(Baonghean) - Thực hiện Kế hoạch 499/KH-BCHBP của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An về “Phổ biến giáo dục PLBG cho học sinh lớp 9 các trường THCS các xã biên giới”, thời gian qua, CBCS các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp với các trường THCS trên địa bàn xây dựng hệ thống giáo án, mô hình học cụ,... phục vụ công tác giảng dạy. Đây là cách làm mới, sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức cho các em về quốc gia, quốc giới, từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Biên giới quốc gia trong cộng đồng dân cư.

Sau giờ học lý thuyết về các khái niệm lãnh thổ, biên giới quốc gia, cũng như dấu hiệu nhận biết các hệ thống biển báo tên khu vực biên giới,... học sinh lớp 9C trường THCS dân tộc bán trú Nậm Cắn được thiếu úy Dương Ngọc Mạnh Tiến, đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) đưa đi thăm quan những đoạn đường biên, mốc giới và các hoạt động qua lại tại cửa khẩu. Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình phổ biến giáo dục pháp luật biên giới cho học sinh lớp 9 đã được CBCS Đồn biên soạn.  
images969178_pbgdpl4.jpgLớp học Luật Biên giới quốc gia tại Trường THCS Nậm Giải (Quế Phong).
 
Em Lầu Bá Giải cho biết: “Ngoài những giờ lý thuyết trên lớp, những buổi ngoại khóa như thế này đã mở ra trước mắt em và các bạn trong lớp bao nhiêu điều mới lạ về ý nghĩa những dấu hiệu, ký hiệu của đường biên mốc giới. Còn em Lầu Y Mái thì cho hay: Qua lời giới thiệu của thầy, cột mốc biên cương giờ đây không chỉ còn là những khối xi măng vô tri vô giác, mà nó đã trở nên sống động và thiêng liêng, là dấu hiệu khẳng định về sự trường tồn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của mảnh đất thân yêu hình chữ S. Đó là kết quả của hàng nghìn năm đấu tranh, dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
 
Theo thiếu úy Dương Ngọc Mạnh Tiến, để chương trình giảng dạy hiệu quả,  Ban chỉ huy đồn và Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với từng đối tượng học sinh. Đồng thời, tìm hiểu, nắm đặc điểm, hoàn cảnh gia đình của các em để tuyên truyền sao cho hiệu quả. Bởi các em cũng chính là “cầu nối” đưa những kiến thức, hiểu biết về luật biên giới đến những người thân trong gia đình, dòng họ.
 
Tương tự, tại Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Quế Phong), sau khi tiếp thu kế hoạch, Ban chỉ huy đồn đã thống nhất với Ban giám hiệu 2 trường THCS Hạnh Dịch và Nậm Giải triển khai thành lập tổ giảng dạy. Tiếp đó, đơn vị đã nghiên cứu xây dựng giáo án, nội dung giảng dạy với mục tiêu “Phải dễ học, dễ nhớ và phù hợp” với học sinh lớp 9.  Để các em dễ tiếp thu, CBCS Đồn còn chuẩn bị các mô hình, học cụ, như: sơ đồ biên giới trên địa bàn đơn vị phụ trách; vị trí các biển được cắm trong khu vực biên giới; sơ đồ các loại biển, bảng vành đai biên giới, biển vùng cấm; mô phỏng các cột mốc và vị trí của các cột mốc... Tổ chức tham quan thực tế các biển báo được cắm tại khu vực biên giới, nội quy ra vào khu vực biên giới và các hoạt động tuần tra, kiểm soát. Lồng ghép vào các chương trình này còn kết hợp kể chuyện truyền thống của BĐBP và nhân dân địa phương trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ biên giới.
 
Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 tại các trường THCS khu vực biên giới được BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu triển khai xuất phát từ thực tế Nghệ An có đường biên giới đất liền tiếp giáp 3 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay của nước bạn Lào. Khu vực biên giới có 27 xã/318 thôn, bản giáp biên thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương, dân số trên 12 vạn người, gồm các thành phần dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Tày Poọng và tộc người thiểu số Đan Lai, đời sống còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, nhận thức về quốc gia, quốc giới và ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế, một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ... Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao mặt bằng dân trí, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân tại khu vực biên giới được xác định là việc làm cần thiết. Trong đó, đối tượng của chương trình hướng đến là các em học sinh lớp 9, đây là đối tượng dễ tiếp thu. Các em sẽ là “cầu nối” để chuyển tải, tạo sức lan tỏa đến người thân, cộng đồng dân cư. Sau hơn 5 năm triển khai, cho đến nay, đã tổ chức được 316 lớp/10.086 học sinh tham gia, trong đó tổ chức được 2.944 buổi học lý thuyết, 232 buổi học thực hành, đạt 97% so với thời gian quy định theo kế hoạch; qua kiểm tra nhận thức, viết bài thu hoạch có 100% học sinh đạt yêu cầu, 61,9% đạt khá, giỏi.
 
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Việt Hà - Phó Chính ủy BCH Biên phòng tỉnh, phấn khởi: Với kết quả công tác PBGDPL cho học sinh lớp 9 các trường THCS xã biên giới đạt được trong 5 năm qua, đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về biên giới nói riêng của các em học sinh, cũng như quần chúng nhân dân ở địa bàn biên giới. Đáng nói, nhiều em đã trực tiếp vận động các thành viên trong gia đình, người thân trong dòng họ, thôn, bản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về biên giới, không tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, không vượt biên trái phép... Kịp thời cung cấp các nguồn tin có giá trị, giúp bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng vận động 1.806 hộ/7.335 khẩu không di dịch cư tự do, vận động giao nộp được 69 khẩu súng tự chế, 11 quả lựu đạn, vận động được 135 đối tượng nghiện hút đi cai, giáo dục 101 thanh niên chậm tiến ở các địa bàn... 
 
Bài, ảnh: Quảng An