(Baonghean.vn) - Hồ Tùng Mậu (1896-1951) sinh ra trong một gia đình - gia tộc có truyền thống khoa bảng và yêu nước lâu đời ở xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), bên cạnh các gia đình nổi tiếng khác như gia đình Phan Đình Phùng ở Tùng Ảnh (Đức Thọ); gia đình Đinh Văn Chất ở Nghi Long (Nghi Lộc)...
Cao tổ Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Trọng Điển, đậu Hương cống thời Lê, thời Nguyễn làm quan đến chức Đốc học Nghệ An, rồi bị thuyên chuyển vì chống lại hành động tư túi của viên quan đầu tỉnh. Về quê cụ mở trường dạy học, học trò có tới 600 người, trong đó có nhiều vị đại khoa.
Tằng tổ Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Trọng Tuấn (còn có tên khác là Hồ Trọng Toàn) - con trai thứ ba của Đốc học Hồ Trọng Điển. Hồ Trọng Tuấn kết duyên với Phạm Thị Khanh - con gái đầu lòng Đốc học Phạm Đình Trọng, chị ruột danh sĩ Phạm Đình Toái - một học giả nổi tiếng của văn hóa Việt Nam.
Hồ Trọng Tuấn thi đậu 2 khoa tú tài, đến năm 1828 đậu cử nhân. Sau đó ít lâu được bổ làm Tri huyện Hoài Yên, thăng Tri phủ Triệu Phong rồi Án sát các tỉnh Quảng Yên, Hưng Yên và Thái Nguyên. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm, đức độ. Phần lớn ruộng đất được ban cấp ông đã cúng biếu cho họ hàng, làng xóm. Sau khi về hưu, ông đã góp phần cùng dân tu bổ đê điều ngăn nước mặn, làm cống tiêu úng, lập quỹ nghĩa sương để cho dân vay khi mất mùa, đói kém.
Ông nội Hồ Tùng Mậu là Hồ Bá Ôn, con trai thứ 3 của Án sát Hồ Trọng Tuấn. Gia phả họ Hồ chi thứ 5 ở Quỳnh Đôi ghi ông sinh năm 1843, là người “thông minh, lỗi lạc, không học trường nào cả, chỉ coi sách tự học là chính. Trong nhà có nuôi ông anh họ Hồ Trọng Tiến để dạy các em, ông xem sách, gặp đoạn khó thì hỏi, tự tìm đề, làm bài, chỉ nhờ xem và sửa”.
Năm 1868, Hồ Bá Ôn thi Hương đậu tú tài, 2 năm sau đậu cử nhân, tiếp đó năm 1875 đậu phó bảng, rồi bước vào hoạn lộ với các chức vụ Biên tu, Hàn lâm thị độc, Tri huyện thừa chỉ và đến năm 1881, được thăng Án sát Nam Định.
Ngày 26 và 27/3/1883, Pháp tấn công thành Nam Định. Án sát Hồ Bá Ôn cùng Đề đốc Lê Văn Điếm chỉ huy binh lính chống trả quyết liệt. Lê Văn Điếm anh dũng hy sinh. Hồ Bá Ôn cầm cự kiên cường trên mặt trận cửa Đông thành: “Riêng một cửa Đông, ông tả xung hữu đột, hết sức chiến đấu không ngừng. Chính khẩu thần công ở cửa Đông này đã bắn thủng tàu địch, cũng chính khẩu thần công ở cửa Đông này bắn trúng đùi tướng giặc”. Ông bị trọng thương, được binh sĩ đưa về tuyến sau chăm sóc nhưng không qua khỏi.
Ngày 29/4/1883, ông trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, hưởng dương 41 tuổi. Vua Tự Đức đặc cách truy tặng ông hàm Quang lộc tự khanh, cấp tiền tuất, cho con cháu được tập ấm. Vua còn tự tay thảo bài chế tỏ lòng thương tiếc gửi kèm sắc phong đưa tới Quỳnh Đôi. Bài chế có đoạn (dịch):
“...Nghĩ như khanh: Hồ Bá Ôn, Hàn lâm thị độc, lĩnh chức Án sát sứ tỉnh Nam Định
Giống dòng xứ Nghệ, thế phiệt Châu Hoan
Vườn Quỳnh thơm ngát, họ tên khoa Ất từng ghi.
Đức độ vang xa, chức việc đồ thư đã chọn
Khi thành Nam gặp cơn nguy hiểm, tìm người sắc bén ra tay
Lúc giặc Tây quở trách dựa lời, lập thế binh đao chống chọi
Phận thư sinh đứng lên dẹp giặc, lo toan giữ đất nước nhà
Cùng võ tướng xông xáo liều thân, dũng khí nức lòng đồng đội!...”.
Hồ Bá Ôn có người em ruột là Hồ Bá Trị, dân làng quen gọi là cậu ấm Bảy. Do cậu ruột - danh sĩ Phạm Đình Toái mai mối, cậu ấm Bảy sớm kết duyên cùng Trần Thị Trâm, con gái Tiến sĩ Trần Hữu Dực. Ngày 24/12/1885 (19/11 Ất Dậu), giặc Pháp gây ra cuộc thảm sát đẫm máu đối với làng Bào Hậu và làng Quỳnh Đôi là 2 cứ điểm quan trọng của phong trào Cần Vương xứ Nghệ, Hồ Bá Trị đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu.
Người vợ goá Trần Thị Trâm - tên thường gọi bà Lụa (1860-1930) về sau trở thành người chiến sỹ xuất sắc trong phong trào yêu nước chống Pháp, được Phan Bội Châu gọi là “quốc mẫu”, tặng biệt danh “Tiểu Trưng”. Khi con trai thứ 2 là Hồ Xuân Lan đến tuổi trưởng thành, bà đã thu xếp cho anh xuất dương.
Tiễn con đến biên giới, bà rút khăn mặt ra xé đôi rồi bảo: “Con sinh ra là để rửa nhục cho nước, cũng như cái khăn này dệt ra là để rửa bẩn cho người. Chuyến này con xuất dương, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian truân, con phải cố gắng vượt qua, nhất thiết không được giữa đường bỏ cuộc. Nếu trái lời mẹ dặn thì mẹ sẽ coi con như cái khăn bị xé này”. Hồ Xuân Lan lấy tên là Hồ Học Lãm (1884-1942), hiệu Hinh Sơn, hoạt động tích cực trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, rồi học trường quân sự Bắc Kinh, trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội Trung Hoa.
Từ năm 1917, gia đình Hồ Học Lãm là cơ sở cách mạng của các lớp thanh niên Việt Nam xuất dương tìm đường cứu nước, hoạt động ở Trung Quốc, trong đó có cháu họ ông là Hồ Tùng Mậu. Vợ ông là Ngô Thị Khôn Duy và 2 con gái Hồ Diệc Lan, Hồ Mậu La đều hoạt động tích cực trong hàng ngũ Đảng ta.
Thân phụ Hồ Tùng Mậu là Hồ Bá Kiện, con trai đầu của Án sát Hồ Bá Ôn, là một chí sĩ trong phong trào văn thân chống Pháp. Sau khi trống mõ Cần Vương lắng xuống, gia đình Hồ Bá Kiện là nơi gặp gỡ của các chiến sĩ bị truy lùng. Bản thân Hồ Bá Kiện bôn ba khắp nơi, góp phần nhen nhóm lại phong trào. Đầu thế kỷ XX, ông tích cực vận động thanh niên xuất dương chống Pháp dưới ngọn cờ của Phan Bội Châu.
Năm 1907, Hồ Bá Kiện bị bắt trong khi đang hoạt động ở Sơn Tây, rồi bị đày đi Lao Bảo. “...Đến nhà lao thì có tù vài trăm người. Có người mưu đồ chống Pháp, có người thông với đảng ngoài, bị tội cũng như ông. Đại để non sông đã mất thì lao tù là nơi an lạc của các chí sĩ, nghĩa nhân. Ông ở ngục được các tù nhân khác coi trọng, mới cùng mưu phá ngục tước khí giới, họp sĩ binh đánh thành Lao Bảo.
Việc phát ra, người Pháp đem trọng binh đàn áp, ông bị chết tại trận...”. Đình Nhạc (Nguyễn Thượng Hiền) có liễn viếng (dịch): “Cũng toan liều một mạch làm địa cầu, không gì là hợp, cũng không gì là ly, khiến cho dưới đất giữa người, đều y nhiên trước đèn bóng kiếm, bên gối tiếng gà, khi đắc ý lại quên mày tớ. Lại muốn dẫn chúng sinh lên thiên quốc, đã làm ra nhân, ắt sẽ làm ra quả, dựa ở oai trời sức Phật, tất phải thấy trong bụi mây Âu, đầu tia mưa Mỹ, trường chăn chi sá kể Đông Tây”.
Thái Bình (Tổng hợp)