(Baonghean) -Những người tham dự phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ngày hôm qua (23/5) không khỏi xót xa cho những giọt nước mắt hối hận của các bị cáo khi họ nhận ra những lỗi lầm của mình và mong muốn được nhận sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm người có ích cho xã hội…

Trong số 8 bị cáo có đơn kháng án được tòa đưa ra xét xử tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Xuân Anh là người sớm nhận ra sai lầm của mình và tỏ thái độ hối lỗi một cách chân thành. Ngày 12/3/2013, Nguyễn Xuân Anh đã viết đơn gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao với những lời lẽ rất thống thiết, trong đơn có đoạn viết: “Trước đây, vì không hiểu biết pháp luật, lại ham được đi du lịch đây đó miễn phí, nên bị cáo đã nghe theo lời của một số bạn bè xấu xúi dục lôi kéo tham gia vào tổ chức Việt Tân.

Sau khi bị bắt, bị cáo được các cán bộ điều tra phân tích rõ là bị cáo đã tham gia vào một tổ chức phản động và đã vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự chung. Nhờ đó mà bị cáo thấy được hành vi tham gia vào Việt Tân là sai, đi ngược lại với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nên bị cáo thấy mình có tội với cha anh đi trước, có tội với Đảng, với Nhà nước. Bị cáo rất ăn năn hối cải vì hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã thành thật khai báo mọi hành vi trước tòa, bị cáo đã nhận mình có tội và hứa từ bỏ tổ chức Việt Tân và về sau không tham gia một tổ chức chính trị nào để chống đối Nhà nước. Bị cáo rất mong được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước…”.

795536_small_97128.jpg

Các bị cáo trước vành móng ngựa

Những lời hối lỗi này cũng được bị cáo nhắc lại tại phiên tòa với một thái độ ăn năn. Bị cáo cho rằng mình đã đi ngược lại với truyền thống gia đình và lợi ích của quê hương, dân tộc, như trong đơn mà bị cáo gửi cho Tòa phúc thẩm viết: “Kính thưa tòa phúc thẩm, trước đây gia đình bị cáo cũng có bà được công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có chú ruột là liệt sỹ chống Mỹ cứu nước, bố bị cáo cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có nhiều huân chương, bằng khen của Nhà nước, anh trai bị cáo là bộ đội tình nguyện ở Lào và bị nhiễm chất độc màu da cam nay để lại di chứng cho 2 người con.

Bản thân bị cáo cũng từng là một vận động viên và từng đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong thi đấu thể thao. Bị cáo rất mong tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ này, trước đây gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, từ khi hết học bị cáo đã chịu khó làm ăn giúp gia đình thoát được cảnh đói nghèo. Nhưng từ khi bị cáo bị tạm giam, gia đình lại rơi vào cảnh nghèo đói, vợ bị cáo không may bị bệnh hiểm nghèo điều trị khắp nơi hết hơn 100 triệu đồng mà chưa khỏi bệnh, gia đình bị cáo rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Bị cáo ở tù, vợ bị bệnh nặng nên hai người con còn nhỏ của bị cáo cũng rơi vào cảnh bơ vơ nay đây mai đó, không được chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ.

Kính thưa tòa phúc thẩm, bị cáo viết đơn này chỉ để nói lên sự ăn năn hối cải về những hành vi phạm tội của mình và hứa từ bỏ tổ chức Việt Tân về sau sẽ không tham gia một tổ chức chính trị nào để chống chính quyền, chống Nhà nước nữa và cũng là để xin tòa phúc thẩm xem xét cho hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình bị cáo mà mở rộng sự khoan hồng của Đảng, của Nhà nước cho bị cáo cơ hội được làm lại cuộc đời, được trở về chăm sóc vợ ốm đau, các con nhỏ đang phải chịu cảnh bơ vơ… Bị cáo và gia đình xin chân thành cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều người cũng không cầm được nước mắt khi bị cáo Lê Văn Sơn òa lên khóc nức nở vì hay tin người mẹ đã mất cách đây 4 tháng mà người nhà giấu không cho biết. Từ thái độ bất hợp tác, quanh co chối tội ở phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm này, Sơn đã tỏ rõ sự ăn năn hối hận về hành vi phạm tội và đã khai báo thành khẩn trước Hội đồng xét xử với mong muốn được hưởng sự khoan hồng, giảm án để sớm được trở về tạ lỗi và hương khói cho mẹ - người đã vì hành động nông nổi của đứa con trai duy nhất mà ra đi trong đau buồn. Trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa, Sơn khóc: “Tôi đã nhận thức ra sai lầm, hối tiếc về việc làm của tôi, nhà tôi chỉ có một mẹ một con, giờ tôi vào tù, mẹ tôi mất đi không có ai hương khói. Tôi hứa sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật, xin tòa cho tôi được hưởng sự khoan hồng, sớm trở về làm người công dân tốt”.



Người thân các bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa

Bị cáo Hồ Văn Oanh cả bố và mẹ tham gia quân đội và có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tại phiên tòa phúc thẩm, Oanh cũng đã nhận ra lỗi lầm và “đáng tiếc về hành vi của mình, mong tòa xem xét cho hưởng sự khoan hồng”.

Mặc dù ở phiên sơ thẩm, các bị cáo đã từng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhưng tại phiên phúc thẩm này, với thái độ thành khẩn nhận lỗi, các bị cáo Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh tiếp tục được tòa cho hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Khi được nói lời cuối cùng tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều tỏ ra hối lỗi và mong được gia đình, nhân dân tha thứ, được pháp luật khoan hồng để sớm quay về làm người có ích cho xã hội. Những giọt nước mắt, những lời sám hối tuy muộn màng, nhưng cần thiết đã giúp cho đường về gần hơn đối với các bị cáo trong vụ án này. Nhưng với những bị cáo còn quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi “tiếp tay” cho tổ chức phản động Việt Tân thực hiện mưu đồ gây mất ổn định xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, xâm phạm đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, như Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đình Cương, tòa vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên. Điều này thể hiện sự nghiêm minh và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, truyền thống đạo lý “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” của dân tộc ta. Bởi chỉ có sự giác ngộ và thật lòng hối cải mới giúp những người lầm đường lạc lối sớm quay về với con đường chính nghĩa trong dòng chảy của dân tộc.


NPV Pháp Luật