(Baonghean.vn) - Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; Cân đối nguồn lực để giảm nghèo bền vững; Chấn chỉnh quản lý chất lượng phân bón; Chấn chỉnh hoạt động xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
1 - Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phân côngcác thành viên chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án luật phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2016, bế mạc vào ngày 22/11/2016.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng các Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Ngoại giao; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ…chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự án luật để trình tại kỳ họp.
2 - Định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.
Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh nêu trên.
3- Cân đối nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa có chỉ đạo về việc cân đối, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng lưu ý, về đối tượng chính sách: áp dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng.
4 - Chấn chỉnh quản lý chất lượng phân bón
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấn chỉnh và tăng cường quản lý nhà nước về phân bón, khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Đồng thời, tổng rà soát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức chỉ định chứng nhận và thử nghiệm phân bón; chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận hợp quy phân bón đã cấp không đúng quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc chỉ định tổ chức chứng nhận và thử nghiệm phân bón.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh làm rõ những vi phạm của 11 tổ chức được chỉ định thử nghiệm và chứng nhận chất lượng phân bón có vi phạm nêu trong Kết luận thanh tra số 235/KL-TTr ngày 28/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xác minh làm rõ dấu hiệu giả mạo quyết định chứng nhận hợp quy cho 36 sản phẩm phân bón của Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ cao Quốc tế Con Cò Vàng để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
5 - Hoàn thiện dự án "Hiện đại hóa Bảo hiểm xã hội Việt Nam"
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Dự án “Hiện đại hóa Bảo hiểm xã hội Việt Nam” và Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về an sinh xã hội đến năm 2020”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xác định rõ yêu cầu dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ liên quan đến bảo hiểm xã hội và chuyển giao toàn bộ yêu cầu dữ liệu đó cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn thiện Dự án “Hiện đại hóa Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, dự kiến vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trong thanh toán, chi trả cho các đối tượng của chính sách an sinh xã hội, nhất là đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng.
5 - Ngày 10/11 là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội.
Đồng thời, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
6 - Triển khai thi hành Luật dược 2016
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc soạn thảo và trình các văn bản hướng dẫn Luật dược theo Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
Luật dược 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Luật này quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.
7- Kiểm tra phản ánh gian lận trong nhập khẩu xe ô tô biếu tặng
Trước đó, ngày 12/8/2016 báo Tiền Phong có bài: "Ô tô chục tỷ biến thành vài trăm triệu: Độc chiêu gian lận thuế" và ngày 31/8/2016 có bài: "Tiếp vụ nhập xe sang diện biếu tặng: Chây ỳ báo cáo", phản ánh hiện tượng gian lận thuế trong nhập khẩu xe ô tô biếu tặng (xe sang giá trị lớn nhưng đơn vị nhập khẩu khai báo giá trị thấp, không phù hợp giá giao dịch trên thị trường; cùng một loại xe nhưng giá khai báo tại các cục hải quan địa phương khác nhau; nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới để "hợp thức hóa việc nhập ô tô biếu tặng", tiêu thụ xong doanh nghiệp "bốc hơi"...) và liệu có sự thông đồng giữa cơ quan chức năng (hải quan, thuế) với doanh nghiệp.
Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo Tiền Phong phản ánh trên, trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan (hải quan, thuế...) trong quản lý và xử lý vấn đề này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2016.
8 - Xử lý huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về việc xử lý thu phí, lệ phí, huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công khai kết quả xử lý trước nhân dân và công luận. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, không để tình trạng thu phí, lệ phí, huy động đóng góp của nhân dân sai quy định xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, từ ngày 12-15/8/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ có loạt bài phản ánh về tình trạng lạm thu tiền đóng góp của người dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, gây bức xúc trong dư luận.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh; nếu có việc thu các loại phí, đóng góp của người dân sai quy định của pháp luật thì phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.
9 - Khẩn trương ban hành 24 văn bản quy định chi tiết 8 Luật
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài Chính; Thông tin và Truyền thông; Quốc phòng; Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 3 luật đã có hiệu lực trước ngày 15/10/2016 và 18 văn bản quy định chi tiết thi hành 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 (Luật kế toán, Luật ngân sách nhà nước, Luật phí và lệ phí, Luật báo chí, Luật dược) trước ngày 15/11/2016.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau thời điểm trên, Bộ trưởng nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn vừa xảy ra trên địa bàn Hà Nội do xe chở tôn cứa vào cổ gây tử vong, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dẫn đến vụ tai nạn.
Đề nghị UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đối với các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Thái Bình
(Tổng hợp)