Dưới đây là một số thông tin bạn cần trang bị thêm để bảo vệ mình và gia đình khỏi các nguy cơ nhiễm độc từ thực phẩm.
Rau muống
Lâu nay, người dân vẫn bức xúc vì tình trạng rau muống bị ô nhiễm nặng.
Không chỉ trồng, thả tại những bờ kênh, hồ ô nhiễm, tù túng, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, rau muống còn bị tưới hàng đống hóa chất, nhớt thải để rau xanh mướt mà không có sâu.
Bởi vậy tình trạng rau muống nhiễm chì, nhiễm hóa chất độc hại là tình trạng tất nhiên mà người tiêu dùng dẫu biết vẫn phải nhắm mắt để ăn.
Cách nhận biết:
Thân rau muống to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen do bị bón nhiều đạm hoặc phân bón.
Khi luộc rau, bạn sẽ thấy nước luộc lúc nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn đen kết tủa. Những loại rau này khi ăn xong bạn sẽ thấy có vị chát.
Để chọn rau an tàn bạn nên chọnmớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng ăn lại rất giòn, ngon. Nếu ngắt cuống sẽ có vệt nhựa loãng.
Mướp đắng
Mướp đắng là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng vì nó mát và bổ. Hơn nữa nhiều người còn dùng nó như một loại thực phẩm chức năng để chữa bệnh, vì thế mướp đắng là mặt hàng bán rất chạy.
Nhưng mướp đắng cũng đã bị "vạch mặt" là loại quả chứa nhiều thuốc bảo vệ thực phẩm, chất kích thích do người trồng hám lợi để phun vào quả để thu lời.
Cách nhận biết:
Khi mua, tốt nhất bạn nên tìm những quả mướp đắng nhỏ, dài, trên thân có nhiều sớ gân nhỏ li ti. Quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt, thân phình nhưng sớ gân bóng loáng là những quả lạm dụng hóa chất làm tươi.
Các loại quả đậu
Các loại quả đậu nhưđậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván…chứa cực nhiều hóa chất bởi người dân lạm dụng phân đạm, thuốc trừ sâu khi trồng trọt. Loại quả này rất thu hút sâu nên người trồng thường vội vàng thu hoạch ngay sau khi phun thuốc để tránh thiệt hại.
Cách nhận biết:
Khi nhìn quả bóng nhẫy, ít lông tơ là do được bón nhiều đạm hoặc phun quá nhiều phân bón lá.
Nếu quả đậu không có vết sâu bệnh là do đã phun quá nhiều thuốc trừ sâu bệnh và không đảm bảo thời gian cách ly.
Bạn nên chọn đậu có cuống màu xanh tươi, thân mềm, hạt vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ.
Hoa quả:
Một số loài quả như cam, quýt, táo, lê, mận, đào… thường được người ta sử dụng hóa chất bảo quản để chúng lâu hỏng.
Phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và một số hoá chất độc hại khác. Hóa chất được nói đến nhiều là chất chống nấm dùng trong xây dựng rẻ tiền.
Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4 D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hoá chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước rất nhanh.
Thậm chí có nơi người ta còn mua hoá chất rẻ tiền không nguồn gốc, pha trộn với liều lượng tuỳ thích để bảo quản trái cây, miễn là sản phẩm càng tươi lâu, càng bóng bảy càng tốt.
Cách nhận biết
Khi bạn nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng tức là quả đó đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.
Riêng đối với quả mít và sầu riêng… Khi quả chín nhưng múi lại không có mùi thơm đặc trưng là do chúng đã được tiêm hóa chất kích thích cho nhanh chín.
Thịt lợn
Tình trạng thịt lợn chứa dư lượng kháng sinh và chất cấm đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo.
Thịt lợn nhiễm bẩn từ khâu chăn nuôi, khi người nông dân do hám lời đã không tiếc tay "đầu độc" lợn bằng đủ loại chất kích thích nhằm tăng trọng lượng cho lợn.
Đến khâu giết mổ, lợn lại bị tiêm thuốc ngủ, bơm nước nhằm tăng trọng lượng để người bán dễ kiếm lời.
Trong quá trình mua bán, thịt lợn cũng "chạy" qua hàn the, hóa chất bảo quản để giữ màu tươi lâu, không bị thiu thối đến hàng tuần.
Cách nhận biết
Khi thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt do người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid.
Theo Alobacsi.vn