(Baonghean.vn) - Tăng cường nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước; giáo dục đời sống gia đình; lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm; tăng cường quản lý chất lượng không khí;...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 6-10/6/2016.
1-Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn. Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phù hợp để quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), FDI, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2016; khẩn trương rà soát phương án điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 từ số vốn còn dư của quốc lộ 1A và quốc lộ 14, trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2016 và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo các đề án tái cơ cấu, gồm: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, kinh tế hợp tác và biến đổi khí hậu; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; Đề án tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước và nợ công; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đề án tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công; Kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, khẩn trương xây dựng và xác định thời hạn hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Theo Nghị quyết, Chính phủ cơ bản nhất trí với các nội dung Đề án “Định hướng lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn của Việt Nam” do NHNN trình. Đồng thời, giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện Đề án và dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Ngoài ra, Nghị quyết này cũng đề ra nhiều giải pháp liên quan đến hoạt động xuất, nhật khẩu; quản lý ngân sách nhà nước; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; phát triển sản xuất nông nghiệp; chương trình hỗ trợ nhà ở; phát triển du lịch; chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm…
2 - Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Tăng cường nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 2016
Nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu và nhu cầu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) phát sinh, nhất là do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo điều hành nhiệm vụ thu, chi và giữ vững cân đối NSNN năm 2016 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, góp phần phát triển nguồn thu NSNN ổn định, vững chắc.
3 - Ngừng kinh doanh quá 6 tháng liên tục mà không thông báo phạt đến 2 triệu đồng
Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hộ kinh doanh ngừng hoạt động kinh doanh quá 6 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng với hộ kinh doanh không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; không tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Về vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh; không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên; hộ kinh doanh buôn chuyến, hộ kinh doanh lưu động kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng không thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh; thành lập hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
4 - Điều kiện buôn bán thuốc thú y
Cụ thể, tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải theo quy định tại Điều 92 của Luật thú y và đáp ứng các điều kiện:
1- Có địa điểm kinh doanh cố định và biển hiệu.
2- Có tủ, kệ, giá để chứa đựng các loại thuốc phù hợp.
3- Có trang thiết bị bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định.
4- Có sổ sách, hoá đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng.
5- Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản. Có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin.
Điều kiện nhập khẩu thuốc thú y: Ngoài quy định điều kiện buôn bán thuốc thú y, Nghị định quy định cụ thể điều kiện nhập khẩu thuốc thú y. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y phải theo quy định tại Điều 94 của Luật thú y, điều kiện buôn bán thuốc thú y nêu trên và đáp ứng các điều kiện:
1 - Có kho bảo đảm các điều kiện theo quy định.
2 - Có trang thiết bị phù hợp như quạt thông gió, hệ thống điều hòa không khí, nhiệt kế, ẩm kế để bảo đảm các điều kiện bảo quản.
3 - Phải có hệ thống sổ sách, các quy trình thao tác chuẩn bảo đảm cho việc bảo quản, kiểm soát, theo dõi việc xuất, nhập thuốc thú y.
4 - Đối với cơ sở nhập khẩu vắc xin, chế phẩm sinh học phải có kho riêng bảo quản, có máy phát điện dự phòng, có trang thiết bị, phương tiện vận chuyển bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm trong quá trình vận chuyển, phân phối.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
5- Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp
Theo Nghị định 37/2016/NĐ-CP, mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 10 lần mức lương cơ sở/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Điều kiện hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp: Người lao động được hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc có đủ 4 điều kiện:
1- Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện.
2- Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đủ 12 tháng trở lên và đang được tham gia tính đến tháng liền kề trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
3- Người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian người lao động làm các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
4- Người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định.
Đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp và trong thời gian bảo đảm bệnh nghề nghiệp./.
6- Có 7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2016 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khí tượng thủy văn. Theo đó có 7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn, gồm: sân bay, hồ chứa thủy điện, cảng biển loại I-II, tháp thu phát thanh - truyền hình, cáp treo,...
Cụ thể, Nghị định 38/2016 quy định, 7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn gồm: Sân bay; Hồ chứa thủy điện có cửa van điều tiết lũ và hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 trở lên; hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Cảng biển loại I và loại II; Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy có khẩu độ thông thuyền từ 500 m trở lên; Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp; Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch; Vườn quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 3 năm rà soát, trình Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định. Theo Nghị định, Chủ công trình theo quy định trên quyết định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn theo nhu cầu khai thác, sử dụng công trình nhưng phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu đối với từng loại công trình như sau:
Sân bay dân dụng quan trắc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Sân bay quân sự quan trắc theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ quan trắc lượng mưa tại đập chính, mực nước tại thượng lưu và hạ lưu đập chính; tính toán lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ theo lưu lượng đến hồ, tần suất 4 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 1h, 7h, 13h và 19h trong mùa lũ, 2 lần một ngày vào 7h, 19h trong mùa cạn. Trường hợp vận hành chống lũ, tần suất quan trắc, tính toán tối thiểu 1 giờ 1 lần.
Hồ chứa thủy điện quan trắc lượng mưa tại đập chính, mức nước tại thượng lưu và hạ lưu đập chính; tính toán lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả, lưu lượng tháo qua tua bin, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ theo lưu lượng đến hồ, tần suất 4 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 1h, 7h, 13h và 19h trong mùa lũ, 2 lần một ngày vào 7h, 19h trong mùa cạn. Trường hợp vận hành chống lũ, tần suất quan trắc, tính toán tối thiểu 1 giờ 1 lần.
Hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa thực hiện quan trắc theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa.
Cảng biển quan trắc hướng và tốc độ gió trên vùng đất cảng, quan trắc mực nước biển, sóng thuộc vùng nước cảng, tần suất 4 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 1h, 7h, 13h và 19h.
Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 4 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 1h giờ, 7h, 13h và 19h.
Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp quan trắc hướng và tốc độ gió tại vị trí 2/3 chiều cao tháp tính từ chân tháp, tần suất 3 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 7h, 13h và 19h.
Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch quan trắc hướng và tốc độ gió tại điểm cao nhất của tuyến cáp, tần suất từng giờ trong thời gian vận hành.
Vườn quốc gia quan trắc lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng và tốc độ gió, tần suất 4 lần một ngày theo giờ Hà Nội vào 1h, 7h, 13h và 19h.
7- Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm
Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.
Cụ thể, các đối tượng được vay ưu đãi nhà ở xã hội, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
8- Giáo dục đời sống gia đình
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 với mục tiêu 80% hộ gia đình trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình.
Giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình; những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình; giáo dục đời sống gia đình đối với gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi; phấn đấu đến năm 2020 có 80% hộ gia đình trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình; 80% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình.
Đến năm 2020, trên 50% thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình; 80% cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình; đạt 100% cán bộ, chiến sỹ độ tuổi thanh niên trong các lực lượng vũ trang được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình; có 60% đơn vị, tổ chức cấp cơ sở của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ và Công đoàn có tổ chức sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình cho đoàn viên, hội viên và công đoàn viên.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình sẽ thực hiện nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục và các thành viên gia đình về tầm quan trọng của gia đình và nội dung giáo dục đời sống gia đình thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đặc biệt là dịp kỷ niệm các ngày lễ về gia đình.
Đồng thời, nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác giáo dục đời sống gia đình thông qua việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 gắn với các thiết chế văn hóa cơ sở và Trung tâm giáo dục tại cộng đồng; đẩy mạnh việc cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình dưới nhiều hình thức vào thời điểm phù hợp đến các thành viên gia đình, tập trung ưu tiên đối tượng thanh niên, công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đời sống gia đình...
9 - Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1023/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.Mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em; 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Nội dung chính của Chương trình là truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, xã hội, cha mẹ và trẻ em.
Trong đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của xã hội; Nghiên cứu triển khai các hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng của Chương trình; tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cộng đồng, trường học, người sử dụng lao động, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Đồng thời, Chương trình cũng thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em. Cụ thể như tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật; hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp; Trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.
10- Các trường hợp được đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định việc đưa bảo vật Quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
Đối tượng áp dụng Quyết định này là các Bộ, nghành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; bảo tàng công lập và ngoài công lập; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu bảo vật quốc gia.
Theo Quyết định, bảo vật Quốc gia chỉ được đưa ra nước ngoài trong 3 trường hợp gồm: Phục vụ hoạt động đối ngoại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội (hoạt động đối ngoại cấp nhà nước); Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt cấp quốc gia, Bộ, ngành, địa phương; Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản bảo vật quốc gia.
Việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện theo Luật Di sản văn hóa, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn, không bị hư hại trong quá trình vận chuyển, sử dụng tại nước ngoài. Bảo vật Quốc gia được miễn kiểm tra thực tế khi giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, cần xách định giá trị bằng tiền của bảo vật Quốc gia để làm cơ sở mua bảo hiểm.
Đối tác nước ngoài tiếp nhận bảo vật Quốc gia phải bảo đảm tính hợp pháp, có cơ sở vật chất, năng lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ phù hợp với việc trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
Mục tiêu là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…
Bên cạnh đó, thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế và giao thông vận tải; tăng cường kiểm định khí thải đối với các phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Thái Bình(Tổng hợp)