Vụ tranh chấp quanh phí tác quyền nhạc Trịnh vừa qua cho thấy, nhiều nguyên tắc của thỏa thuận dân sự trong việc thu phí tác quyền đã bị vi phạm, và sẽ còn tiếp tục bị vi phạm.
Thế nhưng, xét trên bản chất của một thỏa thuận dân sự, người ta có thể đi tới cái nhìn sắc nét và rõ ràng hơn đối với một vụ việc mà cái lý đúng đã được sử dụng một cách tinh vi để khỏa lấp cái lý sai, cũng như, lợi ích chung được nhân danh để thỏa mãn lợi ích riêng.
Nguyên tắc tự do
Phía ban tổ chức liveshow Khánh Ly cho rằng họ bị Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) đề nghị một mức phí tác quyền cao gấp hàng chục lần so với các chương trình có cùng điều kiện tương đương về giá vé, địa điểm và quy mô tổ chức.
Trên góc độ thị trường mua bán ca khúc tự do, ai cũng biết nếu không thuận mua vừa bán thì người mua hoàn toàn có thể tìm mua ở chỗ khác. Nhưng ở đây, ca khúc là một "món hàng" mà tính độc đáo, duy nhất và không thể thay thế của nó dễ dàng đặt người mua vào vị thế phải cần tới người bán.
Trong trường hợp ca sĩ Khánh Ly, sự nghiệp sân khấu của bà gắn liền không chỉ với riêng một ca khúc Trịnh Công Sơn, mà là gắn với...toàn bộ gia tài âm nhạc của ông. Thật khó tưởng tượng bà lên sân khấu mà khán giả ở dưới lại không chờ đợi bà hát một ca khúc nhạc Trịnh nào.
Như vậy, người ta có thể thấy pháp luật về bản quyền âm nhạc ở VN - vốn mới đi vào thực tế từ hơn một thập niên trở lại đây - được xác lập trên những điều kiện phụ thuộc, khó có tự do cho người mua. Để tránh tình trạng này, cũng như tránh việc mỗi lần sử dụng phải thương lượng lại phí tác quyền, ngành công nghiệp thu âm và biểu diễn của thế giới giải quyết bằng cách mua độc quyền ca khúc. Tác giả ca khúc chỉ còn lại quyền nhân thân, không còn quyền sở hữu.
Riêng trong hoàn cảnh VN, những tranh chấp về phí tác quyền hiện rất dễ xảy ra trong những trường hợp mà các điều kiện phụ thuộc dẫn đến bên bán hoặc bên mua thiếu tự do trong thỏa thuận, đặc biệt là trong các mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa giọng ca và tác phẩm có từ trước thời điểm năm 2000.
Nguyên tắc hòa giải
Đây là nguyên tắc được pháp luật về quan hệ dân sự khuyến khích thực thi giữa hai bên và nghiêm cấm việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia giải quyết tranh chấp dân sự.
Việc tranh chấp quanh các thỏa thuận dân sự vốn là chuyện bình thường, nếu cần sẽ được phân xử ở tòa án. Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, tiến trình thỏa thuận này cần được giữ trong vòng bí mật để bảo vệ hình ảnh cho người nghệ sĩ mà cả hai bên cùng khai thác, có lợi. Nhưng ở đây, cách thức đi đòi tác quyền ầm ĩ đã phủ bóng tối lên một show diễn sang trọng, đánh đồng nó với những nhộn nhạo chợ búa tầm…“showbiz”.
Mặt khác, sự ầm ĩ này không phải xuất phát ừ sự "chây ì" về tác quyền mà là không thể đạt được thống nhất về mức tác quyền phải trả. Về phía trung tâm VCPMC, ngay trước chương trình, họ đòi bằng được mức giá tính theo doanh thu nhưng con số doanh thu thật thì ai cũng hiểu phải chờ đến khi kết toán chương trình mới có.
Thế nhưng, bất cứ hành động nào từ phía VCPMC kể từ thời điểm diễn ra liveshow cũng sẽ được bào chữa, bởi cái sai lớn nhất của ban tổ chức là để chương trình diễn ra mà chưa đạt được thống nhất về phí tác quyền với riêng ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Người ta cũng có thể đặt dấu hỏi vụ việc trên có khiến những hỗn mang trên lĩnh vực tác quyền âm nhạc sẽ trở sáng tỏ và đi dần vào trật tự? Câu trả lời là rất khó, bởi vụ việc đang dần lộ ra nhiều câu chuyện lộn xộn khác. Từ tư cách đại diện của VCPMC cho đến việc các cơ quan quản lý văn hóa đang phải dùng "biệt lệ" pháp lý trong cấp phép tổ chức biểu diễn, bằng yêu cầu "đính kèm" các đơn vị tổ chức biểu diễn phải chi trả tác quyền, vốn là một giao dịch dân sự mà về nguyên tắc, Nhà nước không được phép can thiệp.
Theo Vietnamnet