Phanh tay là một hệ thống không thể thiếu trên mỗi chiếc ô tô, nó có công dụng giữ cho xe đứng yên mỗi khi đỗ xe, ở những nơi có độ dốc khác nhau.
Hiện nay, ngoài một số mẫu xe mới, xe sang được trang bị hệ thống phanh tay điện tử (Electronic Parking Brake) điều khiển tự động, phần lớn ô tô phổ thông tại Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống phanh tay cơ khí truyền thống. Phanh tay thường được thiết kế dạng tay nắm, bố trí gần bệ tì tay trung tâm giữa ghế lái và ghế phụ. Ngoài ra, trên một số xe số tự động, phanh tay được thiết kế theo kiểu nút bấm, đặt gần bệ cần số hoặc kiểu bàn đạp (ở dưới chân trái).
Với các xe sử dụng phanh tay cơ khí. Khi nhấn nút đồng thời kéo tay nắm, thông qua hệ thống dây cáp kéo kết nối 2 bánh sau và thanh đẩy (đòn quay), sẽ đẩy hai guốc phanh và má phanh áp sát vào tang trống, tạo nên lực ma sát, làm cho tang trống và moay-ơ bánh xe ngừng quay. Nếu bánh sau của xe dùng cơ cấu phanh đĩa, phanh tay có thể kết hợp tận dụng luôn má và đĩa cơ cấu phanh chính để hoạt động.
Trên thực tế, hiện nay không ít lái xe đặc biệt là những “lái mới” khi cho xe vận hành hoặc dừng đỗ xe, thường bất cẩn quên hạ/kéo phanh tay. Điều này, nếu diễn ra nhiều lần sẽ khiến cho xe bị hư hại. Dưới đây là những vấn đề về phanh tay ô tô mà ‘tài mới’ thường mắc phải:
Quên hạ hoặc hạ chưa hết thắng tay
Đối với trường hợp người sử dụng ô tô quên hạ hoặc hạ chưa hết thắng tay và cho xe vận hành. Lúc này, guốc phanh và má phanh vẫn còn áp sát vào tang trống (hoặc đĩa phanh). Ma sát lớn giữa má phanh và tang trống sẽ sinh nhiệt lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể bị cháy. Thông thường, khi gặp trường hợp này, một số xe thường phát tín hiệu thông qua đèn cảnh báo bật sáng trên đồng hồ trung tâm để nhắc nhở người lái. Trong trường hợp người lái vẫn không để ý đèn cảnh báo, sau khi cho xe chạy sẽ cảm nhận được độ nặng của xe kèm theo mùi khét từ hệ thống phanh.
Bên cạnh đó, các hệ thống cảm biến gắn trên cụm phanh như hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng có thể bị hỏng. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu phanh dẫn đến hậu quả là phanh mất tác dụng.
Hạ phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Bên cạnh việc quên hạ hoặc hạ chưa hết thắng tay, theo thói quen sử dụng ô tô hoặc sơ xuất, một số tài xế mới thường hạ thắng tay khi xe chưa dừng lại hẳn. Thật ra, phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ để giữ xe đứng yên khi xe đã dừng. Trong trường hợp xe đang di chuyển hay chưa dừng lại hẳn, nếu tài xế sơ suất kéo phanh tay, lực phanh tác động lên 2 bánh sau có thể dẫn đến hiện tượng trượt bánh, gây nguy hiểm.
Việc sử dụng phanh tay khi xe đang chạy, chỉ được các tay lái chuyên nghiệp áp dụng để trình diễn những màn drift xe. Tuy nhiên, các xe dùng để biểu diễn thường được “độ” lại hệ thống phanh tay để tạo ra lực phanh lớn hơn.
Với những mẫu xe đời cũ, trong trường hợp bất khả kháng khi phanh chân gặp sự cố, giải pháp được nhiều người sử dụng là kéo phanh tay, nhưng do lực tác động của phanh tay yếu hơn hoặc má phanh bị mòn, nên rất khó phát huy tác dụng.
Quên kéo phanh tay khi đỗ xe
Một trong những lỗi mà các lái xe thường gặp chính là việc quên kéo phanh tay khi đỗ xe. Điều này có thể gây ra những va chạm, tai nạn ngoài ý muốn. Một số tài mới thường quên lãng hoặc chủ quan cho rằng khi đỗ xe, chuyển cần số về P thì xe sẽ đứng yên. Tuy nhiên, dù cần số đã chuyển về P, xe không thể di chuyển do hộp số giữ lại, nhưng có nhiều trường hợp xe đỗ tại những địa điểm có độ dốc lớn, xe chịu tải nặng hay vì lý do nào đó có thể gây sự cố, số P mất tác dụng và bánh răng cóc mòn nhanh. Lúc này nếu không gài thắng tay sẽ làm xe bị trôi và rất dễ xảy ra va chạm.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi sử dụng ô tô các lái xe nên tập thói quen kéo phanh tay khi dừng đỗ xe.