Tuyên bố trên do ông Sergey Chemezov, Tổng Giám đốc Tập đoàn “Rostex” (Tập đoàn Công nghệ Nga) đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí mới đây. Theo đó, cho dù A rập Xê út rất quan tâm và muốn mua loại vũ khí này của Nga nhưng tổ hợp tên lửa Iskander của Nga “không phải để xuất khẩu”.
Trả lời câu hỏi vì sao Nga không xuất khẩu loại vũ khí rất được nhiều quốc gia quan tâm này, ông Sergey Chemezov khẳng định: “Đây là loại vũ khí tấn công nguy hiểm, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Ả rập Xê út thường xuyên bày tỏ sự quan tâm đến việc mua loại vũ khí này nhưng Iskander nằm trong danh mục các loại vũ khí cấm xuất khẩu và chúng tôi không định sẽ thực hiện bất cứ ngoại lệ nào”.
Tuyên bố này là lời bác bỏ hoàn toàn tuyên bố trước đó của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất khẩu vũ khí Nga “Rosoboronoexport” Igor Sevastianov được đưa ra ngày 3/7/2015 về việc Nga đã sẵn sàng cung cấp cho Ả rập xê út các tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch Iskander.
Tháng 4/2016 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải đoạn video về việc Nga phóng thành công các tên lửa có cánh từ tổ hợp Iskander-M.
Được biết, Iskander (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch được Nga nghiên cứu, phát triển từ cuối những năm 1980, đầu nhưng năm 1990 nhằm thay thế cho các tổ hợp “Tochka” và “Tochka-U”.
Được biên chế vào kho vũ khí của Quân đội Nga từ năm 2006, Iskander sử dụng nhiên liệu rắn một tầng dùng thuốc phóng rắn, dẫn quán tính trong suốt đường đạn với đầu dò quang tuyến dùng cho pha cuối, mang theo đầu nổ liền khối dạng chùm đạn, phá mảnh hoặc xuyên phá. Trang thiết bị biên chế trong tổ hợp gồm có: các xe mang phóng tự hành 9P78E; các xe chở đạn 9T250E; xe chỉ huy; xe đảm bảo tham số phóng; xe bảo dưỡng kỹ thuật; xe hỗ trợ khác.
Iskander-M là một biến thể hiện đại hóa sâu của tổ hợp tên lửa Iskander, được Nga sử dụng để sẵn sàng đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang xây dựng tại Châu Âu.
TIN LIÊN QUAN |
---|