Hiện nay, sức mạnh hạt nhân của nước Anh hoàn toàn dựa vào 4 tàu ngầm lớp Vanguard, mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa hạt nhân đa đầu đạn Trident II. Tại mọi thời điểm, luôn có ít nhất 1 chiếc Vanguard trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tuần tiễu Đại Tây Dương. Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc Vanguard (và kho vũ khí nó mang theo) nếu Đảo quốc bị bất ngờ tấn công hủy diệt và Vanguard không còn ai để nhận mệnh lệnh?

Anh là quốc gia thứ ba trên thế giới thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân (VKHN) và là một trong 5 nước được Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) công nhận quyền sở hữu loại vũ khí này. Cũng như các cường quốc hạt nhân khác, Anh sở hữu VKHN với mục đích răn đe, vì ai cũng hiểu tấn công hạt nhân đồng nghĩa với sự hủy diệt hoàn toàn của tất cả các bên và có thể cả thế giới.

Do vậy, nước Anh đương nhiên phải có những quy trình kiểm soát ngặt nghèo để bảo đảm những quả Trident không được phóng do “nhầm lẫn” hay do “một phút bốc đồng”.

 
Một chiếc tàu ngầm Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Royalnavy.mod.uk.

 Là nước quân chủ lập hiến, Thủ tướng Anh nắm trong tay quyền lực rất lớn, bao gồm cả quyền ra lệnh sử dụng VKHN (mặc dù Nữ hoàng vẫn là thống soái các lực lượng vũ trang). Trong điều kiện bình thường, Thủ tướng ra lệnh khai hỏa bằng cách gửi một mật mã đến Sở chỉ huy Northwood của Hải quân Hoàng gia. Sau khi xác thực kỹ càng, Northwood sẽ chuyển mệnh lệnh đến các tàu ngầm Vanguard đang trực chiến trong lòng Đại Tây Dương. Cũng cần nhấn mạnh rằng, mọi bước trong quá trình khởi xướng tấn công hạt nhân đều cần có hai người thực hiện (two-man rule), kể cả mệnh lệnh của Thủ tướng.

Nếu đủ cơ sở để tin rằng Thủ tướng ra lệnh trong trạng thái mất lý trí hay không có lý do xác đáng, Tổng Tham mưu trưởng có thể dùng các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa mệnh lệnh này và tránh một cuộc thảm sát kinh hoàng. Các Thủ tướng Anh cũng chỉ định một quan chức cấp cao trong Chính phủ đóng vai trò thay thế nếu Thủ tướng mất khả năng ra quyết định, ví dụ như bị ám sát.

Trong điều kiện bình thường thì như vậy. Nhưng nếu nước Anh chịu tấn công trước và bộ máy chính quyền hoàn toàn bị xóa sổ thì sao? Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc Vanguard vẫn còn ngoài khơi và hàng chục quả Trident mà chúng mang theo? Đây là lý do "Những lá thư cuối cùng” (the Letters of Last Resort) trở nên cần thiết.

"Những lá thư cuối cùng" là tên dùng để chỉ 4 bức thư có nội dung giống nhau, đặt trên 4 tàu ngầm lớp Vanguard. Trong thư là chỉ thị của Thủ tướng Anh về hành động phải làm một khi Chính phủ Anh không còn tồn tại và Thủ tướng (cũng như người chỉ định thay thế) đã thiệt mạng. Chỉ thị này có thể rơi vào một trong 4 loại sau: Đáp trả bằng vũ khí hạt nhân; không đáp trả; thuyền trưởng tự phán xét; trao quyền kiểm soát con tàu cho một nước đồng minh (có thể là Hoa Kỳ hoặc Ô-xtrây-li-a).

Khi một Thủ tướng Anh mới nhậm chức, việc đầu tiên ông (hay bà) này phải làm là tự tay viết 4 "Lá thư cuối cùng". Với nhiều tân thủ tướng, đây mới là lúc họ cảm nhận hết quyền lực và trách nhiệm của chiếc ghế họ vừa ngồi vào. Thậm chí, vài vị còn bị sốc khi phải đưa ra một lựa chọn có thể ảnh hưởng tới hàng triệu mạng sống ngay trong ngày đầu tiên tại vị.

Những bức thư được bảo quản trên tàu ngầm bằng 2 lớp két sắt. Mã mở két do 2 người khác nhau nắm giữ. Thường là thuyền trưởng giữ mã lớp ngoài, một sĩ quan chỉ huy khác giữ mã lớp trong. Khi Vanguard mất liên lạc với đất liền trong một thời gian dài, thuyền trưởng sẽ thực hiện hàng loạt bước kiểm tra trước khi khẳng định nước Anh đã chịu một đòn hạt nhân hủy diệt (bao gồm xác định đài BBC Radio 4 ngừng phát sóng trong tối thiểu 4 giờ liên tục). Chỉ khi đó, "Lá thư cuối cùng" mới được mở và đây cũng chính là mệnh lệnh cuối cùng của Chính phủ Anh.

Cho đến nay, chưa bức thư nào được tiết lộ nội dung vì chúng đều bị thiêu hủy ngay khi một Thủ tướng Anh hết nhiệm kỳ. Người đầu tiên lên tiếng (một cách không trực tiếp) về nội dung là Thủ tướng xứ sở Sương mù giai đoạn 1976-1979, Ngài Ca-la-gân (Lord Callaghan). Ông đã nói trong một buổi phỏng vấn với sử gia Pi-tơ Hen-nét-xi (Peter Hennesy) như sau:

“Phải sử dụng VKHN tức là mục tiêu răn đe đã thất bại. Thực sự thứ vũ khí này không có ý nghĩa nào khác ngoài răn đe. Nhưng, nếu hoàn toàn không còn lựa chọn khác, tôi sẽ sử dụng nó! Tôi cũng nói với anh thế này, giả sử bằng cách nào đó tôi sống sót sau khi mệnh lệnh được thực hiện, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân”.

Theo qdnd.vn

TIN LIÊN QUAN