Nhóm họa sỹ lưu động thành lập năm 2010 gồm 8 thành viên. Tiếng vọng thiên nhiên là triển lãm thứ hai của nhóm với mong muốn được trải nghiệm những cảm xúc kỳ diệu giữa thiên nhiên dung dị, kéo gần khoảng cách giữa con người với thiên nhiên. Các nghệ sỹ đã đan xen tình yêu của mình vào khung cảnh làng quê, thôn xóm, phố phường; cùng nhau thể hiện các cung bậc cảm xúc trước cảnh vật thiên nhiên, trực họa cùng thiên nhiên. Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Tường Linh, những năm 1960 - 1975, mảng tranh trực họa phát triển, do bấy giờ hoàn cảnh chiến tranh, khó có phương tiện sáng tác nào hơn trực họa. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, trực họa lùi sâu. Hiểu nó, nhóm họa sỹ lưu động đã đi theo con đường riêng, không chỉ là công nghệ, cũng không phải trào lưu nghệ thuật mới mà là phác họa thiên nhiên không đơn thuần là vẽ trong không gian mở, vẽ ngoài trời cùng thiên nhiên, ghi lại những phong cảnh đẹp, xa hơn, đó là sáng tạo nghệ thuật dựa trên tinh thần của thiên nhiên, tạo nên kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên và tâm hồn con người.
Triển lãm "Tiếng vọng thiên nhiên"
Diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 11 - 15.8, triển lãm Tiếng vọng thiên nhiên là sự trở về với những điều bình dị trong thiên nhiên của nhóm họa sỹ lưu động nhằm kết nối sâu sắc thiên nhiên và tâm hồn con người.
Lấy ý trong cuộc sống và thiên nhiên theo tâm trạng khám phá riêng, Trịnh Liên với Phong cảnh làng quê phản ánh sự thử nghiệm kỹ thuật vẽ tranh - nét cọ, với bờ ao, con đường hẹp quanh co và ruộng đồng xen kẽ, những góc sân nhỏ, lặng yên, trong lành - mong muốn nắm bắt được những trạng thái thay đổi thoáng qua của không gian, phản ánh của khung cảnh bằng việc ghi lại ánh sáng khó nắm bắt trong thiên nhiên, lưu giữ vẻ yên bình của quê hương.
Lê Thúy chọn góc giản dị hơn, sinh vật hoang dã, hoa dại làm chủ thể trọng tâm trong các trực họa thiên nhiên và con người nơi phố cổ Hà Nội, miêu tả sự tiếp nối truyền thống và khái niệm kiên định về vẻ đẹp của tự nhiên. Con chim nhỏ được cô vẽ khi nhìn sang hiên nhà khác. Tại lúc đó, tôi cảm thấy đô thị quá chật chội, nhà cửa cũ kỹ, con người chen lấn, tù túng, như con chim nhỏ sống trong lồng bức bách. Tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới trong cuộc sống xô bồ giữa nhà máy, công trường, phố phường tấp nập. Với Trong vườn, Lê Thúy chăm chú vào những góc tĩnh lặng của khu vườn - cô chia sẻ, cô bắt đầu tham gia các chuyến đi thực tế cảm nhận thiên nhiên với nhóm họa sỹ lưu động từ năm 2010, khi kết thúc năm thứ ba thời sinh viên. Sau đó, các chuyến thực tế ngày càng nhiều hơn, thôi thúc lưu lại khung cảnh thiên nhiên đang dần bị lãng quên. Tôi có một day dứt trong suốt quá trình sáng tác của mình, đó là quá trình đô thị hóa rất nhanh, con người hầu như chỉ gần gũi và tiếp xúc với đô thị mà quên thiên nhiên. Với một họa sỹ trẻ, tôi muốn con người và thiên nhiên gắn kết với nhau bằng những hình ảnh tôi cảm nhận được và thể hiện qua tác phẩm của mình...
Hầu hết họa sỹ chọn phong cảnh là chủ đề chính, nhưng với Duy Tùng, anh tập trung vào những ngôi nhà ở làng quê. Các tác phẩm: Cuối đông, Sân vắng, Ao làng của anh ấn tượng bởi sự thanh bình và bất biến trong cuộc sống nông thôn ngoại ô Hà Nội. Những hình ảnh ít thấy sự hiện diện của con người cũng cho cảm giác cô đơn và sự nghi ngờ về trạng thái biến đổi của khung cảnh làng quê. Bức Chiều quê được vẽ tại chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, ngoại thành Hà Nội, nhưng tôi có cảm giác như nó ở một nơi nào đó rất xa. Hình ảnh ngôi chùa tọa lạc bên đồi tĩnh lặng giữa um tùm cây cối, khiến tôi lo sợ một ngày nào đó sẽ không còn bắt gặp hình ảnh này. Lê Thế Anh lại tìm về và cảm nhận cuộc sống chân chất, mộc mạc, những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, những mảnh ruộng nhỏ cùng vườn rau xanh tốt, những ngóc ngách, lối mòn quanh co trong vườn với chiếc giếng rong rêu qua Vườn xuân, Hạnh phúc bình yên, Gửi lại mùa sau, Đường về nhà... Ý định tạo các góc nhìn hiện thực, sự phong phú và tráng lệ của thiên nhiên để kêu gọi nhiều hơn sự trở về khám phá vẻ đẹp thiên nhiên...
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, các họa sỹ hy vọng tạo nên kết nối thiên nhiên và tâm hồn con người.
Theo Daibieunhandan.vn