thiểu ô nhiễm do chất thải chăn nuôi gây nên; Tạo nguồn năng lượng tái sinh rẻ và phục vụ đời sống con người, tăng lợi ích kinh tế cho các hộ chăn nuôi, thông qua giảm chi phí về nhu cầu chất đốt phục vụ sinh hoạt. Tạo nguồn phân bón hữu cơ vi sinh, giảm bớt việc sử dụng phân bón hoá học cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch. Giảm sức lao động nặng nhọc, vất vả cho phụ nữ, trẻ em trong công tác nội trợ.
 
Phát triển hầm khí biogas kết hợp chăn nuôi là giải pháp đa tiện ích góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế chặt phá rừng làm chất đốt, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Tại thời điểm hiện nay khi giá gas tăng cao thì khí sinh học là một giải pháp giúp người dân tiết kiệm  chi phí chất đốt.


Văn Trường